Tình trạng bất bình đẳng bùng nổ trong đại dịch COVID-19
Bất bình đẳng gia tăng trong đại dịch COVID | |
WB: Phục hồi không đồng đều làm gia tăng bất bình đẳng |
Phần lớn các chính phủ đã cắt giảm chi tiêu cho y tế, giáo dục và an sinh - xã hội. Trong khi đó, họ lại không tăng thuế đối với siêu thu nhập và tài sản tăng vọt trong đại dịch.
Các quốc gia xếp hạng cao nhất và thấp nhất, tăng hạng và tụt hạng theo CRI Index 2022. |
CRI Index 2022 là báo cáo phân tích chi tiết đầu tiên về các chính sách và hành động của chính phủ tại 161 quốc gia trong việc giải quyết tình trạng bất bình đẳng trong hai năm đầu đại dịch diễn ra.
Chỉ số cho thấy, dù đối mặt với tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu lớn nhất thế kỷ, một nửa các quốc gia thu nhập thấp và trung bình thấp đã cắt giảm chi tiêu cho y tế; gần một nửa số quốc gia trong báo cáo cắt giảm chi tiêu cho an sinh - xã hội; và 70% các quốc gia cắt giảm chi tiêu cho giáo dục.
Trong khi tình trạng nghèo đói đã tăng đến mức kỷ lục và người lao động đang phải vật lộn với chi phí cao nhất trong nhiều thập kỷ qua, hai phần ba số quốc gia đã thất bại trong việc tăng mức lương tối thiểu tương ứng với tổng sản phẩm quốc nội trong thời kỳ đại dịch.
Mặc dù áp lực đè nặng lên tài chính công, 143 trong số 161 quốc gia đã không tăng thuế đối với nhóm người giàu nhất, và 11 quốc gia thậm chí còn giảm mức thuế cho người giàu.
“Báo cáo CRI Index 2022 cho thấy hầu hết chính phủ các nước đã thất bại trong việc thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm bớt tình trạng bất bình đẳng gia tăng do đại dịch COVID-19. Chính phủ các nước đã cắt giảm chi tiêu cho dịch vụ công khi người dân cần nhất, trong khi đó các tỷ phú và các tập đoàn thu về lợi nhuận mức kỷ lục mà không gặp trở ngại nào. Tuy nhiên, một số chính phủ ở khu vực Caribe và châu Á đã dũng cảm đi ngược lại xu thế này và thực hiện các hành động mạnh mẽ để kiểm soát bất bình đẳng”, bà Gabriela Bucher, Giám đốc điều hành tổ chức Oxfam Quốc tế chia sẻ.
Có thể kể đến một số hành động quyết liệt để đẩy lùi bất bình đẳng mà các quốc gia thu nhập thấp và trung bình đã thực hiện như: Costa Rica tăng mức thuế thu nhập cá nhân thêm 10 điểm phần trăm, New Zealand tăng 8 điểm phần trăm; Barbados ban hành một bộ luật toàn diện nhất để nâng cao quyền lao động của phụ nữ; Maldives lần đầu tiên áp dụng mức lương tối thiểu trên toàn quốc…
Ông Matthew Martin, Giám đốc DFI chia sẻ: “Chúng ta cần thức tỉnh, đúc kết bài học kinh nghiệm. Ngăn chặn tình trạng bất bình đẳng gia tăng mạnh mẽ là một hành động hoàn toàn thiết thực và dễ hiểu. Bất bình đẳng là một lựa chọn chính sách, các chính phủ phải ngừng ưu tiên nhóm người giàu nhất và không để người dân thường bị bỏ lại phía sau”.
Theo phân tích của Oxfam và DFI, dựa trên dữ liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), ba phần tư quốc gia trên thế giới đang có kế hoạch tiếp tục cắt giảm chi tiêu trong 5 năm tới với tổng giá trị lên đến 7,8 nghìn tỷ USD.
Năm 2021, các nước thu nhập thấp đã chi tới 27,5% ngân sách để trả nợ - gấp đôi chi tiêu cho giáo dục, gấp bốn lần chi tiêu cho y tế và gần 12 lần chi tiêu cho an sinh - xã hội.
“Với mỗi USD các nước đang phát triển chi cho y tế, họ phải trả 4 USD cho các quốc gia chủ nợ giàu có. Việc giảm nợ một cách toàn diện và tăng thuế đánh vào người giàu là điều cần thiết giúp các nước này giảm đáng kể tình trạng bất bình đẳng”, ông Martin cho biết.
Trong cuộc khủng hoảng do đại dịch COVID-19, hầu hết các quốc gia đều thất bại trong việc tăng mức thuế đối với nhóm người giàu nhất và siêu lợi nhuận bất thường bất chấp các tiền lệ trong lịch sử.
Sau đại dịch cúm năm 1918, cuộc Đại suy thoái năm 1930 và Thế chiến Thứ hai, nhiều quốc gia giàu có đã tăng thuế đối với nhóm giàu nhất và áp thuế lên siêu lợi nhuận bất thường của các tập đoàn. Họ dùng các khoản thu này để xây dựng hệ thống giáo dục, y tế và an sinh xã hội.
Việc đánh thuế nhóm người giàu nhất và siêu lợi nhuận bất thường có thể mang lại hàng nghìn tỷ USD nguồn thu từ thuế.
Nhắn gửi đến Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) diễn ra từ 10-15/10 tại Washington, bà Bucher nhấn mạnh: “Các nhà lãnh đạo chính phủ trong cuộc họp tại Washington phải lựa chọn giữa việc hoặc xây dựng nền kinh tế bình đẳng nơi mọi người đều được hưởng lợi công bằng, hoặc tiếp tục gia tăng khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, từ đó dẫn đến hệ lụy không đáng có”.
Báo cáo CRI Index là phân tích chi tiết đầu tiên nhằm đánh giá các chính sách và hành động của các chính phủ trong việc giải quyết bất bình đẳng trong hai năm đầu đại dịch diễn ra. Báo cáo này đánh giá chính sách và hành động của 161 chính phủ trên thế giới về chi tiêu công, thuế và lao động trong giai đoạn 2020-2022. Báo cáo đưa ra những bài học rõ nét cho các chính phủ đang vật lộn với lạm phát và khủng hoảng giá cả sinh hoạt.