Vực dậy làng nghề truyền thống
Những người giữ lửa nghề đậu bạc Định Công | |
Phát triển làng nghề đá chẻ Hòa Sơn | |
TP. Hà Nội: Các làng nghề cần được hỗ trợ |
Khó khăn bủa vây
Trái với không khí tấp nập khách du lịch khi hè đến như mọi năm, về làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) những ngày này có thể cảm nhận được không khí trầm lắng do dịch bệnh. Các cửa hàng đều mở cửa, lò gốm vẫn hoạt động bình thường, thế nhưng mỗi ngày chỉ có một vài lượt khách vào tham quan.
Chị Vân, chủ một lò gốm tại Bát Tràng cho biết, đây là thời gian học sinh được nghỉ hè, hàng năm dịp này đều nhộn nhịp các đoàn đi thực tế, trải nghiệm làm gốm ngay tại xưởng. Khi đông có thể lên tới gần trăm khách mỗi ngày, tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do dịch bệnh, chỉ có lác đác vài đoàn tham quan lui tới. Không chỉ thế, các lò gốm hầu hết đều bị hoãn hoặc hủy đơn hàng, đơn hàng xuất khẩu hầu như không có. Anh Phạm Thanh Mai, Giám đốc công ty gốm sứ Mai Linh chia sẻ, trong giai đoạn giãn cách, hầu như tất cả lò gốm trong làng đều ngưng hoạt động. Khi dịch bệnh được kiểm soát, lò đã hoạt động lại nhưng đơn hàng giảm đến hơn một nửa. Đơn cử như với mặt hàng quà tặng, theo anh Mai, do mọi sự kiện, hội họp hầu như không có nên cũng không có khách đặt làm. “Nhiều lò do không trả lương nổi cho công nhân nên đành ngừng hoạt động. Lò gốm nhà mình vẫn cố gắng cầm cự, không cắt giảm ai nhưng cũng vô cùng khó khăn để trở lại như khi trước dịch” - anh Mai cho biết.
Hộ kinh doanh tại nhiều làng nghề truyền thống Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh |
Không chỉ riêng Bát Tràng, hầu hết các làng nghề truyền thống của Hà Nội đều không thoát khỏi “bóng đen” của dịch bệnh.
Vốn là làng lụa nổi tiếng, các sản phẩm của làng nghề Vạn Phúc có mặt ở khắp các tỉnh thành và nhiều nước trên thế giới. Hơn nữa, từ nhiều năm nay, đây đã trở thành một điểm tham quan du lịch hấp dẫn của Hà Nội. Thế nhưng, những ngày này, tại Vạn Phúc cũng không tránh khỏi tình trạng ế ẩm, hiu hắt khách ra vào. Các hộ kinh doanh cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn hàng đều bị hoãn, cắt giảm, xuất khẩu bị ngưng hoàn toàn. “Người dân lo tránh dịch, ít ai có thời gian để đi tham quan, mua sắm như bình thường. Hơn nữa, mọi người còn thắt chặt chi tiêu, vì thế mà những mặt hàng không thiết yếu như lụa trở thành một món đồ bị cắt giảm” - một hộ kinh doanh cho biết.
Có truyền thống hơn 20 năm gắn bó với thanh nứa, thanh tre để tạo nên những sản phẩm thủ công tinh xảo, gia đình anh Bùi Hoàng Ngọc Thảo (Xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức) cũng đang trong những ngày khó khăn vì ảnh hưởng của dịch bệnh. Anh Thảo cho biết, đơn hàng đã đặt thì hủy, có đơn tạm hoãn, hàng đành để trong kho, hàng không đi, tiền không về nên khó khăn hơn trước rất nhiều.
Theo anh Thảo, khi đợt dịch lần 1 kết thúc, các đơn hàng bắt đầu quay trở lại, nhất là từ thị trường nội địa. Thế nhưng, gần đây khi Đà Nẵng công bố ca lây nhiễm trong cộng đồng, rồi tiếp đến là TP. Hồ Chí Minh, thì khó khăn lại một lần nữa bủa vây. Anh Thảo lý giải, do đây chính là hai thị trường chính cho các sản phẩm do xưởng sản xuất.
Hiện nay, Hà Nội có 1.350 làng nghề, trong đó có 308 làng nghề truyền thống. Theo khảo sát, một số làng nghề khác của Hà Nội như làng dệt Phùng Xá, làng thêu Quất Động… cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh. Các làng nghề vốn cũng đã có những khó khăn nội tại riêng, về công nghệ sản xuất, nguyên liệu đầu vào, thị trường đầu ra… thì dịch Covid-19 lại làm các làng nghề càng khó hơn, đòi hỏi phải có những “cú hích” tạo sự chuyển biến tích cực trong bối cảnh mới.
Cơ hội để chuyển mình
Theo anh Phạm Thanh Mai, hiện nay thị trường trong nước cần được ưu tiên hàng đầu. “Phòng kinh doanh của công ty đã chủ động liên lạc với các khách hàng cũ và tìm thêm các khách hàng mới. Đồng thời, đẩy mạnh việc chào hàng qua các phương tiện online, phát triển thêm nhiều sản phẩm mới để phục vụ thị trường trong nước. Nhờ đó, tình hình kinh doanh khả quan hơn, đơn hàng đã trở lại khoảng 60% so với khi trước dịch” - anh Mai cho biết. Đặc biệt, theo anh Mai, nguồn vốn từ ngân hàng chính là “cứu cánh” trong lúc khó khăn đối với lò gốm của gia đình. “Ngân hàng có cấp hạn mức cho mình là 5 tỷ đồng/năm. Hiện mình đã phải dùng hết hạn mức này để có vốn tiếp tục sản xuất. Nếu không có nguồn này, chắc giờ mình đã phải đóng cửa lò”.
Cũng theo một số hộ kinh doanh tại các làng nghề, khó khăn do dịch bệnh gây ra lại trở thành một cơ hội để đổi mới phương thức kinh doanh và tạo ra những chuyển biến tích cực hơn trong tương lai. Nhiều hộ kinh doanh trước đây chưa coi trọng phương thức bán hàng online cũng đã bắt đầu chào hàng qua mạng, thực hiện ký kết các hợp đồng online. Anh Thảo (xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức) cho biết, trong thời gian này, phương thức kinh doanh online thực sự đã trở thành biện pháp tối ưu để có thể thúc đẩy tình hình kinh doanh, giảm bớt thiệt hại trong bối cảnh dịch bệnh.
“Các chủ trương, chính sách hỗ trợ của Chính phủ là rất kịp thời và đúng đắn, tuy nhiên, điều quan trọng là bản thân các doanh nghiệp cần năng động, nỗ lực tìm cách vượt lên…”, anh Thảo nói thêm.
Được biết, để khôi phục lại sản xuất, làng gốm Bát Tràng đang đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến khích các hộ dân, cơ sở sản xuất tham gia chương trình OCOP. Chỉ tính riêng năm 2019, làng gốm Bát Tràng đã có 2 cơ sở đạt chứng nhận OCOP là Công ty TNHH Quang Vinh và HTX Tân Thịnh với các sản phẩm đạt “4 sao”. Dự kiến cuối năm 2020 sẽ có thêm 5 cơ sở sản xuất tham gia sản phẩm OCOP.
Về chính sách hỗ trợ các làng nghề, trên cơ sở đăng ký và đề nghị của 87 làng nghề trên địa bàn thành phố, Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội đã đề nghị hỗ trợ bổ sung thêm 12 làng nghề được hỗ trợ với số tiền 6 tỷ đồng. Mới đây UBND TP.Hà Nội cũng đã ban hành Quyết định số 3339/QĐ-UBND về hỗ trợ kinh phí xây dựng thương hiệu và xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể làng nghề năm 2020. Theo đó, có 8 làng nghề trên địa bàn thành phố được hỗ trợ, mức hỗ trợ kinh phí cho một làng nghề tối đa không quá 100 triệu đồng/nội dung. Mỗi làng nghề tối đa được hỗ trợ 5 nội dung, gồm: Đào tạo, tập huấn kiến thức về xây dựng, phát triển thương hiệu; tư vấn chiến lược xây dựng, phát triển thương hiệu; đặt tên thương hiệu, thiết kế biểu tượng (logo) và hệ thống các dấu hiệu nhận diện thương hiệu tương ứng; hỗ trợ các hoạt động truyền thông, marketing, quảng bá thương hiệu sản phẩm; tư vấn, hỗ trợ thủ tục pháp lý đăng ký xác lập quyền sở hữu nhãn hiệu tập thể trên lãnh thổ Việt Nam và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm của thành phố Hà Nội.