Xuất khẩu giá cao, thủy sản thêm cơ hội
Giá xăng dầu tăng, ngành thủy sản gặp khó | |
Thị trường rộng mở, thủy sản đón nhận nhiều tin vui |
Nhu cầu và giá xuất khẩu đều tăng
Các mã cổ phiếu ngành thủy sản niêm yết trên hai sàn HoSE và HNX thời gian qua gần như không bị tác động bởi sự đi xuống của thị trường chung.
Giới phân tích cho rằng, sau một thời gian bị đứt gãy chuỗi cung ứng do đại dịch Covid-19, các thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam đã mở cửa trở lại với nhu cầu tiêu thụ tăng và giá cũng tăng theo. Chẳng hạn, trong quý I năm nay giá cá tra xuất khẩu vào Mỹ đạt 4.590 USD/tấn, tăng 23% so với quý IV năm qua và tăng 82% so với cùng kỳ. Mặt hàng thủy sản tăng vọt ở thị trường Mỹ do lượng hàng dự trữ của các nhà nhập khẩu ở quốc gia này đã xuống thấp đáng kể sau một thời gian đóng cửa phòng chống dịch bệnh.
Các doanh nghiệp thủy sản có nhiều cơ hội tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi |
Trong khi đó, Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng của các doanh nghiệp, trong quý I/2022 giá bán cá tra đạt mức 2.530 USD/tấn tăng 8% so với quý IV năm qua và tăng 74% so với cùng kỳ. Mặc dù, Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chính sách Zero Covid gây ảnh hưởng nặng nề đến chuỗi cung ứng sản phẩm của các nhà xuất khẩu trên toàn cầu. Tuy nhiên, Công ty Chứng khoán BSC dự báo, sau một thời gian đóng cửa phòng chống Covid-19, tới đây khi thị trường này mở cửa sẽ có một sức bật của chiếc lò xo nén lâu ngày, đó là yếu tố quyết định đà tăng trưởng của ngành cá tra trong nửa cuối năm 2022.
Cùng với đó, có một mảng thị trường chưa khai thác nhiều đó là các nước nhập khẩu thủy sản của Nga. Do hiện Nga đang bị các nước phương Tây áp dụng lệnh trừng phạt, nên bỏ lại một khoảng trống trên thị trường. Do đó doanh nghiệp ở quốc gia nào nhanh chân sẽ lấp đầy được khoảng trống mà thủy sản Nga để lại. Theo số liệu thống kê, bình quân mỗi năm kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Nga ra thế giới đạt từ 4,5-5,8 tỷ USD, trong đó riêng thị phần thủy sản của Nga vào thị trường Mỹ khoảng 5,1% và EU 1,5%.
Thủy sản có nhiều cơ hội tiếp cận tín dụng ưu đãi
Xuất khẩu phục hồi đã hỗ trợ hoạt động nuôi trồng thủy sản tái khởi động trở lại mạnh mẽ ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Giá cá tra giống ở ĐBSCL đã tăng liên tục từ Tết Nguyên đán đến nay và hiện ở mức 45.000 đồng/kg loại 2 phân/con, 30 con/kg, tăng hơn 10.000-15.000 đồng/kg so với cuối năm 2021. Theo đó, giá cá tra nguyên liệu bán cho các nhà máy chế biến ở ĐBSCL đã tăng lên đến 32.000-33.000 đồng/kg (kích cỡ từ 0,8-1,2 kg/con).
Trong chính sách tín dụng nông nghiệp nông thôn của Chính phủ vẫn dành những ưu đãi lớn cho nông dân. Hơn nữa, hiện nay các NHTM đang triển khai cấp bù 2% lãi suất (theo Thông tư 03/2022/TT-NHNN hướng dẫn NHTM thực hiện hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ) đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh. Trong đó, lĩnh vực nông - lâm nghiệp và thủy sản, chế biến sẽ được hưởng hỗ trợ lãi suất. Chính sách này sẽ góp phần thúc đẩy ngành thủy sản phát triển hơn.
Mặt khác, Mỹ công bố kết quả chính thức của thuế chống bán phá giá kỳ thứ 17 (POR 17), không có khác biệt nhiều so với kết quả sơ bộ. Các chuyên gia chứng khoán của BSC cho rằng, bên cạnh những doanh nghiệp như Vĩnh Hoàn (VHC) và Vạn Đức Tiền Giang đã bán sản phẩm cá tra vào Mỹ trong giai đoạn trước, hiện nay Công ty thủy sản Nam Việt (ANV) cũng chuẩn bị tham gia vào thị trường tiêu thụ lớn hàng đầu thế giới này. Theo đó, Nam Việt đã chuẩn bị các khâu bán hàng, logistics để có thể bắt đầu xuất khẩu vào Mỹ từ tháng 8/2022.
Trên thị trường chứng khoán hiện nay, một số công ty chứng khoán định giá cổ phiếu nhóm ngành thủy sản ở mức 4,5x - cao nhất trong các mã ngành trên thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, giới phân tích nhận định, đầu tư vào các cổ phiếu thủy sản hiện nay cần xác định tìm kiếm hiệu quả trong dài hạn, không nên tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn, nhất là trong xu hướng tháng 6 tới đây có thể thị trường vẫn đi ngang nếu không có những yếu tố hỗ trợ đủ mạnh.