Trung du và miền núi Bắc bộ có cơ hội, lợi thế của người đi sau?
Để Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ phát huy lợi thế và tiềm năng, thoát nghèo và phát triển nhanh, nơi đây cần thu hút đầu tư nhiều hơn, cần gia tăng kết nối giữa các doanh nghiệp trong vùng, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư, tạo hiệu quả lan tỏa cho vùng.
Đây là nội dung chính của Diễn đàn "Đầu tư phát triển Vùng Trung du và miền núi phía Bắc" do Ban Kinh tế Trung ương; UBND tỉnh Phú Thọ; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại tỉnh Phú Thọ chiều ngày 20/4/2021.
Toàn cảnh Diễn đàn |
Phát biểu khai mạc diễn đàn, nói về vai trò, ý nghĩa và mục tiêu của Diễn đàn này, TS. Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch VCCI nhấn mạnh, Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ với 14 tỉnh, chiếm 1/3 diện tích của cả nước là nơi sinh sống của hơn 13 triệu người nhưng đây đang là vùng trũng của phát triển.
Vùng này đang ngày càng tụt hậu, khoảng cách giữa vùng với các vùng khác trong cả nước đã có dấu hiệu ngày càng xa mặc dù Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới vùng. “Trong 4 đồng vốn đầu tư của Nhà nước thì có 1 đồng dành cho vùng này”, Chủ tịch VCCI nói.
Chủ tịch VCCI cũng nhấn mạnh, mật độ doanh nghiệp của vùng này đang rất thấp, chỉ bằng 1/3 mật độ chung cả nước. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, toàn vùng có gần 26.500 doanh nghiệp, mật độ doanh nghiệp cả vùng là 2,7 doanh nghiệp/1000, chỉ bằng 1/3 mật độ trung bình của cả nước.
Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương - PGS.TS. Nguyễn Hồng Sơn khẳng định, Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là vùng có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại cả nước. Đây cũng là 1 trong 6 vùng kinh tế - xã hội của Việt Nam và có nhiều tiềm năng, nhiều lợi thế cho phát triển nhanh và bền vững.
Đặc biệt, vùng này là một trong những cửa ngõ thông ra biển và kết nối với ASEAN của các tỉnh miền Tây của Trung Quốc và có nhiều cửa khẩu với nước láng giềng có thị trường lớn. Nơi đây tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú với nhiều di sản văn hóa đặc sắc.
“Trong nhiều năm qua, Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ là một trong những vùng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm và ưu tiên trong chính sách đầu tư phát triển. Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 37-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng và an ninh Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2010”, PGS.TS.Nguyễn Hồng Sơn cho biết.
Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 37, bộ mặt của vùng và kinh tế - xã hội của vùng đã có nhiều thay đổi, đời sống nhân dân được nâng cao, quy mô nền kinh tế được mở rộng, cơ cấu kinh tế cũng đã dịch chuyển theo hướng công nghiệp và dịch vụ với thủy điện, kinh tế cửa khẩu, du lịch… đang trở thành những ngành kinh tế mũi nhọn. Nhưng đây vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất nước, thu nhập bình quân đầu người thấp và khoảng cách thu nhập so với cả nước đang có xu hướng rộng ra. Nơi đây cũng có nhiều người nghèo, nhiều hộ nghèo nhất nước. Các địa phương trong vùng chưa cân đối được ngân sách…
Diễn đàn đã phân tích, đánh giá tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn và thách thức của các địa phương trong vùng, phân tích và đánh giá về công tác xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và năng lực cạnh tranh vùng của các địa phương trong vùng. Diễn đàn cũng đã đánh giá vai trò của từng địa phương cho vùng và đưa ra những kiến nghị, khuyến nghị và cả những giải pháp để Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ phát triển bền vững, đời sống nhân dân được nâng cao.
Ông Đỗ Đức Duy – Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái kiến nghị, cần có quy hoạch phát triển cho vùng này và các quy hoạch chuyên ngành quốc gia, trong đó có quy hoạch lâm nghiệp thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn 2050 để các địa phương có căn cứ thực hiện. Ông cũng đề nghị gia tăng liên kết, phát triển vùng.
“Nhằm tăng cường liên kết và hợp tác phát triển các địa phương trong vùng và thu hút đầu tư, tôi đề xuất sớm ban hành quy hoạch phát triển vùng là cơ sở cho việc thu hút đầu tư, hợp tác và phát triển kinh tế - xã hội vùng. Chính phủ ưu tiên hệ thống giao thông kết nối trong vùng hiện đại và đồng bộ để tăng kết nối, rút ngắn thời gian di chuyển. Bên cạnh đó là tăng cường liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước và quốc tế, liên kết các khu và điểm du lịch trong vùng…”, ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang phát biểu.
Phó trưởng ban Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh, việc cần phân tích, đánh giá tiềm năng lợi thế cũng như khó khăn và thách thức của các địa phương trong vùng trong bối cảnh phát triển mới để từ đó khơi dậy niềm tin, khát vọng và thống nhất cao hơn trong nhận thức và đổi mới tư duy phát triển vùng cũng như chỉ ra cơ hội đầu tư vào vùng.
Dù còn đang ở khoảng cách khá xa nhưng hy vọng sau Diễn đàn này, với tư duy về lợi thế của người đi sau cùng các giải pháp chính sách đã được đề xuất được ban hành thì Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ sẽ thoát vùng trũng phát triển, sẽ không còn tụt hậu đi sau…