Xem xét trách nhiệm, rút kinh nghiệm trong việc chậm phân bổ dự toán Quốc hội giao
Sáng 15/3/2022, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tiếp tục phiên họp thứ 9 xem xét việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (thuộc nhiệm vụ chi thường xuyên) năm 2020 và 2021.
Tại phiên họp, Chính phủ đã trình UBTVQH hai tờ trình về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước các nguồn vốn nói trên.
Toàn cảnh phiên họp |
Thẩm tra các nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết đã tổ chức họp để cho ý kiến về các nội dung trên.
Về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2020, theo Tờ trình thì khoản viện trợ 1.413,387 tỷ đồng là khoản phát sinh trong năm 2020 đã được các cơ quan trung ương thực nhận nhưng chưa có dự toán được giao. Chính phủ đề nghị UBTVQH bổ sung dự toán thu, chi ngân sách trung ương (NSTW) nguồn viện trợ nước ngoài (chi thường xuyên) và phân bổ chi tiết số tăng thu năm 2020 là 1.413,387 tỷ đồng.
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách nhận thấy, việc tiếp nhận và đưa vào sử dụng viện trợ không hoàn lại là cần thiết và hợp lý, không thể chờ có dự toán mới tiếp nhận và thực hiện. Do vậy, đề nghị bổ sung vào dự toán thu, chi ngân sách nhà nước để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý thực hiện, hạch toán, quyết toán ngân sách nhà nước năm 2021 theo quy định tại Điều 8 của Luật Ngân sách nhà nước.
Về việc bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2021, Chính phủ cho biết, số vốn đã tiếp nhận nhưng chưa đủ điều kiện hạch toán chi ngân sách nhà nước do chưa có dự toán là khoảng 10.558 tỷ đồng. Chính phủ đề nghị UBTVQH cho phép bổ sung dự toán thu, chi NSTW nguồn viện trợ nước ngoài (chi thường xuyên) và phân bổ chi tiết số tăng thu năm 2021 là 4.217,777 tỷ đồng.
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, nội dung này tương tự với nội dung tại Tờ trình về đề nghị bổ sung dự toán ngân sách nhà nước nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài (nguồn chi thường xuyên) năm 2020, do vậy đề nghị bổ sung vào dự toán thu, chi ngân sách nhà nước để bảo đảm đủ căn cứ pháp lý thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021 theo quy định tại Điều 8 của Luật Ngân sách nhà nước.
Như vậy, theo Tờ trình của Chính phủ, các cơ quan Trung ương và địa phương đề nghị bổ sung dự toán 5.633,777 tỷ đồng. Sau khi giảm trừ số vốn 1.416 tỷ đồng đã được Quốc hội phê duyệt giao dự toán chi thường xuyên nguồn viện trợ của NSTW năm 2021 nhưng chưa được Bộ Y tế phân bổ chi tiết, Chính phủ kiến nghị bổ sung dự toán 4.217,777 tỷ đồng nguồn viện trợ nước ngoài năm 2021.
Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của Bộ Y tế trong việc chưa phân bổ chi tiết số vốn 1.416 tỷ đồng đã được Quốc hội phê duyệt giao dự toán chi thường xuyên nguồn viện trợ của NSTW năm 2021. Ngoài ra, đề nghị Chính phủ báo cáo rõ số liệu chênh lệch giữa số đề nghị bổ sung dự toán (5.633 tỷ đồng) với số đã tiếp nhận nhưng chưa đủ điều kiện hạch toán chi ngân sách nhà nước do chưa có dự toán (khoảng 10.558 tỷ đồng).
Từ những ý kiến nêu trên, Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách đề nghị Chính phủ hoàn thiện, trình Quốc hội xem xét, bổ sung dự toán thu, phân bổ chi tiết cho các bộ, ngành, địa phương khi trình Quốc hội xem xét, quyết định quyết toán ngân sách nhà nước năm 2020 và năm 2021. Giao Chính phủ chỉ đạo các đơn vị liên quan rà soát chính xác số liệu, cập nhật kịp thời, làm rõ các nội dung chi cho các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm công khai, minh bạch và xem xét trách nhiệm, rút kinh nghiệm trong việc chậm phân bổ dự toán được Quốc hội giao, kéo dài việc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bổ sung dự toán thu, chi theo quy định của pháp luật, hoàn thiện hồ sơ để trình Quốc hội xem xét, quyết định khi trình quyết toán ngân sách nhà nước.