Xuất khẩu cá tra sụt giảm mạnh
Xuất khẩu thủy sản hướng đến mục tiêu 9 tỷ USD | |
Mỹ công nhận hệ thống an toàn thực phẩm của cá da trơn Việt Nam | |
Thống lĩnh thị trường toàn cầu, cá da trơn Việt Nam 'nhòm ngó' cơ hội từ EU, Trung Quốc |
Ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch Ủy ban Cá nước ngọt (thuộc Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam - Vasep) cho biết, trong khó khăn chung của các ngành hàng thủy sản xuất khẩu do ảnh hưởng dịch bệnh, thì nhóm hàng cá tra hiện đã có nhiều tín hiệu khả quan hơn. Trước đó, tình hình thiếu nguyên liệu sản xuất đã gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu, bởi cùng trong hai tháng 2 và 3/2020, tình trạng hạn mặn bất thường đã xảy ra ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long khiến cho vùng nuôi cá tra nguyên liệu bị ảnh hưởng nặng nề. Người nuôi cá tra ở một số địa phương đã ngưng thả nuôi, do không đủ điều kiện về nước, thủy lợi cho việc thả vụ mới, nguồn cung nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu thiếu hụt. Sản lượng thu hoạch dự kiến trong 2 tháng sắp tới sẽ giảm. Và đây lại là điều kiện để giá cá tra nguyên liệu có thể tăng trong thời gian tới. Còn hiện nay, giá cá tra nguyên liệu tại các tỉnh này vẫn ở mức ổn định (từ 18.000 đồng - 19.000 đồng/kg), đây là mức thấp, doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu có lãi, duy trì việc làm cho người lao động.
Xuất khẩu cá tra gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn thấy được những tín hiệu lạc quan |
Theo Vasep, trên thị trường xuất khẩu, quý I/2020 kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam giảm mạnh ở tất cả thị trường. Trong đó, thị trường Trung Quốc giảm hơn 52% so với cùng kỳ năm 2019. Các doanh nghiệp xuất khẩu lớn sang thị trường này trong các tháng 2 và 3/2020 giảm lượng hàng đến 70% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường Châu Âu (EU) cũng giảm mạnh giá trị xuất khẩu đến 40% so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, từ tháng 3/2020 việc hàng loạt các quốc gia châu Âu là Ý, Đức và Anh là những thị trường tiềm năng cho cá tra Việt Nam trở thành trọng tâm của đại dịch Covid-19 đã khiến hoạt động giao thương sang các thị trường này đóng băng. Những quốc gia khác trong EU cũng giảm kim ngạch nhập khẩu cá tra từ 10% - 15%. ASEAN là thị trường nhập khẩu lớn thứ ba của cá tra Việt Nam (sau Mỹ, Trung Quốc, Hong Kong) thì giảm 19%. Trong đó, ba thị trường nhập khẩu lớn khác là Thái Lan giảm 10,9%, Malaysia giảm 5,8% và Singapore giảm 34% so với cùng kỳ năm trước.
Mới đây, Malaysia vốn được coi là thị trường xuất - nhập khẩu tiềm năng và ổn định trong khối ASEAN, đã phong tỏa toàn bộ đất nước trong hai tuần nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus gây dịch Covid-19. Nhiều đơn hàng cá tra của doanh nghiệp Việt sang thị trường này cũng ngừng. Ở thị trường trong nước, hệ thống nhà hàng, khách sạn đã tạm ngưng hoạt động, do đó nhiều đơn hàng cũng bị ngưng.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Vasep cho rằng, mặc dù ba tháng đầu năm 2020 gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn thấy được những tín hiệu lạc quan khi từ đầu tháng 4/2020, thị trường đang có những dấu hiệu tích cực trở lại. Cụ thể, sau khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn, khách hàng Trung Quốc đã đặt hàng trở lại, lưu thông hàng hóa bắt đầu khởi động. Kể từ tháng 4, xuất khẩu cá tra sang thị trường Trung Quốc, Hong Kong nhiều khả năng sẽ ổn định dần. Tại thị trường Mỹ, EU hiện nay, nhu cầu tiêu thụ hàng thủy sản, trong đó có cá tra tại các siêu thị có chiều hướng gia tăng, dự kiến sẽ phục hồi kim ngạch nhập khẩu trong hai đến ba tháng tới.
Cùng với đó, nhiều tín hiệu sáng cũng xuất hiện ở Ấn Độ - một thị trường mới và được coi là rất tiềm năng với dân số đông thứ 2 thế giới. Mặc dù, nước này cũng nuôi được khoảng 600.000 tấn cá tra/năm nhưng thịt cá bị vàng, các nhà máy chế biến tại đây chưa sản xuất được sản phẩm cá tra file thịt trắng đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm như của Việt Nam. Vậy nên, sản phẩm cá tra file Việt Nam được xem là sản phẩm cao cấp, đang được nhập khẩu phục vụ trong các nhà hàng ở Ấn Độ.