TP. Hồ Chí Minh: Chờ bảng giá đất mới, gần 9.000 hồ sơ bị tồn đọng
Thông tin từ Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh từ ngày 1 đến ngày 27/8, đơn vị này tồn đọng hơn 8.800 hồ sơ nhà đất đang chờ xử lý liên quan đến nghĩa vụ tài chính. Trong đó có, 364 hồ sơ công nhận quyền sử dụng đất, 277 hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng, 5.448 hồ sơ chuyển nhượng bất động sản và 2.737 hồ sơ không phát sinh đến nghĩa vụ tài chính (thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, lệ phí trước bạ...). Lượng hồ sơ này chưa được giải quyết do cơ quan thuế chờ hướng dẫn cách tính bang giá đất mới sau khi Luật Đất đai 2024 và Nghị định số 103/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 1/8.
Gần 9.000 hồ sơ tồn đọng tại cơ quan thuế TP. Hồ Chí MInh vì chờ bảng giá đất mới theo Luật Đất đai 2024 |
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) đề xuất đối với gần 9.000 hồ sơ vướng mắc, cơ quan thuế thực hiện đúng “nguyên tắc áp dụng pháp luật” là hồ sơ nhận tại thời điểm nào thì áp dụng quy định pháp luật có hiệu lực tại thời điểm đó để xem xét, giải quyết.
Bên cạnh đó, ông Châu cũng đề xuất Cục Thuế thành phố cần chia ra theo từng loại để xử lý hồ sơ tồn đọng tại cơ quan thuế. Cục Thuế TP. Hồ Chí Minh nên chỉ đạo các Chi Cục thuế giải quyết ngay 2.737 hồ sơ thuộc các trường hợp không phát sinh nghĩa vụ tài chính với Nhà nước (không phát sinh nghĩa vụ thuế thu nhập cá nhân từ chuyển nhượng bất động sản, lệ phí trước bạ…). Đối với 5.448 hồ sơ thuế thu nhập cá nhân do chuyển nhượng bất động sản để có cách giải quyết phù hợp. Đại diện HoREA cho rằng, vướng mắc của 5.448 hồ sơ thuế thu nhập cá nhân do thực hiện quy định tại Điều 17 Thông tư số 92/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính về "Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là giá chuyển nhượng từng lần và thuế suất..".
Đối với bảng giá đất mới, đại diện HoREA cho rằng, việc xây dựng “Bảng giá đất điều chỉnh” để áp dụng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh từ nay đến ngày 31/12/2025 là rất cần thiết, cấp bách và việc xây dựng “Bảng giá đất điều chỉnh” phải tuân thủ quy định về trình tự, thủ tục xây dựng bảng giá đất của Luật Đất đai 2024 và Nghị định số 71/2024/NĐ-CP để xây dựng các mức giá đất theo khu vực, vị trí cho phù hợp với tình hình thực tế về giá đất tại địa phương. Trên cơ sở đánh giá tác động của “Dự thảo Bảng giá đất điều chỉnh” đối với đối tượng chịu tác động và tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến góp ý, nhất là các đối tượng chịu tác động để đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân, doanh nghiệp và Nhà nước đại diện cho lợi ích công cộng và việc ban hành “Bảng giá đất điều chỉnh” không làm ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp.
Hơn thế, theo ông Châu, với quy định của Luật Đất đai 2024, TP. Hồ Chí Minh có đầy đủ thẩm quyền và trách nhiệm xây dựng “Bảng giá đất điều chỉnh” để áp dụng trên địa bàn thành phố.
"Về mặt cơ chế, chính sách, HoREA đề nghị thành phố xây dựng các mức giá đất của dự thảo "Bảng giá đất điều chỉnh" cần bảo đảm công bằng cho các cá nhân, hộ gia đình nộp tiền sử dụng đất từ ngày 1/8/2024 đến 31/12/2025 cũng sẽ tương đương hoặc nếu có cao hơn thì không chênh lệch quá lớn so với các trường hợp đã nộp tiền sử dụng đất trong 7 tháng đầu năm 2024..." - ông Châu đề xuất.