TP.HCM: Kết quả giải quyết vướng mắc của 156 dự án bất động sản
Ảnh minh họa |
Theo HoREA, TP.HCM đã vào cuộc quyết liệt để nỗ lực tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn, nhất là vướng mắc pháp lý của 156 dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn thành phố, bước đầu đã đạt được một số kết quả rất tích cực và góp phần tăng cường niềm tin của thị trường bất động sản.
Trước đó, hầu hết trong số 156 dự án thuộc diện rà soát pháp lý trên đây đều có tính chất phức tạp, đã được xử lý qua nhiều thời kỳ, vướng nhiều quy định pháp luật do một số quy định pháp luật thiếu tính đồng bộ, thống nhất, hoặc do chưa được pháp luật quy định.
Trong đó, có những dự án có nguồn gốc “đất công” do Nhà nước quản lý theo chủ trương sắp xếp, xử lý tài sản công, di dời nhà xưởng ô nhiễm hoặc do thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước mà chưa thực hiện đúng, đầy đủ quy trình, thủ tục theo quy định.
Ngoài ra, một số dự án bị vướng do phải rà soát lại việc tính tiền sử dụng đất, tiền sử dụng đất bổ sung dẫn đến bị dừng triển khai thực hiện, dừng huy động vốn, bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Bên cạnh đó, có dự án bị vướng do việc xử lý phần tài sản thuộc sở hữu nhà nước còn lại trong các dự án xây dựng lại nhà chung cư cũ như phần diện tích “đất công” nằm ngoài ranh khối đế xây dựng nhà chung cư hoặc phần diện tích xây dựng thuộc quyền sử dụng chung trong nhà chung cư được bán “hóa giá nhà” trước đây…
Đến nay, UBND thành phố đã xem xét và cho phép 5 tập đoàn, doanh nghiệp chủ đầu tư của 5 dự án bất động sản, nhà ở thương mại, khu đô thị mới (trong đó có 1 tập đoàn bất động sản nước ngoài) được huy động vốn 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai của 5 dự án này, tương đương với 5.432 căn hộ, để hỗ trợ cho các doanh nghiệp này vượt qua khó khăn (trong đó có 2.989 căn hộ thuộc 1 dự án khu đô thị mới) trong lúc chờ kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với các dự án thuộc diện rà soát pháp lý mà chủ đầu tư đã thực hiện nghĩa vụ nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trước đây.
Ngoài ra, còn có 1 dự án khu nhà chung cư tại Quận 4 cũng đã được UBND thành phố cho ý kiến chỉ đạo các sở, ngành rà soát giải quyết.
Hiệp hội đề nghị UBND thành phố và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền sớm có kết luận dứt điểm đối với 6 dự án này để thị trường bất động sản có thể đón nhận thêm hơn 5.000 căn hộ, giúp tăng nguồn cung nhà ở, tạo được dòng tiền cho các doanh nghiệp và tăng tính thanh khoản cho thị trường, tăng nguồn thu ngân sách nhà nước.
Đồng thời, Hiệp hội đề nghị các sở, ngành khẩn trương rà soát trình UBND thành phố xem xét giải quyết các dự án tương tự mà các chủ đầu tư cũng đề nghị được huy động vốn, bán nhà ở hình thành trong tương lai để từng bước khai thông thị trường bất động sản và bảo đảm tính công bằng cho các doanh nghiệp.
Vừa qua, UBND thành phố đã tổ chức các cuộc họp chuyên đề, trong đó có chuyên đề về điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 để tháo gỡ vướng mắc thủ tục “chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời với chấp thuận nhà đầu tư” dự án nhà ở xã hội và cả dự án nhà ở thương mại hiện nay, nhất là Dự án nhà ở xã hội Lê Thành - Tân Kiên, huyện Bình Chánh để Công ty Lê Thành có thể khởi công được vào dịp Lễ kỷ niệm 48 năm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4.
Mới đây nhất, trong buổi làm việc giữa Thường trực Chính phủ và Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi cũng đã đặt ra mục tiêu đến cuối năm 2023 sẽ giải quyết được 50 dự án bất động sản bị vướng mắc pháp lý.
Các doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn TP.HCM kỳ vọng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có thẩm quyền của Trung ương và thành phố, nhất là thông qua sự phối hợp hoạt động hiệu quả của Tổ công tác của Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố thì hầu hết trong số 156 dự án này sẽ được giải quyết trong năm nay.