Giá xăng dầu tăng, ngành thủy sản gặp khó
Giá xăng dầu đẩy CPI tháng 5 tăng 0,38% | |
Cập nhật hệ thống dữ liệu ngăn chặn sai phạm kinh doanh xăng dầu | |
Bộ Công Thương: Đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong quý II |
Ngư dân chật vật
Thời gian gần đây, ngư dân Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung nói chung gặp nhiều khó khăn vì giá nhiên liệu vẫn tiếp tục duy trì ở mức cao, trong khi giá bán hải sản vẫn giữ nguyên, thậm chí bị sụt giảm. Giá nhiên liệu cao khiến chi phí đi biển của ngư dân hiện nay tăng từ 20-25%. Tất cả đã làm lợi nhuận mỗi chuyến biển của ngư dân giảm đi đáng kể. Được biết, giá xăng dầu thường chiếm 40-50% tổng chi phí mỗi chuyến đi biển. Điều này khiến các chủ tàu cá công suất lớn luôn phải cân nhắc trước khi ra khơi.
Ông Trần Ngọc Sen, chủ tàu cá QNg 98366 TS chuyên đánh bắt cá ngừ chia sẻ, năm ngoái, chiếc tàu có công suất 675CV như của ông, mỗi chuyến đi biển 10 ngày sẽ đổ hơn 4.500 lít dầu, chi phí 80 triệu đồng. Nhưng với giá dầu tăng cao như hiện nay thì mỗi chuyến phải tốn trên 100 triệu tiền dầu. Cộng thêm các khoản khác như đá lạnh, lương thực, tiền công cho thuyền viên... thì chi phí cho mỗi chuyến vươn khơi khoảng 200 triệu đồng. Nếu được giá 30 - 40.000 đồng/kg cá ngừ thì tiền thu về được hơn 200 triệu, trừ phí tổn thì tiền lãi rất ít. Còn nếu không đánh bắt được cá hoặc thương lái thu mua giá thấp thì đành chấp nhận lỗ.
Nỗi lo lớn nhất của ngư dân hiện nay là chi phí nhiên liệu và giá thủy sản |
Tương tự, anh Trần Anh Minh, ngư dân đến từ tỉnh Quảng Ngãi cho biết, tàu của anh vừa ra khơi và cập bến tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, thành phố Đà Nẵng. Trong chuyến biển này, sản lượng thủy sản không nhiều như mọi lần, giá bán không cao nên không có lợi nhuận. Theo anh Minh, nỗi lo lớn nhất của ngư dân hiện nay là chi phí nhiên liệu và giá thủy sản.
Ông Nguyễn Lại, Phó Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho hay, giá xăng, dầu liên tục biến động khiến chủ tàu phải chịu thêm 50-100 triệu đồng cho mỗi chuyến đi biển. Chưa kể các khoản chi phí khác cũng tăng theo khiến việc bám biển của ngư dân gặp nhiều khó khăn. Thời gian gần đây, dù nhiều tàu thuyền đã trở lại hoạt động đánh bắt song số lượng không nhiều, còn không ít tàu cá neo đậu tại khu vực âu thuyền Thọ Quang, chủ yếu các tàu hoạt động khai thác vùng khơi, xa bờ với các nghề lưới kéo, lưới vây, lưới rê…
Mặc dù hiện phải đối mặt với vô vàn khó khăn, lợi nhuận từ nghề biển không còn nhiều như trước, nhưng nhiều ngư dân vẫn nỗ lực tính toán chi phí phù hợp cho mỗi chuyến vươn khơi bám biển, đánh bắt hải sản. Đó cũng là mưu sinh của hàng ngàn con người đã gắn bó với nghề đi biển qua nhiều thế hệ.
Những ngày này, tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, nhiều ngư dân vẫn đang bận rộn chuẩn bị nhiên liệu, thực phẩm… cho những chuyến đánh bắt dài ngày trên biển. Để hoạt động khai thác hải sản hiệu quả hơn, nhiều chủ tàu đã tạo thêm nghề phụ để duy trì sản xuất, các tổ đội nghề cá cũng được thành lập, để cùng hoạt động nhằm hỗ trợ cho nhau trong việc bám biển, thời gian bám biển được điều chỉnh lại, để vừa bảo đảm năng suất, vừa tiết kiệm chi phí.
Doanh nghiệp xoay xở
Theo thống kê tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang từ ngày 15 đến 24/5, có 674 tàu cập cảng, 594 tàu rời cảng; sản lượng thủy sản qua cảng 2.273 tấn. Tất cả đều ít hơn so với thời điểm giá xăng dầu chưa tăng cao.
Ngoài nguyên nhân chính là do giá xăng dầu tăng liên tục, còn một nguyên nhân khác khiến ngư dân lo lắng là sức tiêu thụ hải sản chưa tăng, thị trường xuất khẩu cũng chưa thực sự phục hồi. Điều này ảnh hưởng lớn đến tâm lý của ngư dân, dẫn đến số lượng tàu thuyền vươn khơi còn hạn chế. Hội nghề cá thành phố Đà Nẵng đã kiến nghị các cấp chính quyền cần sớm có giải pháp hỗ trợ ngư dân trước tình hình giá nhiên liệu tăng cao như hiện nay.
Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước cho biết, chế biến thủy sản cũng được đánh giá là lĩnh vực chịu tác động mạnh từ giá xăng dầu bởi nguồn nguyên liệu đầu vào chủ yếu phụ thuộc vào đánh bắt ngoài khơi với chi phí nhiên liệu rất lớn. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, nguồn nguyên liệu chế biến thủy sản bị ảnh hưởng lớn, một phần do thời tiết nhưng nguyên nhân chính vẫn do giá xăng dầu tăng cao. Nó cũng kéo theo các chi phí đầu vào, dịch vụ logistics tăng khiến nhiều doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Mặc dù các doanh nghiệp rất nỗ lực nhưng áp lực chi phí tăng đang là rào cản lớn để mở rộng sản xuất.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Đà Nẵng Phạm Bắc Bình cho biết, các doanh nghiệp cho rằng, giá xăng, dầu tăng nhanh với biên độ lớn dẫn đến khó tính toán việc sản xuất, kinh doanh do đa số đơn hàng đều ký hợp đồng trước với đối tác 2-10 tháng. Hiện nay, biên độ tăng của giá xăng, dầu nằm ngoài tính toán nên nhiều doanh nghiệp có nguy cơ lỗ hoặc chỉ hòa vốn khi thực hiện các đơn hàng đã ký. Ngoài ra, nỗi lo chi phí vận tải cũng đè nặng doanh nghiệp với tình trạng thiếu container vẫn chưa được khắc phục.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho hay, hải sản là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam hiện nay, 4 tháng đầu năm nay xuất khẩu hải sản đạt trên 1,3 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện xuất khẩu hải sản chiếm 35% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước. Dự báo trong năm 2022, ngành thủy sản có thể tăng từ 10-12% so với năm 2021. Xuất khẩu hải sản khai thác đang đóng vai trò ngày càng cao trong tổng cơ cấu xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Tuy nhiên, giá xăng dầu cao làm nhiều tàu đánh bắt không thể ra khơi, ảnh hưởng lớn đến nguyên liệu hải sản xuất khẩu.