Xây dựng niềm tin cho doanh nghiệp
Theo các chuyên gia, thời gian qua Chính phủ và các bộ ngành tích cực thực hiện các giải pháp vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội đã mang lại cho doanh nghiệp niềm tin vào sự phục hồi của nền kinh tế và hoạt động sản xuất kinh doanh. Minh chứng là số doanh nghiệp thành lập mới và số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động ngay trong tháng đầu tiên của năm 2022 tăng mạnh. Điều này cho thấy các doanh nghiệp đã bước đầu thích ứng theo đúng tinh thần chủ động nhằm thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu để phục hồi và phát triển.
Ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chia sẻ, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn chịu nhiều tác động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp vẫn nỗ lực để duy trì và từng bước khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh. Trong năm 2022 dự báo tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, do đó để tạo niềm tin cho doanh nghiệp, cần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô và đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Nhà nước tiếp tục kiềm chế lạm phát, xây dựng lòng tin cho người kinh doanh. Bên cạnh việc tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa các thủ tục thì một việc quan trọng khác là Chính phủ cần tập trung hơn vào các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp mới thành lập để các doanh nghiệp này có thể trụ vững và phát triển. Đồng thời, đặt trọng tâm vào nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững của doanh nghiệp hơn là chỉ chú tâm phát triển số lượng doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp cơ bản khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh |
Trên thực tế đến nay, hầu hết các doanh nghiệp cơ bản khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh khi cả nước chuyển sang giai đoạn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19" theo tinh thần Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ. Cùng với đó, để hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới, Chính phủ tiếp tục kiên định với mục tiêu “Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao vị trí của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế về môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nhằm thích ứng với xu thế phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và tăng sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19. Tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân. Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, vướng mắc do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh, thích ứng linh hoạt, hiệu quả với dịch bệnh…
Theo Tổng Cục Thống kê, số doanh nghiệp thành lập mới trong tháng 1/2022 là 13.004 doanh nghiệp, tăng 28,9% so với cùng kỳ năm 2021. Số vốn đăng ký thành lập trong tháng 1/2022 đạt 192.365 tỷ đồng, tăng 24,0% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng chú ý, đây là số doanh nghiệp gia nhập thị trường trong tháng đầu tiên của năm cao nhất từ trước đến nay, số vốn đăng ký mới cũng chỉ xếp sau số liệu của tháng 1/2020. Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng 1/2022 là 19.121 doanh nghiệp, tăng 194,0% so với cùng kỳ năm 2021. Đây cũng là số lượng doanh nghiệp tái gia nhập thị trường trong tháng 1 cao nhất từ trước đến nay.
Tiến sĩ Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME) cho rằng, trong 2 năm 2020, 2021, các doanh nghiệp, nhất là DNNVV đã phải chịu tác động rất lớn của đại dịch và đã có rất nhiều doanh nghiệp phải phá sản, giải thể. Tuy nhiên, cũng có nhiều doanh nghiệp vẫn trụ vững và thích ứng nhanh chóng với hoàn cảnh mới. Đặc biệt sau khi thực hiện Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ ban hành Quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” thì các doanh nghiệp hoạt động trở lại, khả năng phục hồi rất nhanh. Trong giai đoạn vừa qua, cộng đồng DNNVV có khả năng hấp thụ các chính sách tương đối tốt. Thông qua các gói hỗ trợ về thuế, về giãn thuế, hỗ trợ doanh nghiệp trả lương... đều tiếp cận tương đối tốt.
Mới đây, ngày 11/1/2022 Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội lớn nhất từ trước tới nay với quy mô gần 350 nghìn tỷ đồng, thực hiện trong 2 năm 2022 và 2023, trong đó hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh là 110 nghìn tỷ đồng. Mục tiêu chính của chương trình là tiếp tục chia sẻ khó khăn với người dân, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, ổn định sản xuất - kinh doanh, tạo thêm dư địa cho phát triển mạnh mẽ, bền vững hơn. Đây được coi là cơ hội giúp các doanh nghiệp hồi sinh sau hai năm vật lộn với đại dịch. Với những hỗ trợ như vậy đang dần tạo niềm tin cho doanh nghiệp vào quá trình phục hồi và phát triển sản xuất trong năm 2022.