Tìm động lực tăng trưởng CASA
Ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng CASA | |
Kỳ vọng tăng thu ngoài lãi | |
Muốn tăng CASA, dịch vụ phải chất lượng |
Tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) đã và đang là một trong những yếu tố quan trọng cho tăng trưởng về hiệu quả kinh doanh của các NHTM trong những năm gần đây. Điểm danh những ngân hàng có kết quả kinh doanh vượt trội đều trong top ngân hàng có tỷ lệ CASA cao. Tính đến cuối tháng 3/2022, 5 ngân hàng có tỷ lệ CASA cao nhất có Techcombank, MB, MSB, Vietcombank, ACB. Techcombank vẫn đang dẫn đầu về tỷ lệ CASA và đã duy trì ngôi vị này liên tục suốt 3 năm trở lại đây. Theo báo cáo tài chính, tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi ký quỹ tại Techcombank ngày 31/3/2022 là 165.745 tỷ đồng, tăng 4,3% so với đầu năm. Tỷ lệ CASA đạt 50,4%, gần như không đổi so với cuối năm 2021.
Techcombank đã dẫn đầu ngành về tỷ lệ CASA liên tục 3 năm gần đây |
Tuy có sự sụt giảm nhưng MB vẫn đứng vững vị trí thứ 2 khi tỷ lệ CASA của ngân hàng này ở mức 44,7%. MSB tiếp tục gây ấn tượng khi tăng mạnh tỷ lệ CASA từ 35,8% cuối năm 2021 lên 38,3% quý I/2022. Số dư tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng này tính đến cuối tháng 3 là 36.878 tỷ đồng, tăng gần 3.000 tỷ đồng so với cuối năm 2021, tương đương tăng 8,7%. Trước đó, MSB gây nhiều bất ngờ cho thị trường khi có tiền gửi không kỳ hạn tăng tới 33% trong năm 2021, đưa tỷ lệ CASA nhảy vọt từ 29,4% lên 35,8% và chính thức vượt qua Vietcombank trong bảng xếp hạng tỷ lệ CASA ở vị trí thứ 3 trong hệ thống. Vietcombank đứng thứ 4 trong hệ thống về tỷ lệ CASA tăng nhẹ từ 35,7% hồi đầu năm lên 36,3% vào cuối tháng 3. Vị trí thứ 5 thuộc về ACB. Tỷ lệ CASA ngân hàng này cải thiện tăng từ 25,4% lên 26,9%. Một số ngân hàng khác đang tăng tốc bám đuổi top trên như Sacombank, VPBank, BIDV… đang có tỷ lệ CASA đạt trên 20% tính đến cuối tháng 3/2022.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, việc duy trì tỷ lệ CASA cao là yếu tố quan trọng giúp cho kết quả kinh doanh của ngân hàng tiếp tục khả quan trong bối cảnh nền kinh tế còn đối mặt nhiều khó khăn. “Những ngân hàng có tỷ trọng CASA lớn càng có lợi thế hóa giải áp lực chi phí hoạt động, cải thiện lãi biên (NIM), ổn định lãi suất cho vay. CASA lớn cũng tạo nền tài nguyên rộng lớn cho phát triển các hệ sinh thái dịch vụ tài chính trong bán chéo sản phẩm, tăng thu dịch vụ”, một chuyên gia ngân hàng nhìn nhận. Đồng quan điểm, TS. Châu Đình Linh cho rằng, tăng trưởng CASA là một trong những mục tiêu quan trọng của các ngân hàng hiện nay nhằm giảm chi phí huy động vốn, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Những lợi ích từ tăng trưởng CASA khiến cuộc cạnh tranh hút khách của ngân hàng ngày càng quyết liệt. Các ngân hàng đều đặt tham vọng tăng trưởng mạnh tỷ lệ CASA. Đơn cử, Techcombank đang đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ CASA của ngân hàng sẽ đạt tới 55%. ACB cũng kỳ vọng tỷ lệ CASA cao hơn lên mức 28-29% vào cuối năm 2022…
Dễ nhận thấy, khi miếng bánh thị phần này đang ngày càng bị chia nhỏ, dư địa tăng trưởng cũng như duy trì “phong độ” cho CASA của các ngân hàng chắc chắn sẽ gặp áp lực. Thực tế, là thời gian vừa rồi các ngân hàng top đầu chỉ tăng hoặc giảm nhẹ chứ ít có sự bứt phá.
Chuyên gia ngân hàng TS. Châu Đình Linh cho rằng, trước áp lực cạnh tranh ngày càng gay gắt, các ngân hàng đang có sẵn vị thế ở top trên cố gắng duy trì thị phần, có thể không tăng lên mạnh nhưng cố gắng không để giảm vì sẽ rất khó khôi phục lại. Để tăng CASA, các ngân hàng cần phải đa dạng hoá trải nghiệm cho khách hàng.
Theo Phó Tổng Giám đốc phụ trách Ban điều hành Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng, thu hút CASA với các ngân hàng hiện nay là cạnh tranh sản phẩm dịch vụ, muốn “hút” người dân sử dụng sản phẩm dịch vụ bán lẻ thì phải miễn, giảm phí. Do đó, từ đầu năm 2022, Vietcombank đã giảm toàn bộ phí giao dịch trên kênh VCB Digibank để tăng cường khuyến khích khách hàng sử dụng trên nền tảng dịch vụ công nghệ số.
“Trước mắt và cả lâu dài CASA sẽ thay đổi định hướng ngân hàng như thay vì phải mở chi nhánh, phòng giao dịch để tiếp cận khách hàng thì nay khuyến khích khách hàng sử dụng kênh số... Quan trọng hơn cả là hệ thống công nghệ số sẽ đáp ứng nhu cầu khách hàng 24/7 và giảm chi phí đầu vào, từ đó góp phần giảm lãi suất đầu ra”, ông Nguyễn Thanh Tùng chia sẻ thêm.
Lãnh đạo ACB cho biết, lợi thế của ACB trong thời điểm này là hệ thống ngân hàng số. Ngân hàng này dự kiến sẽ ra mắt một hành trình trải nghiệm số khép kín mới cho khách hàng nhằm thu hút thêm vốn CASA. ACB cũng tổ chức những roadshow và liên kết với nhiều tổ chức Fintech.
Có thể thấy, ngân hàng số là một trong những động lực quan trọng để các ngân hàng thực hiện mục tiêu tăng trưởng CASA. Theo quan điểm của một chuyên gia ngân hàng, muốn CASA tăng trưởng không chỉ đến từ các giải pháp kỹ thuật liên quan đến các tiện ích thanh toán, mà ngân hàng phải tạo ra “cái phễu” để hút khách hàng. Hay nói cách khác, ngân hàng phải xây dựng tổ hợp rất nhiều sản phẩm dịch vụ đáp ứng được mọi nhu cầu của khách hàng, mà quy trình thẩm định phê duyệt đơn giản hoá, chủ yếu tương tác trên Digital Banking.
Dựa trên nền tảng thông tin khách hàng, ngân hàng tiếp tục phân tích dữ liệu, đề xuất sản phẩm tài chính phù hợp với từng đối tượng cũng như dự đoán nhu cầu trong tương lai của khách hàng. Từ đó ngân hàng gia tăng hoạt động bán chéo sản phẩm vừa đem lại nhiều giá trị gia tăng cho khách hàng vừa đa dạng hoá nguồn thu, tạo cơ cấu lợi nhuận bền vững trong hoạt động ngân hàng.
Chẳng hạn, ngân hàng thực hiện bán chéo các sản phẩm liên quan đến việc quản lý dòng tiền của doanh nghiệp như trái phiếu, cổ phiếu... Khi theo dõi các khoản tiền gửi cũng như thông tin từ chuỗi giá trị, ngân hàng biết được khi nào một doanh nghiệp có những khoản tiền nhàn rỗi và chưa đến hạn thanh toán các khoản nợ, họ có thể tư vấn cho khách hàng để chào các sản phẩm tài chính để quản lý dòng tiền…
Trong cuộc đua gia tăng CASA, theo TS. Châu Đình Linh, các ngân hàng có thị phần lớn và đi tiên phong triển khai dịch vụ Digital Banking có lợi thế lớn. Song, nói như vậy không có nghĩa là các ngân hàng đi sau sẽ khó chiếm được thị phần. Những ngân hàng đi sau đúc rút kinh nghiệm từ ngân hàng đi trước, đầu tư chiều sâu các sản phẩm dịch vụ ngân hàng số… cũng có thể khai thác chiếm lĩnh được thị phần. “Có thể tỷ lệ CASA những ngân hàng đi sau không cao, song, thà chậm còn hơn không. Nếu không thực hiện ngân hàng đó phải đứng ngoài cuộc chơi mà không thúc đẩy nhanh chuyển đổi số, lại không có nguồn vốn rẻ để hỗ trợ cho khách hàng”, TS. Linh chia sẻ quan điểm.