Ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh: Hướng đến phát triển bền vững
Du lịch TP. Hồ Chí Minh tăng tốc Du lịch TP. Hồ Chí Minh khởi động lại |
Số liệu thống kê của Sở Du lịch TP.Hồ Chí Minh cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2023, thành phố đã thu hút hơn 1.384.421 khách quốc tế, tăng trên 1.106 % và 10.559.167 khách du lịch nội địa, tăng 54,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tổng doanh thu 51.147 tỷ đồng, tăng 75,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách du lịch nội địa ước khoảng 320.000 lượt, tăng 71,1%. Riêng, khách quốc tế đến TP.Hồ Chí Minh ước khoảng 48.000 lượt tăng 263,6% so với cùng kỳ năm 2022; khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú ước khoảng 180.000 lượt, tăng 89,5%; công suất phòng ước đạt khoảng 70% - 75%, tăng 7,1%; doanh thu ước đạt 3.130 tỷ đồng, tăng 94,4% so với cùng kỳ năm 2022... Ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh đặt chỉ tiêu trong năm 2023 thu hút 5 triệu lượt khách quốc tế, 35 triệu lượt khách nội địa; tổng thu du lịch ước đạt 160.000 tỷ đồng
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh cho biết, ngành du lịch thành phố đã đặt mục tiêu xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, đặc trưng là một trong những phương hướng nhiệm vụ trọng tâm năm 2023 và các năm tiếp theo. Ngành sẽ tập trung hoàn thiện, nâng chất điểm đến và chương trình du lịch sẵn có. Đồng thời phối hợp cộng đồng doanh nghiệp, quận, huyện và TP. Thủ Đức xây dựng Bộ sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố gắn với Chiến lược phát triển du lịch thành phố đến năm 2030.
Thời gian qua, hướng đến đẩy mạnh hoạt động phục hồi và phát triển du lịch bền vững, thích ứng với xu thế mới của thị trường, ngành du lịch TP. Hồ Chí Minh đã chủ động xây dựng chiến lược hệ sinh thái du lịch vùng; tăng cường thực hiện các cơ chế, chính sách tiên phong trong liên kết điểm đến, phát triển du lịch xanh, số hóa và ứng dụng công nghệ, đào tạo nhân lực...
Thực tế, nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch tại TP. Hồ Chí Minh đều nhận thức rõ việc phát triển du lịch theo hướng bền vững, du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm thông qua những hành động thường ngày như tiết kiệm điện, nước, nguồn năng lượng thiên nhiên, tái tạo, xử lý rác thải và phân loại rác, hạn chế sử dụng vật liệu không thân thiện với môi trường và tái sử dụng những vật liệu trong hoạt động du lịch, tổ chức sự kiện.
Những doanh nghiệp du lịch “thức thời” đang triển khai và hướng đến xu hướng du lịch thiên nhiên theo dạng glaming (cắm trại đa năng) hay trekking (dã ngoại) theo cách “du lịch có trách nhiệm”.
Theo UBND huyện Cần Giờ, sản phẩm du lịch cộng đồng tại địa phương là mô hình phát triển trên cơ sở khai thác năng lực của cộng đồng dân cư kết hợp với tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa của địa phương, do cộng đồng dân cư bản địa xây dựng và quản lý. Các sản phẩm được hiện thực hóa từ chiến lược phát triển sản phẩm du lịch của thành phố, định hướng phát triển nhằm khai thác, phát huy có hiệu quả Khu Dự trữ sinh quyển thế giới rừng ngập mặn Cần Giờ cũng như Chiến lược phát triển kinh tế biển đảo của Chính phủ. Trong đó, điểm đến du lịch cộng đồng Thiềng Liềng đã góp phần tăng thêm sản phẩm du lịch đặc trưng và khác biệt nhằm gia tăng năng lực cạnh tranh, thu hút du khách.
Một nghiên cứu mới đây của tổ chức Green Destination cho thấy, hiện có trên 60% lượng khách sẵn sàng chi trả nhiều hơn để được trải nghiệm du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm. Chính vì vậy, các bên liên quan cần chủ động định hướng phát triển theo hướng bền vững, gắn với bảo tồn, bảo vệ tài nguyên du lịch, bản sắc văn hóa dân tộc, tạo sinh kế cho người dân địa phương. Đây là xu hướng không mới, nhưng đang phát triển mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19.
Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững trong thời gian tới. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, các tỉnh thành, cộng đồng doanh nghiệp… tổ chức thực hiện 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Cụ thể, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, chất lượng, bền vững. Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các khu du lịch quốc gia. Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch. Hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Và đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch. |