Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn
Lạm phát tăng, nhưng sẽ không quá cao
Trong bối cảnh biến động của tình hình kinh tế thế giới thời gian qua, dòng tiền tại Việt Nam ghi nhận trong 05 tháng đầu năm 2022 vẫn là một điểm sáng khi có xu hướng đi ngang - Đó là nhận định chung của các chuyên gia tại tọa đàm “Xu hướng dòng tiền” do VTVDigital tổ chức ngày 24/5/2022.
Chia sẻ tại tọa đàm, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhìn nhận, có cả những yếu tố trực tiếp và gián tiếp tác động lên kinh tế Việt Nam. Trong đó, xung đột giữa Nga-Ukraine, cùng với việc đứt gãy chuỗi cung ứng đã khiến giá cả hàng hoá leo thang, nhất là giá dầu. Những rủi ro liên quan sản xuất kinh doanh toàn cầu, sự dịch chuyển các dòng vốn đầu tư từ các nước mới nổi về Mỹ khiến tăng trưởng toàn thế giới dự báo tiếp tục suy giảm.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam vẫn tăng trưởng tốt |
Việc chấp nhận một mức lạm phát tăng cao là điều mà chúng ta có thể phải đối diện, kéo theo áp lực lên tỷ giá, song theo ông Thành, lạm phát sẽ không ở mức quá cao. Chưa kể, việc cán cân thương mại thặng dư, dự trữ ngoại hối tiếp tục được củng cố… đều là những điều kiện giúp chúng ta hoàn toàn kiểm soát được tỷ giá, hạn chế nhập khẩu lạm phát vào Việt Nam. Để giảm thiểu những rủi ro, chuyên gia này cho rằng có thể tính tới vấn đề thay đổi cơ chế giám sát, cũng như việc sử dụng nhiều hơn chính sách tài khoá, ngân sách chứ không phải chính sách tiền tệ. TS. Võ Trí Thành cũng lưu ý, gói hỗ trợ lãi suất 2% cũng nằm trong mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế, chứ không phải để bành trướng tiền tệ ra. Bên cạnh đó, nếu dựa vào tài khoá, huy động nguồn lực trong dân thì áp lực lạm phát cũng sẽ vơi đi một chút, không phải như việc tăng cung tiền tệ.
“Những dự báo gần đây cho thấy đà phục hồi kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục và tăng trưởng nhiều dự báo có thể trên 6%. Tôi cho rằng kinh tế vĩ mô hiện tại vẫn ổn định và trong tầm kiểm soát”, TS. Võ Trí Thành chia sẻ.
Đồng quan điểm, ông Lê Anh Tuấn - Giám đốc hoạch định chiến lược đầu tư, Công ty quản lý quỹ Dragon Capital cho hay, bối cảnh khi Trung Quốc và Hoa Kỳ hiện đang có những vấn đề khiến dịch chuyển sản xuất về nước sở tại đang diễn ra mạnh mẽ, cộng thêm việc dịch chuyển sản xuất về một số nước đông dân cũng phần nào tác động khiến Việt Nam thừa hưởng trào lưu này. Minh chứng là FDI trong năm 2021 và trong 4 tháng đầu năm 2022 tương đối tốt. Ông Tuấn cho rằng, nếu chúng ta tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô thì việc thu hút dòng vốn trong vòng 2-3 năm tới vẫn là bức tranh với gam màu sáng tại Việt Nam.
“90% tạo ra việc làm nằm ở khối SME, trong khi đó khối FDI chiếm 70% lượng xuất khẩu chỉ tạo ra lực lượng lao động thuê mướn khoảng 4,5%. Do đó, xuất khẩu quan trọng, FDI cũng vậy, song đây không phải là tiêu chí hàng đầu dẫn dắt mà quan trọng là những yếu tố nằm trong nội tại của nền kinh tế”, ông Tuấn nhìn nhận và cho biết thêm, đơn vị tập trung hướng dòng tiền đầu tư vào các doanh nghiệp tạo công ăn việc làm trong nước, các doanh nghiệp phát triển, tạo nền tảng vững mạnh trong nước.
Quan trọng là kỷ luật thị trường
Trao đổi xung quanh triển vọng thị trường chứng khoán, trái phiếu thời gian tới, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Phạm Hồng Sơn nhấn mạnh, việc thị trường đòi hỏi thông tin minh bạch và đây là điều quan trọng nhất. Trên thực tế, thị trường ghi nhận khối lượng trái phiếu doanh nghiệp bất động sản giảm mạnh sau khi Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán tiến hành thanh tra, giám sát việc phát hành, đầu tư, phân phối, giao dịch và sử dụng vốn thu được từ phát hành trái phiếu.
Theo ông Sơn, cần chấn chỉnh một số hoạt động để kiểm soát được thị trường, việc sửa Nghị định 153 về chào bán, giao dịch trái phiếu riêng lẻ trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế cơ bản đáp ứng được các vấn đề của quy định trước đây, làm sao để thị trường trái phiếu thật sự là kênh dẫn vốn quan trọng giúp cho doanh nghiệp phát triển. Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước khuyến nghị nhà phát hành, người mua trái phiếu cần có sự thận trọng vì việc phát hành riêng lẻ chỉ dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp.
TS. Võ Trí Thành cũng nhấn mạnh về yếu tố lòng tin, khi tính minh bạch, kỷ luật được thực thi sẽ là nền tảng tốt cho thị trường phát triển bền vững. Bên cạnh việc xử lý khéo léo đối với những sai phạm đã diễn ra, chuyên gia này cho rằng minh bạch hoá thông tin để thu hẹp việc bất đối xứng trên thị trường giữa các bên liên quan, đặc biệt giữa người bán và người mua là rất quan trọng. Sau hai năm, thị trường có thời điểm bị dẫn dắt bởi những thông tin không mấy tích cực, có những thời điểm có tính đầu cơ song ông Thành nhận thấy thị trường hiện nay đã dần có những nhìn nhận biến động theo các vấn đề nền tảng.
Đối với thị trường bất động sản, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đánh giá, thời gian qua thị trường ghi nhận sự tăng giá ở tất cả các phân khúc, tới từ nhiều nguyên do như tâm lý người dân, hiện tượng làm giá trên thị trường… Để có thể bình ổn, giúp hạ giá thị trường bất động sản thời gian tới, ông Khởi cho rằng một trong những giải pháp quan trọng là tăng nguồn cung các loại nhà cho đối tượng thu nhập thấp như nhà ở xã hội, nhà ở giá trung bình… Và để làm được chuyện này thì cần sửa đổi các cơ chế, chính sách để khuyến khích phát triển phân khúc nhà ở xã hội ở các đô thị lớn. Bên cạnh đó, vốn tín dụng cần tập trung vào các dự án có khả năng triển khai nhanh, ưu tiên dự án nhà ở xã hội, dự án có giá hợp túi tiền người dân…