Xử lý triệt để khai thác cát trái phép
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM cho biết, có 35 vị trí sạt lở bờ sông, kênh – rạch, trong đó có 14 vị trí đặc biệt nguy hiểm và 21 vị trí nguy hiểm. Qua đó, vấn nạn khai thác trộm cát là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra hiện tượng sạt lở nhiều nơi với nhiều điểm sạt lở rất nguy hiểm, có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của người dân.
Là địa phương có số vụ khai thác cát trái phép lớn nhiều, lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ cho biết, tình trạng khai thác cát trái phép trên vùng biển Cần Giờ nhiều năm qua luôn ở mức báo động, năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2015, lực lượng chức năng phát hiện 12 trường hợp khai thác cát trái phép thì năm 2016 tăng lên 26 trường hợp; năm 2017 là 48 trường hợp và năm 2018 đã lên đến 65 trường hợp... Theo lãnh đạo UBND huyện Cần Giờ, hiện công tác kiểm tra xử lý còn nhiều bất cập, người khai thác có nhiều thủ đoạn tinh vi như cử người cảnh giới, thực hiện vào ban đêm... Khi bị bắt quả tang, các đối tượng nhanh chóng bỏ chạy, nhấn chìm tàu, thậm chí không ngần ngại chống đối người thi hành công vụ.
Lực lượng chức năng bắt giữ một trường hợp khai thác cát lậu |
Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cũng nhìn nhận, mặc dù nhìn chung việc khai thác cát trái phép trên toàn địa bàn giảm, nhưng vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là vùng biển Cần Giờ. Theo số liệu tổng hợp của Công an TP.HCM, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng TP.HCM, UBND huyện Cần Giờ, quận 9, huyện Củ Chi, trong năm 2020, TP.HCM đã kiểm tra, xử lý 83 vụ/88 phương tiện liên quan đến hành vi khai thác cát trái phép; kinh doanh, vận chuyển cát không có nguồn gốc hợp pháp. Tổng số tiền phạt vi phạm hành chính đối với các vụ vi phạm trên là hơn 1,2 tỷ đồng, tịch thu gần 10.000 m3 cát. Đồng thời, TP.HCM chuyển một vụ liên quan đến hành vi mua bán cát không có nguồn gốc hợp pháp cho Cơ quan CSĐT huyện Giồng Trôm (Bến Tre) để tiếp tục điều tra...
Để xử lý triệt để tình trạng khai thác cát trái phép, UBND TP.HCM đã giao các sở, ngành nghiên cứu để đề xuất sửa đổi, bổ sung luật về xử lý hình sự, bắt buộc gắn thiết bị định vị… để xử lý "cát tặc". UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành; UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức về phối hợp, tăng cường các biện pháp phòng, chống khai thác cát trái phép; kinh doanh, vận chuyển cát không có nguồn gốc hợp pháp trên địa bàn TP.HCM...
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP.HCM, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, để tăng cường hiệu quả trong công tác đấu tranh, ngăn chặn hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn, Sở đang triển khai phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện công tác kiểm tra hoạt động khai thác cát trái phép, hoạt động kinh doanh, vận chuyển cát không có nguồn gốc hợp pháp trên địa bàn thành phố năm 2021. Bên cạnh đó, Sở cũng thu thập thông tin tình hình kiểm tra, ngăn chặn tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn, tổng hợp và cung cấp thông tin cho các lực lượng chức năng để phục vụ công tác quản lý, xử lý các trường hợp vi phạm...
Tuy nhiên lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM nhấn mạnh, vẫn còn nhiều khó khăn vướng mắc trong xử lý vi phạm khai thác cát trái phép, đòi hỏi các ngành các cấp vào cuộc đồng bộ mới có thể xử lý một cách triệt để.
Theo đó, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đề xuất UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Giao thông - Vận tải rà soát các dự án nạo vét đã cấp phép theo hình thức tận thu khoáng sản bù chi phí, phối hợp và tạo điều kiện cho địa phương chủ động kiểm tra và quản lý nhà nước trên lĩnh vực khoáng sản; có biện pháp mạnh thu hồi giấy phép hoặc tạm dừng hoạt động đối với các dự án nạo vét có dấu hiệu vi phạm nhưng đơn vị thi công không hợp tác khi yêu cầu cung cấp thông tin tài liệu để xác minh làm rõ hành vi vi phạm.
Cùng với đó, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định theo hướng bắt buộc tất cả các phương tiện thủy khi tham gia vận chuyển khoáng sản phải gắn thiết bị định vị và camera giám sát hành trình; sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2015/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa theo hướng tăng mức tiền phạt; kiến nghị bộ, ngành trung ương sửa đổi, bổ sung Bộ Luật Hình sự theo hướng giám định lượng cấu thành tội phạm đối với hành vi khai thác tài nguyên trái phép, xác định hoạt động khai thác cát trái phép là hành vi trộm cắp tài nguyên, tài sản quốc gia, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi tiêu thụ khoáng sản từ khai thác cát trái phép...