Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 26, cho ý kiến về Luật các TCTD (sửa đổi)
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc phiên họp |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự án Luật: dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) (lần 2). Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý các dự án Luật: dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi); dự án Luật Đất đai (sửa đổi) (lần 2).
Về hoạt động giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán nhà nước; cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch giám sát và đề cương báo cáo của Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”; cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2023 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2023.
Cũng tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét báo cáo kết quả của Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội về “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030"; xem xét các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội tổng hợp nội dung thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về việc thực hiện một số nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về giám sát chuyên đề, chất vấn và nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XV đến hết kỳ họp thứ 4; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 8/2023.
Về quyết định các vấn đề quan trọng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về: báo cáo lộ trình rút ngắn quy trình, thời gian quyết toán ngân sách nhà nước hằng năm; việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết số 53/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu; về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc áp dụng thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao.
Tại phiên họp, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ phiên họp lần này và phiên họp thường kỳ tháng 10 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ là bước chuẩn bị cơ bản cho nội dung của Kỳ họp thứ 6.
Chủ tịch Quốc hội cho biết, hiện nay có nhiều hoạt động đối ngoại quan trọng của nhà nước, và nhiều hoạt động khác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước. Quốc hội cũng chủ trì Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu, Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam năm 2023… do đó chương trình phiên họp của của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có thể điều chỉnh, bổ sung để bảo đảm linh hoạt để bảo đảm hoàn thành công việc.
Toàn cảnh phiên họp |
Nhấn mạnh khối lượng công việc là rất lớn, bận rộn và khẩn trương, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các cơ quan, tổ chức hữu quan bố trí họp đầy đủ, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung nghiên cứu tài liệu và làm việc với tinh thần “hết việc”.
Về dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là dự án luật khó, với tinh thần trách nhiệm cao, Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục nghiên cứu, chắt lọc và cho ý kiến đối với những vấn đề lớn, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.
Ngay sau phần khai mạc Phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về báo cáo công tác năm 2023 và kế hoạch kiểm toán năm 2024 của Kiểm toán nhà nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ghi nhận kết quả đạt được của Kiểm toán nhà nước, đồng thời đánh giá cao phiên giải trình mới đây của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về: “Việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của Kiểm toán nhà nước đến hết niên độ NSNN năm 2021”. Theo đó qua tổ chức giải trình đã làm rõ thực trạng, nguyên nhân; đồng thời cho thấy có nhiều chuyển biến tích cực trong thực hiện kết luận, kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước từ khi kế hoạch giải trình được ban hành.
Báo cáo tại phiên giải trình, Phó Tổng kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ cho biết, các kết luận, kiến nghị kiểm toán từng năm đã được Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổng hợp báo cáo Quốc hội tại các Báo cáo tổng hợp kết quả kiểm toán hàng năm.
Về cơ bản các kiến nghị của KTNN đều đã được các đơn vị tổ chức thực hiện; các kiến nghị về xử lý tài chính, xử lý khác được thực hiện bình quân khoảng 75-80% cho năm liền kề năm kiểm toán và tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo với tỷ lệ khoảng 15-20% số kiến nghị còn lại mỗi năm. Tuy nhiên, còn không ít kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện đầy đủ, kịp thời, trong đó, các kết luận, kiến nghị của KTNN đối với niên độ NSNN năm 2021, năm 2020 và năm 2019 trở về trước chưa thực hiện đang được KTNN theo dõi, đôn đốc (đến thời điểm 31/3/2023).
Đối với niên độ NSNN năm 2021, việc thực hiện kiến nghị xử lý tài chính và kiến nghị xử lý khác đạt tỷ lệ 42,8%. Đối với kiến nghị xử lý cơ chế chính sách có 04/270 kiến nghị kiến nghị về cơ chế chính sách đã được thực hiện; các kiến nghị còn lại đang được các đơn vị chỉ đạo, thực hiện.
Đối với niên độ NSNN năm 2020 và năm 2019 trở về trước, tính đến 31/3/2023, số kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị khác đã thực hiện đạt tỷ lệ 86,2%; trong đó số kiến nghị tăng thu, giảm chi đạt 91,9%; số kiến nghị xử lý khác đạt tỷ lệ 82,7%.
Đối với niên độ NSNN năm 2019 trở về trước, trong năm 2022 và đến 31/3/2023, các đơn vị được kiểm toán đã tiếp tục thực hiện thêm được bằng 30% tổng số kiến nghị chưa thực hiện tính đến 31/12/2021.
Tính đến 31/3/2023, tổng số các kiến nghị về cơ chế, chính sách chưa được thực hiện là 433 kiến nghị. Tổng số các kiến nghị chấn chỉnh, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm chưa được thực hiện là 746 kiến nghị…
KTNN kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm, tiếp tục chỉ đạo các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương, đơn vị được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kết luận, kiến nghị kiểm toán chưa thực hiện; nâng cao trách nhiệm giải trình, làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan; đề ra các giải pháp và phối hợp với KTNN để xử lý dứt điểm các kiến nghị, kết luận còn tồn đọng; chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm các trường hợp chậm, kéo dài nhiều năm việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị để xảy ra sai phạm…