Thủy sản không đạt mục tiêu nhưng không thất vọng
Vì hoạt động đánh bắt thủy sản bền vững | |
Doanh nghiệp thủy sản gặp khó trong năm 2019 | |
Người Việt tiêu thụ nhiều thủy sản ngoại |
Kết thúc năm 2019, ngành thủy sản Việt Nam không đạt những kết quả như mong muốn, tiến sĩ Hồ Quốc Lực, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) nhìn nhận.
Nhìn lại chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản nói chung và các nhóm hàng tôm, cá tra, ba sa nói riêng đều thấp hơn năm 2018. Trong đó, cá tra sụt giảm kim ngạch xuất khẩu là do thị trường nhập khẩu chính có xu hướng giảm đơn đặt hàng. Hiệu ứng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đã khiến lượng cá thịt trắng (cá rô phi) xuất qua Mỹ bị “thất thu”.
Xuất khẩu thủy sản năm 2020 sẽ khởi sắc |
Trong thời gian qua, các nhà nuôi trồng thủy sản Trung Quốc đã tích cực nuôi cá tra với sản lượng lớn, xuất khẩu đến các thị trường lớn như Châu Âu (EU). Trong khi đó, người nuôi cá tra Việt Nam cũng đẩy mạnh nuôi thả, khiến sản lượng tăng không kiểm soát. Chính vì thế, nguồn cung tăng khá mạnh, dẫn đến giá bán cá tại lồng, bè giảm mạnh. Điều này khiến xuất khẩu cá tra của Việt Nam năm 2019 chỉ đạt 2 tỷ USD, giảm 11,7% (so với năm 2018). Ở thị trường chính là Mỹ, kim ngạch xuất khẩu cá tra giảm mạnh đến 49%, do lượng tồn kho tại thị trường cao, nhu cầu nhập khẩu giảm, dẫn đến giá trung bình bị ép xuống mức thấp hơn 35% so với năm 2018. Đây chính là bài học về việc xử lý thông tin chậm trễ, khiến mặt hàng xuất khẩu chủ lực của thủy sản Việt gặp khó.
Tương tự là với mặt hàng tôm. Các cường quốc nuôi tôm như Ấn Độ, Thái Lan… đều gặp khó khăn trong năm qua. Nguyên nhân là do giữa vụ, tôm nuôi bị dịch bệnh tấn công khá mạnh, nhất là tôm nuôi của Ấn Độ và kế tiếp là Việt Nam. Dịch bệnh khiến cỡ tôm bị nhỏ lại và chậm lớn. Đồng thời, sản lượng cũng không thể tăng mạnh vì thiệt hại do dịch bệnh. Chính vì thế, giá tôm cỡ nhỏ không tăng, nhưng tôm cỡ lớn lại lên khá cao, nhất là thời điểm cuối vụ. Mặt khác, do nguồn cung trong nước giảm, giá tôm nội địa nói chung đã tăng cao khiến nhiều hợp đồng đã ký kết trước đó bị thiệt hại không nhỏ về giá trị nếu giao đúng hạn. Năm 2019, xuất khẩu tôm của Việt Nam đạt 3,38 tỷ USD, giảm 5% so với năm 2018. Các thị trường nhập khẩu lớn như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN đều giảm lượng nhập khẩu tôm Việt Nam. Nửa đầu năm 2019, sản lượng tôm nuôi trong nước tăng, giá tôm nguyên liệu giảm, trong khi lượng tồn kho tôm tại các thị trường cao, nguồn cung tôm từ các nước khác cũng tăng, khiến giá tôm nhập khẩu tại các thị trường giảm thấp hơn so với các năm trước, do vậy xuất khẩu tôm năm 2019 tiếp tục xu hướng sụt giảm.
Nhóm sản phẩm thủy sản xuất khẩu khác như cá ngừ, các loại cá biển, nhuyễn thể... cũng suy giảm kim ngạch ở nhiều thị trường như EU, giảm 11,5% kim ngạch nhập khẩu, khiến EU từ thị trường lớn thứ hai của Việt Nam đã tụt xuống thứ 5 sau Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc. Kết quả này đã phản ánh hệ lụy của thẻ vàng chống khai thác bất hợp pháp (IUU) đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam trong thời gian qua.
Tuy nhiên, có một điểm sáng từ đầu năm 2020 là sau một thời gian ngắn sụt giảm, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã hồi phục và dự đoán sẽ tiếp tục tăng trở lại, nhất là hai mặt hàng tôm và cá tra. Thị trường này được đánh giá sẽ là rất quan trọng trong những năm tới. Thị trường Nhật Bản trong năm vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức 10%.
Theo tiến sĩ Hồ Quốc Lực, mặc dù nhìn kim ngạch xuất khẩu thủy sản chưa như kỳ vọng nhưng cũng không thất vọng. Bởi vì, bên cạnh việc ứng phó, khắc phục các vướng mắc tại các thị trường xuất khẩu, doanh nghiệp ngành thủy sản đã và đang được sự ủng hộ, tạo điều kiện phát triển từ các cơ quan chức năng. Kỳ vọng hiệu quả xuất khẩu thủy sản năm 2020 sẽ tăng trưởng trở lại và đạt từ 9,3 – 9,5 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2019.