TP. Hồ Chí Minh: Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu thương mại đạt 1.190.407 tỷ đồng
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 697.604,7 tỷ đồng, chiếm 58,6% trong tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, tăng 11,6% so với năm 2022. Nhìn chung, tình hình thị trường trên địa bàn thành phố khá sôi động, các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã chủ động dự trữ, bổ sung hàng hóa, đa dạng chủng loại đế đảm bảo phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Bên cạnh đó, Sở Công Thương tiếp tục triển khai công tác bình ổn thị trường hàng hóa, nhằm hạn chế việc tăng giá hàng hóa tiêu dùng, nhất là đối với các mặt hàng thiết yếu lương thực, thực phẩm,...
Tổng mức bán lẻ và doanh thu thương mại dịch vụ năm 2023 của TP. Hồ Chí Minh đạt hơn 1.190.407 tỷ đồng |
Theo lãnh đạo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, hiện nay, người dân thắt chặt chi tiêu nên doanh nghiệp tăng cường khuyến mại, đa dạng hóa sản phẩm liên tục nhưng chỉ có nhóm hàng thiết yếu mới có sự tăng trưởng nhẹ, còn các nhóm hàng khác sức mua còn thấp. Nhằm kích cầu tiêu dùng, trong năm 2023, thành phố đã triển khai chương trình khuyến mại tập trung để tăng cường kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, tổ chức kết nối cung cầu trong nước trên môi trường trực tuyến và những nền tảng mới nhằm tạo kênh tiêu thụ thuận lợi, ổn định.
Song song với việc mua bán hàng hóa trực tiếp, các hoạt động phối hợp với các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, TikTok, Sendo,... đã hỗ trợ rất nhiều cho việc tiêu thụ sản phấm, hàng hóa nên đã tăng được mức thu mua cũng như việc phân phối các sản phâm. Trước đây, ở những địa bàn thương mại truyền thống, thường phụ thuộc vào thương lái thì nay đã trực tiếp phân phối đến tay của người tiêu dùng.
Trong năm 2024, nhất là thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn, ngành công thương sẽ theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả các mặt hàng thiết yếu, phối hợp với các doanh nghiệp bình ổn để có biện pháp điều tiết kịp thời, đảm bảo cân đối cung cầu, lưu thông hàng hóa qua việc triển khai các Chương trình bình ổn thị trường.
Ngành công thương cũng sẽ đánh giá nguồn cung, nhu cầu các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người dân; rà soát, điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới và chủ động thực hiện các phương án dự trữ cung ứng hàng hóa theo từng cấp độ diễn biến của dịch bệnh; theo dõi tình hình diễn biến thị trường và tác động của giá nguyên, nhiên vật liệu để kịp thời hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động ổn định, phát huy hết công suất, nhất là các sản phấm còn dư địa sản xuất, thị trường tiêu thụ và có khả năng gia tăng sản lượng để bù đắp phần thiếu hụt cho các sản phẩm công nghiệp khác.
“Ngành công thương TP. Hồ Chí Minh sẽ dự báo điều tiết cung cầu thị trường trên địa bàn, phối hợp các doanh nghiệp bình ổn triển khai Chương trình bình ổn thị trường năm 2023 - Tết Giáp Thìn 2024, tăng cường mở rộng các điểm bán bình ổn, tổ chức các chuyến bán hàng luu động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, các vùng sâu, vùng xa,... đế đáp ứng đủ nhu cầu của người dân dịp Tết”, ông Vũ cho biết.