Xuất khẩu có dấu hiệu phục hồi
Xuất khẩu tôm khởi sắc, thu về 520 triệu USD Xuất khẩu chưa thể tăng trưởng như kỳ vọng |
Đại diện Công ty TNHH Gia Hân chuyên sản xuất các mặt hàng đồ gỗ nội thất xuất khẩu cho thị trường châu Âu cho biết, thời gian qua, công ty liên tục cử người tham gia các hội chợ triển lãm ngành hàng, đưa thông tin giới thiệu quảng bá lên các trang thương mại điện tử quốc tế… để tìm kiếm, tiếp cận bạn hàng mới và điều đáng mừng là sau nhiều tháng nỗ lực, doanh nghiệp đã kết nối được một số đối tác mới ở Hà Lan và Ba Lan. Đây có thể coi là tín hiệu vui về thị trường sau chuỗi ngày dài không có đơn hàng sản xuất mới nào.
Ông Trần Quốc Mạnh, Phó chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu hàng Thủ công mỹ nghệ Việt Nam (Vietcraft) cho biết, các đơn hàng xuất khẩu của mặt hàng gỗ và thủ công mỹ nghệ đang có dấu hiệu hồi phục. Có những doanh nghiệp, lượng đơn hàng đã đạt trên 50% công suất nhà máy. Và xu hướng này đang tăng lên dần. Với những tín hiệu này, ngành đồ gỗ có thể hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu đề ra trong năm nay.
Xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước |
Tương tự, với ngành dệt may, theo các doanh nghiệp, đơn hàng đã rục rịch trở lại, thậm chí có nhiều đơn đến từ Trung Đông-vốn không phải là thị trường thế mạnh của ngành này. Dự kiến thời gian tới, nhiều doanh nghiệp dệt may sẽ còn tiếp tục nhận được đơn hàng với sự nỗ lực thay đổi chiến lược trong việc mở rộng sản phẩm để khai thác thị trường mới, thay vì chỉ tập trung vào thị trường truyền thống lâu nay. Đơn cử, theo báo cáo của Công ty Dệt may Thành Công, tình hình xuất khẩu của đơn vị gần đây có những tín hiệu tích cực và các đối tác từ châu Âu, Đông Bắc Á, Đông Nam Á đến Việt Nam tìm hiểu sản phẩm may mặc có xu hướng tăng so với trước.
Cùng với đó, một số ngành hàng xuất khẩu thế mạnh khác của Việt Nam như thủy sản, da giày… cũng ghi nhận lượng đơn hàng đang phục hồi và tăng nhẹ. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang Hoa Kỳ trong tháng 9 tăng gần 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là tháng thứ 2 liên tiếp, xuất khẩu thủy sản sang thị trường này ghi nhận tăng trưởng dương. Nguyên nhân là do nhu cầu tiêu thụ thủy sản của Hoa Kỳ tăng lên vào dịp cuối năm, đặc biệt với tôm và cá tra. Với tín hiệu tích cực ở một số thị trường lớn, dự kiến xuất khẩu thủy sản trong quý cuối năm nay sẽ đạt 2,4 tỷ USD, kết quả cả năm đạt trên 9 tỷ USD.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tháng 9/2023, cả xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước, ghi nhận xu hướng tích cực sau nhiều tháng từ đầu năm liên tiếp giảm. Tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu hàng hóa tháng 9 ước đạt 60,53 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước tính tăng 4,6%, nhập khẩu ước tính tăng 2,6%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2023 ước đạt 31,41 tỷ USD, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước; khu vực kinh tế trong nước đạt 8,3 tỷ USD, tăng 17,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 23,11 tỷ USD, tăng 0,5%.
Trong tháng 9, có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 67,2% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu mà Việt Nam có lợi thế so sánh vẫn đạt mức tăng khá cao: Rau quả tăng 160%; gạo tăng 80,4%; sắn và các sản phẩm của sắn tăng 41,8%; hạt điều tăng 39,6%; hạt tiêu tăng 22,7%... Bên cạnh đó, xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực cũng tăng trưởng dương trong tháng 9/2023.
Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, để duy trì và thúc đẩy đà tăng trưởng trở lại cho ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định, cam kết, liên kết thương mại mới với các đối tác còn nhiều tiềm năng để đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các cam kết trong các FTA, trong đó đặc biệt là CPTPP, EVFTA, UKVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, thông qua tuyên truyền về quy tắc xuất xứ và cấp Giấy chứng nhận xuất xứ, các cơ hội và cách thức tận dụng cơ hội từ các Hiệp định. Đặc biệt trong bối cảnh khó khăn, cơ quan chức năng cũng tăng cường cảnh báo sớm các vụ kiện phòng vệ thương mại, hướng dẫn, kịp thời thông tin cho doanh nghiệp đối với nhu cầu, quy định mới của thị trường để doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt và có phương án thích ứng với tình hình mới.