Xu hướng cắt giảm và chấm dứt nhiệt điện than
Ảnh minh họa |
Việt Nam có tiềm năng điện mặt trời phân tán và kết hợp rất lớn, vì loại hình năng lượng này huy động được rất tốt nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp tư nhân và người dân. Điều này phù hợp với quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng: cái gì người dân, doanh nghiệp, xã hội làm tốt hơn thì để người dân, xã hội, doanh nghiệp làm. Từ quan điểm trên, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) cho rằng Quy hoạch điện VIII cần đưa ra chính sách để phát triển mạnh loại hình điện mặt trời thay vì kìm hãm chỉ phát triển 2GW trong 10 năm tới.
Theo VSEA, Quy hoạch điện VII điều chỉnh đã không dự báo được xu thế phát triển ngoạn mục của điện mặt trời, dẫn tới sự phát triển nóng của điện mặt trời, không đồng bộ giữa thị trường và chính sách, giữa nguồn với lưới điện. Nếu chọn kìm hãm điện mặt trời sẽ dẫn tới vừa lãng phí nguồn tài nguyên, vừa lặp lại bài học đắt giá từ Quy hoạch điện VII điều chỉnh về sự chậm chễ trong chính sách.
Nhằm tăng khả năng truyền tải, Chính phủ nên đưa ra chính sách khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư xây dựng lưới điện để giải tỏa công suất năng lượng tái tạo và giảm gánh nặng đầu tư cho nhà nước. Riêng khâu vận hành và quản lý lưới vẫn do Nhà nước đảm trách, bà Ngụy Thị Khanh - Giám đốc Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID), kiêm Chủ tịch VSEA đề xuất.
Song song với đó, cần thúc đẩy triển khai pin tích trữ ngay trong giai đoạn này như kiến nghị của EVN vì đây là công nghệ có khả năng điều tần rất nhanh, điều chỉnh công suất tốt, phủ đỉnh, giảm tắc nghẽn hệ thống truyền tải và phân phối, hạn chế cắt giảm công suất năng lượng tái tạo. Bởi theo NREL, giá pin tích trữ giảm rất nhanh, từ 2010 đến 2020 giảm khoảng 80%. Dự báo đến năm 2050 chỉ còn khoảng 40% so với hiện nay. Đồng thời, đẩy nhanh hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, xóa bỏ độc quyền để giải phóng đầu tư tư nhân cho phát triển năng lượng bền vững.
Ở chiều ngược lại, phải kiên quyết loại bỏ ra khỏi quy hoạch các dự án điện than không được các địa phương ủng hộ, tính khả thi thấp, và rủi ro cao, bà Ngụy Thị Khanh kiến nghị.
Nhìn ra thế giới, xu hướng ngày nay là cắt giảm ngay và chấm dứt nhiệt điện than. Hàn Quốc và Nhật Bản - hai trong số ba quốc gia còn lại đầu tư cho nhiệt điện than ở Việt Nam đã chính thức tuyên bố dừng cấp vốn cho các dự án điện than mới. Tại Đông Nam Á, Philippines cũng đã ban hành chính sách dừng phát triển điện than mới từ tháng 11/2020 và Indonesia tuyên bố ngưng dự án điện than mới sau năm 2023.
Tại Việt Nam, mặc dù đã được hưởng cơ chế đặc thù, nhưng 16/34 dự án điện than vẫn không đi vào vận hành đúng tiến độ, và tiếp tục bị đẩy lùi thêm nhiều năm nữa trong dự thảo Quy hoạch điện VIII. Trong bối cảnh này, áp lực cấp vốn sẽ đặt lên vai các ngân hàng trong nước, đe dọa sự phát triển bền vững của hệ thống tài chính quốc gia.
Nhiệt điện than ngày càng đắt đỏ với các chính sách tăng cường bảo vệ môi trường đang được xây dựng và sắp được ban hành như Nghị định quy định giảm nhẹ phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ô-zôn, quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn phát thải thắt chặt hơn.
Việc tiếp tục phát triển điện than sẽ còn gây ra hàng loạt hệ lụy với xã hội và nền kinh tế: tăng thêm gánh nặng bệnh tật cho người dân và áp lực cho hệ thống y tế, tạo ra xung đột với ngành nuôi trồng thủy hải sản và du lịch, gây bất lợi về năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam khi xuất khẩu sang các thị trường chủ chốt như EU, Mỹ, Nhật Bản, ngay cả Trung Quốc khi các nước trên đều đồng thuận đánh thuế các-bon lên hàng hóa của các nước sử dụng nguồn năng lượng hóa thạch.
Khẳng định tiếp tục phát triển các dự án điện than mới là đi ngược xu hướng của thế giới. VSEA kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Quy hoạch điện VIII ưu tiên thực hiện ngay các giải pháp cải cách ngành điện để giải phóng nguồn vốn đầu tư tư nhân vào năng lượng sạch. Chính sách phát triển năng lượng của quốc gia cần quan tâm hỗ trợ sự tham gia và hưởng lợi của các doanh nghiệp nội, chứ không chỉ riêng các doanh nghiệp FDI – vốn đã có rất nhiều lợi thế. Quan tâm đến các chính sách cho điện mặt trời phân tán và kết hợp chính là tạo cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Việt Nam, bà Ngụy Thị Khanh chia sẻ.