Tích cực gỡ khó cho dự án bất động sản
Bộ Xây dựng báo cáo gấp Thủ tướng về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản Người mua khắt khe hơn khi chọn chủ đầu tư bất động sản |
Ông Nguyễn Văn Sinh - Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Tổ phó Tổ công tác cho biết, Tổ công tác và Bộ Xây dựng đã hướng dẫn, giải quyết tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền Chính phủ, các bộ. Các vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh cũng đã được Tổ công tác hướng dẫn thực hiện.
Tại TP. Hồ Chí Minh, Tổ công tác đã làm việc, giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với khoảng 30 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 180 dự án nhà ở, khu đô thị. Sau đó, các vấn đề đã được làm rõ, giải quyết căn bản. Theo thông tin của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, đến nay, thành phố đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án (tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án ban đầu).
Còn tại Hà Nội, Tổ công tác cũng đã giải đáp, hướng dẫn trực tiếp và hướng dẫn bằng văn bản đối với khoảng 20 nội dung kiến nghị liên quan đến khó khăn, vướng mắc của khoảng 712 dự án nhà ở, khu đô thị. Theo thông tin của Sở Xây dựng, đến nay Hà Nội đã chỉ đạo và giải quyết được 419 dự án (tương đương 58,8% so với số lượng 712 dự án ban đầu). Hiện thành phố đang tiếp tục chỉ đạo giải quyết cho 293 dự án.
Theo Bộ Xây dựng, qua tổng hợp, nghiên cứu, xem xét các văn bản báo cáo, thì hầu hết các khó khăn, vướng mắc đều thuộc thẩm quyền giải quyết của các địa phương. Bộ Xây dựng cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do địa phương hiểu và áp dụng pháp luật chưa đầy đủ, chưa đúng.
Để hỗ trợ, Bộ Xây dựng đã ban hành 35 văn bản hướng dẫn, giải đáp tháo gỡ khó khăn về các nội dung như quy hoạch, nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, cấp phép xây dựng, chuyển nhượng dự án cho các địa phương là Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Thái Nguyên, Vĩnh Long... Bên cạnh đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có nhiều văn bản hướng dẫn địa phương, doanh nghiệp tháo gỡ vướng mắc theo đề nghị của Tổ công tác.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Sinh cũng cho biết: “Việc tháo gỡ những vướng mắc còn nhiều khó khăn do quá trình triển khai thực hiện nhiều dự án kéo dài, pháp luật qua các thời kỳ có nhiều thay đổi, dẫn đến nhiều vấn đề tồn tại rất khó xử lý. Một số cán bộ, công chức, cơ quan, đơn vị thực thi pháp luật có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý dẫn đến đùn đẩy, né tránh, không dám đề xuất, không dám quyết định”.
Chính vì vậy trong thời gian tới, Bộ Xây dựng tiếp tục phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, của Chính phủ để hoàn thiện trình Quốc hội ban hành Luật Nhà ở (sửa đổi) theo đúng kế hoạch. Đồng thời, bộ cũng phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn về pháp lý để tạo nguồn cung. Bên cạnh đó, bộ sẽ tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” để tăng nguồn cung phù hợp với nhu cầu, khả năng của người lao động có thu nhập thấp có thể tiếp cận.