TP.HCM: Phát triển du lịch thông minh
Du lịch Đà Nẵng: Tín hiệu khởi sắc dịp cuối năm | |
Bất động sản gắn với du lịch nghỉ dưỡng: Hấp lực từ những khu đô thị đặc biệt | |
Du lịch Việt Nam ngày càng “phủ sóng quốc tế” |
Với tầm nhìn đến năm 2030, TP.HCM trở thành đô thị du lịch sống động hàng đầu châu Á, có 4 chỉ tiêu cần đạt được đến năm 2025 gồm: tốc độ tăng trưởng khách du lịch giai đoạn 2021-2025 từ 8% đến 9%; tổng doanh thu của ngành đạt từ 12 đến 14 tỷ USD; đóng góp vào GRDP thành phố từ 12% đến 14%; đóng góp vào ngành dịch vụ của thành phố từ 19% đến 21%. Chính vì vậy, “Việc xây dựng du lịch thông minh là một thành tố của đô thị thông minh sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM, hoạt động của cơ quan nhà nước, người dân, DN và du khách”, lãnh đạo ngành du lịch TP.HCM khẳng định.
Mặc dù du lịch sụt giảm mạnh trong năm qua do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, đặc biệt là du lịch quốc tế gần như "đóng băng". Tuy nhiên theo đánh giá của giới chuyên gia, với việc EVFTA đã chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020 và mới đây là Hiệp định RCEP đã được ký kết, du lịch sẽ phục hồi mạnh mẽ khi dịch bệnh được kiểm soát. Vì thế, các địa phương và các doanh nghiệp cần phải có bước chuẩn bị ngay từ bây giờ.
Việc xây dựng du lịch thông minh sẽ đem lại nhiều lợi ích cho sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.HCM |
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, ngành du lịch TP.HCM đã ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Hiện tại Sở Du lịch đang cung cấp và vận hành 26 dịch vụ công trực tuyến; vận hành hệ thống dịch vụ công của thành phố để quản lý việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ.
Đánh giá hiện trạng việc ứng dụng công nghệ thông tin, ngành du lịch TP.HCM cho rằng cần thiết xây dựng và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh trên địa bàn thành phố, được triển khai trên nền tảng điện toán đám mây, các ứng dụng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và nguồn nhân lực đủ mạnh để quản lý, vận hành..., góp phần thực hiện mục tiêu cung cấp các dịch vụ du lịch thông minh cho du khách, nâng cao năng lực quản lý, điều hành và phục vụ người dân, DN tốt hơn.
Các chuyên gia về du lịch cho rằng, với việc xây dựng các hệ thống thông tin thông minh cùng với các giải pháp đồng bộ, DN du lịch và người dân được cung cấp môi trường phát triển ngày càng tiện ích, ưu việt; công dân, DN được sử dụng các dịch vụ du lịch ở các cấp độ khác nhau và được cung cấp thông tin về các dịch vụ du lịch một cách minh bạch, thuận lợi, kịp thời... Các ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực du lịch sẽ từng bước góp phần giảm thiểu sức người, hướng đến phát triển kinh tế và xã hội. Trong hoạt động kinh tế, thương mại, việc xây dựng DN điện tử sẽ góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh của DN khi tham gia thị trường trong nước và quốc tế; đồng thời, việc ứng dụng thương mại điện tử sẽ hỗ trợ DN nhanh chóng điều chỉnh chiến lược quảng bá, tiếp thị và thực hiện các giao dịch mua, bán điện tử an toàn, hiệu quả...
Tổng mức đầu tư dự kiến cho đề án thông minh mà Sở Du lịch TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM hơn 304 tỷ đồng (có hàng trăm tỷ đồng dự kiến từ nguồn xã hội hóa) bao gồm chi phí xây dựng kho dữ liệu du lịch tích hợp, tăng cường thu hút và trải nghiệm cho du khách. Trong đó, dự án City4u là dự án xã hội hóa, nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, xây dựng Hệ sinh thái đa chiều cho hoạt động kinh doanh du lịch, xây dựng trung tâm điều hành du lịch thông minh IOC..
“Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực du lịch sẽ góp phần cung cấp dịch vụ đến với du khách nhanh chóng, thuận tiện. Du khách, người dân được tiếp cận các dịch vụ, chất lượng theo công nghệ tiên tiến, hiện đại theo hướng tiện ích, thoải mái mang lại cho người dân và du khách một cuộc sống dễ chịu”, bà Hoa hứa hẹn về tính hấp dẫn của du lịch thông minh TP.HCM.
Thống kê dữ liệu của Tổ chức GSMA (2018), toàn thế giới hiện có khoảng 5,13 tỷ người sử dụng thiết bị di động chiếm khoảng 66.53% tổng dân số thế giới. Theo thống kê của Statista (2018), hiện nay toàn thế giới có 2,71 tỷ người sử dụng điện thoại thông minh, chiếm khoảng 35,13% dân số thế giới. Còn tại Việt Nam, theo thống kê và dự báo của EIU và Nielsen (2019), việc truy cập internet sẽ phổ biến hơn rất nhiều so với các hoạt động khác trong một ngày và số lượng người kết nối internet chiếm khoảng 49% dân số cả nước năm 2017 và lên đến 55% dân số cả nước vào năm 2020. Theo kết quả nghiên cứu thị trường của Q&Me (2018), nền tảng công nghệ số và dữ liệu chi phối tăng trưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương với 80% chuyến đi du lịch được đặt trực tuyến, và 87% thế hệ trẻ cho rằng, điện thoại thông minh là công cụ cần thiết cho du lịch. |