Thúc đẩy xu hướng tiêu dùng xanh
Sản phẩm bảo vệ môi trường
Mới đây, tại TP. Đà Nẵng, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công thương), phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức Hội nghị Xúc tiến thương mại cho các sản phẩm thân thiện môi trường (ENTECH Đà Nẵng 2021). Hội nghị có hai nội dung chính gồm: thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản xuất và trưng bày, giới thiệu các sản phẩm thân thiện môi trường.
Theo đó, tại ENTECH Đà Nẵng 2021 đại biểu tham gia đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm phát triển sản xuất và tiêu dùng bền vững các sản phẩm thân thiện với môi trường. Trong đó, có thể kể đến như, thiết bị tiết kiệm năng lượng, pin năng lượng mặt trời; sản phẩm sử dụng nguyên liệu tái chế, phế phẩm; sản phẩm sử dụng nguyên liệu sạch, nông sản sạch... Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tham gia còn đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm giúp người dân dễ dàng tiếp cận các sản phẩm sạch, uy tín, chất lượng, thân thiện môi trường.
Cần khuyến khích sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường |
Bà Nguyễn Thị Thúy Mai - Phó giám đốc Sở Công thương Đà Nẵng cho biết, hoạt động xúc tiến thương mại cho các sản phẩm thân thiện môi trường lần này nằm trong khuôn khổ chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021-2030. Với mục tiêu từng bước thay đổi mô hình sản xuất và tiêu dùng theo hướng nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn tài nguyên và năng lượng; tăng cường sử dụng các nguyên vật liệu, năng lượng tái tạo, sản phẩm thân thiện môi trường; giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế chất thải; duy trì bền vững của hệ sinh thái tại tất cả các khâu trong vòng đời sản phẩm từ khai thác, cung ứng nguyên liệu đến sản xuất chế biến, phân phối, tiêu dùng và thải bỏ sản phẩm. Đồng thời, cơ quan chia sẻ các chính sách liên quan đến việc hỗ trợ thúc đẩy sản xuất cũng như tiêu thụ các sản phẩm thân thiện môi trường. Doanh nghiệp sản xuất giới thiệu những sản phẩm tiêu biểu đặc trưng của mình. Qua đó, đẩy mạnh sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố môi trường xanh, sạch đẹp.
Trong khuôn khổ ENTECH Đà Nẵng 2022, hoạt động giới thiệu các sản phẩm thân thiện môi trường được tổ chức tại Trung tâm Hội chợ Triển lãm Đà Nẵng với quy mô hơn 30 gian hàng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Tại đây, doanh nghiệp tham gia trưng bày sản phẩm, công nghệ tiên tiến trong các ngành như: năng lượng xanh, nguyên liệu tái chế, sản phẩm tự nhiên, nông sản sạch...
Tham gia sự kiện này, Hợp tác xã công nghệ cao Mặt trời Việt (Sơn Trà - TP. Đà Nẵng) mang tới triển lãm dòng sản phẩm sức khỏe về tảo xoắn, do cơ sở thực hiện nuôi trồng, sản xuất tại địa phương với công nghệ tiên tiến, khép kín. Ông Đinh Nguyễn Hoàng - Giám đốc Hợp tác xã công nghệ cao Mặt trời Việt cho biết, hiện xu hướng của người dân đã thiên nhiều về sử dụng sản phẩm tốt cho sức khỏe nhưng thân thiện với môi trường. Bởi vậy, chúng tôi bảo đảm về chất lượng sản phẩm và góp phần bảo vệ môi trường. Các dòng sản phẩm của Mặt trời Việt đã có mặt ở trên thị trường trong nước. Tôi mong rằng, qua sự kiện này hợp tác xã có thêm điều kiện để kết nối sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng.
Khách hàng ủng hộ “xanh” và “sạch”
Theo số liệu từ các cơ quan chức năng, thực trạng ô nhiễm rác thải nhựa, túi nilon hiện nay rất nghiêm trọng. Cụ thể, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam ở mức rất cao, chiếm khoảng 8-12% trong chất thải rắn sinh hoạt. Nếu trung bình 10% số lượng chất thải nhựa và túi nilon không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng chất thải nhựa và túi nilon thải bỏ ở Việt Nam sẽ xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm. Số lượng rác thải nhựa, túi nilon thải ra tăng dần theo từng năm. Đây là một “gánh nặng” cho môi trường.
Bởi vậy, thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện những đồ dùng, dụng cụ trong gia đình được làm bằng tre, gỗ, lá cây, giấy… thay thế cho những sản phẩm được làm bằng nhựa. Không chỉ khơi dậy ý thức bảo vệ môi trường đối với nhiều người, xu hướng tiêu dùng này còn góp phần thúc đẩy sản xuất “sạch”, tiêu dùng “xanh”. Trên thực tế, sản phẩm và tiêu dùng bền vững là xu thế tất yếu hiện nay. Sản xuất và tiêu dùng bền vững đang là một trong những mục tiêu quan trọng của chiến lược kinh tế - xã hội của Chính phủ đến năm 2030.
Theo ông Trịnh Quốc Vũ - Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, dù đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực đến kinh tế, sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, nó cũng mang lại những cơ hội nhất định. Trong đó, có sản xuất, tiêu dùng bền vững. Khảo sát mới đây cho thấy, 90% người được khảo sát trả lời rằng dịch Covid-19 làm thay đổi cách nhìn của họ về môi trường và tiêu dùng bền vững. Covid-19 cũng làm thay đổi hành vi người tiêu dùng, 62% người tiêu dùng sẵn sàng thay đổi hành vi mua hàng để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường.
Trên thị trường, người tiêu dùng ngày càng ý thức được việc cấp thiết phải bảo vệ môi trường sống nên việc sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường trong thời gian gần đây đang có chiều hướng tăng mạnh. Nhiều “thượng đế” sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm “xanh” và “sạch”. Bà Nguyễn Thúy Hải, trú tại quận Liên Chiểu (TP. Đà Nẵng) cho biết, trước đây chất lượng và giá cả, thành phần nguyên liệu là những tiêu chí lựa chọn sản phẩm của bà. Tuy nhiên, gần đây chọn mua bất kỳ sản phẩm nào cũng phải cân nhắc đến yếu tố bảo vệ môi trường... Theo một nghiên cứu của Nielsen Việt Nam, đối với người tiêu dùng hiện đại thì chất lượng sản phẩm không chỉ là độ bền mà sản phẩm phải vừa tốt cho sức khỏe người sử dụng, vừa bảo vệ môi trường. Thống kê cho thấy, khoảng 80% người tiêu dùng Việt sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm có nguyên liệu thân thiện với môi trường.
Nắm bắt xu thế đó, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước đã phát triển nhiều ý tưởng, chương trình để thúc đẩy tiêu dùng xanh, thân thiện với môi trường. Hàng loạt các sản phẩm tiện ích thay thế cho đồ nhựa, như: ống hút sắt, bình thủy tinh, bình nước tre, ống hút gạo, ly giấy, hộp xốp bằng bã mía hay các sản phẩm có thể tự phân huỷ... được người tiêu dùng đón nhận. Tuy nhiên, trên thực tế việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguyên, nhiên, vật liệu và giảm phát thải ra môi trường được khá nhiều tập đoàn lớn áp dụng, nhưng với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có quy mô nhỏ hơn thì còn nhiều khó khăn. Do chi phí máy móc lớn, rào cản kỹ thuật và công nghệ, nguyên liệu thiên nhiên có hạn, nên “cái khó vẫn đang bó cái khôn”, ảnh hưởng đến việc sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm thân thiện với môi trường...