Vì hoạt động đánh bắt thủy sản bền vững
Người Việt tiêu thụ nhiều thủy sản ngoại | |
Để ngành thủy sản phát triển bền vững | |
Xuất khẩu thủy sản hướng đến mục tiêu 9 tỷ USD |
Vẫn còn tàu cá vi phạm
Với nhiều quyết tâm của ngành thủy sản Việt Nam, nhất là chính quyền các địa phương trong việc kiểm soát hoạt động đánh bắt của ngư dân, mới đây, sau khi kiểm tra lần thứ 2, Ủy ban châu Âu (EC) có công thư đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU). Song EC cũng cảnh báo, chừng nào Việt Nam chưa giải quyết được vấn đề tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, thì EC sẽ không gỡ thẻ vàng…
Các địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong việc kiểm soát tàu cá đánh bắt xa bờ |
Đơn cử, Bình Định là một trong những địa phương có đội tàu đánh bắt xa bờ lớn nhất cả nước. Gần đây, cùng với việc đầu tư cải hoán, đóng mới tàu cá công suất lớn để vươn khơi, ngư dân tỉnh Bình Định đã chủ động trang bị các thiết bị đánh bắt hiện đại, giúp tăng năng suất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Theo Chi cục Thủy sản Bình Định, địa phương hiện có 6.164 tàu cá với tổng công suất trên 1,8 triệu CV. Trong đó, có 4.358 tàu thuộc diện đăng kiểm, 1.806 tàu có chiều dài dưới 12m.
Thế nhưng, đây cũng là địa phương có nhiều tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, dẫn đến phải tước giấy phép hoạt động. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bình Định, vừa qua, cơ quan chức năng đã thu hồi vĩnh viễn giấy phép khai thác thủy sản của 17 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài. UBND tỉnh Bình Định cũng ra quyết định xử lý vi phạm hành chính đối với 1 tàu với số tiền 85 triệu đồng. Hiện Bình Định đang chỉ đạo xác minh, củng cố hồ sơ để xử lý 16 trường hợp còn lại theo quy định. 17 tàu cá khai thác thủy sản này vi phạm vùng biển các nước như Malaysia, Philippines, Indonesia và Đài Loan.
Mặc dù, Bình Định triển khai quyết liệt các giải pháp chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định, thế nhưng tình trạng tàu cá của ngư dân địa phương vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn tiếp diễn.
Cần khẩn trương xử lý dứt điểm
Trước tình hình đó, tại hội nghị phổ biến kết quả làm việc lần 2 của đoàn thanh tra EC về khai thác IUU do Tổng cục Thủy sản tổ chức mới đây tại Đà Nẵng, ông Nguyễn Quang Hùng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết trong năm 2020, Việt Nam phải chấm dứt hoàn toàn việc tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.
Theo Tổng cục Thủy sản, đoàn thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của EC đã sang làm việc tại Việt Nam để kiểm tra tình hình triển khai các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU. Đoàn thanh tra EC đánh giá cao và ghi nhận sự cam kết, quyết tâm chính trị và sự nỗ lực lớn của Việt Nam trong việc chống khai thác IUU. Trong đó, đoàn đặc biệt ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong việc hoàn thiện khung pháp lý như việc đổi sửa Luật Thủy sản, ban hành 2 nghị định và các thông tư hướng dẫn thi hành luật; đánh giá cao tinh thần hợp tác, sự minh bạch và trung thực của Việt Nam trong việc cung cấp thông tin, trao đổi giữa hai bên trong suốt thời gian đoàn làm việc tại Việt Nam.
Đoàn thanh tra EC khẳng định, Việt Nam có nhiều tiến bộ so với đợt kiểm tra lần 1 hồi tháng 5/2018 và đang đi đúng hướng như tiến hành triển khai thực hiện Luật Thủy sản; cải thiện mạnh mẽ công tác theo dõi, kiểm soát, giám sát tàu cá so với lần kiểm tra trước. Qua kiểm tra thực tế tại cảng cá Tắc Cậu (tỉnh Kiên Giang), đoàn EC cho biết đã có sự tiến bộ rõ rệt; quy trình quản lý, tổ chức giám sát tàu cá và kiểm soát sản lượng qua cảng được thực hiện linh hoạt và hiệu quả; Việt Nam đã nỗ lực triển khai lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá…
Song EC cho rằng, tiến độ ban hành các văn bản còn chậm so với cam kết; tiến độ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình còn chậm; việc xử phạt vi phạm hành chính còn hạn chế và chưa thống nhất giữa các địa phương. Đặc biệt, việc tăng đội tàu khai thác sẽ khiến các nỗ lực quản lý nguồn lợi thủy sản bền vững gặp khó khăn; nhất là tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài chưa có dấu hiệu giảm.
Do đó, EC khuyến nghị, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và triển khai tất cả các cơ chế cần thiết để bảo đảm thực hiện một cách hiệu quả. Đồng thời, cần bảo đảm thực thi đầy đủ các quy định về kiểm soát sản phẩm thủy sản, quy định ra - vào cảng của các tàu nước ngoài. Xây dựng, bổ sung quy trình thẩm định các thông tin do tàu nước ngoài cung cấp; lắp đặt xong thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên và triển khai toàn diện quy trình để theo dõi, kiểm soát hiệu quả đội tàu này. Cải thiện quy trình đang thực hiện để kiểm soát quy trình truy xuất nguồn gốc và giám sát được nguồn nguyên liệu chứng nhận sử dụng tại các nhà máy chế biến. Bổ sung các quy trình để kiểm soát nguyên liệu thủy sản nhập khẩu từ các container nhằm bảo đảm kiểm tra được tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu này.
Cùng với đó, xây dựng chiến lược toàn diện để xác định, xử phạt và ngăn ngừa tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài; triển khai xử phạt vi phạm hành chính thống nhất trên toàn quốc, mức xử phạt phải đủ lớn để bảo đảm tính răn đe. Quy trình xử phạt cần được tiến hành nhanh, hiệu quả; thiết lập quy trình rõ ràng để đưa tàu vào danh sách IUU…