Xuất khẩu nông lâm thủy sản nửa đầu năm 2023 đạt 24,59 tỷ USD
Xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt kỷ lục 53,22 tỷ USD 2 tháng, xuất khẩu nông, lâm, thuỷ sản đạt 6,28 tỷ USD Xuất khẩu nông, lâm, thủy sản sẽ tăng trưởng mạnh |
Quang cảnh họp báo công bố kết quả sản xuất, xuất khẩu của ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2023. |
Ngày 3/7, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức họp báo định kỳ công bố kết quả sản xuất, xuất khẩu của ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm 2023.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhờ chủ động tháo gỡ vướng mắc để gia tăng xuất khẩu trong điều kiện khó khăn về đơn hàng mở mới (nhất là thủy sản và lâm sản) và rào cản thị trường nên tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản 6 tháng đầu năm 2023 đạt 24,59 tỷ USD, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, nhóm nông sản chính 12,79 tỷ USD, tăng 12%; sản phẩm chăn nuôi 232 triệu USD, tăng 26,5%; thuỷ sản 4,13 tỷ USD, giảm 27,4%; lâm sản chính 6,5 tỷ USD, giảm 28,2%; đầu vào sản xuất 940 triệu USD, giảm 28,9%; muối 2,4 triệu USD, giảm 14,2%.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đóng góp vào kết quả đó, có 7 sản phẩm, nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD (cà phê, cao su, gạo, rau quả, hạt điều, tôm, sản phẩm gỗ).
Gạo và hạt điều là 2 sản phẩm tăng cả khối lượng và giá trị xuất khẩu. Gạo tăng 22,2% khối lượng, tăng 34,7% giá trị xuất khẩu. Hạt điều tăng 10,5% khối lượng, tăng 7,7% giá trị xuất khẩu.
Riêng cà phê tuy giảm về khối lượng đạt 1,02 triệu tấn, giảm 2,2%, nhưng nhờ giá xuất khẩu bình quân tăng 5,2% nên giá trị xuất khẩu đạt 2,4 tỷ USD, tăng 3%.
Về thị trường xuất khẩu, Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản lớn nhất của Việt Nam; giá trị xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 21,4%, tăng 7,7%; xuất khẩu sang Hoa Kỳ chiếm 20,2%, giảm 32,9% và xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm 7,7%, giảm 5,3%.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, xuất khẩu rau quả tháng 6/2023 ước tính đem về gần 0,95 tỷ USD, tăng 2,6 lần so với tháng 6/2022. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả ước đạt 2,8 tỷ USD.
Xuất khẩu gạo trong tháng 6/2023 đem về 300 triệu USD. Lũy kế 6 tháng, xuất khẩu gạo được 4,2 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,32 tỷ USD. Giá gạo xuất khẩu bình quân 5 tháng đầu năm 2023 ước đạt 517 USD/tấn, tăng 5,8% so với cùng kỳ năm 2022 (489 USD/tấn).
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết Việt Nam có diện tích về trồng trọt không lớn nhưng giá trị xuất khẩu rau quả không thua kém các nước, nông sản đi tất cả các nước và vùng lãnh thổ.
“Với xu hướng công nghiệp hóa và dịch vụ, có thể giảm sản lượng, tuy nhiên, với việc tập trung vào chất lượng, ngoài sản phẩm tươi, cần gia tăng chế biến sản phẩm sâu,… Đồng thời, nếu có sự vào cuộc của các doanh nghiệp, hiệp hội, cơ quan chức năng thì mục tiêu xuất khẩu rau quả hoàn toàn có thể đạt được con số 10 tỷ USD”, ông Cường chia sẻ.
Theo ông Cường để đạt 10 tỷ USD xuất khẩu rau quả, Việt Nam cần tập trung vào chất lượng, ngoài sản phẩm tươi, cần đẩy mạnh khâu chế biến sâu. Hiện xuất khẩu không bị vướng phải hàng rào phi thuế quan, an toàn vệ sinh thực phẩm đảm bảo, gia tăng giá trị nông sản bằng những ngành phục vụ yêu cầu cao hơn, cần chiến lược, đầu tư xứng đáng của Nhà nước để đem về 10 tỷ USD.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu rau quả đạt gần 2,8 tỷ USD. Nếu 6 tháng cuối năm chúng ta giữ được nhịp độ này thì dự báo cả năm nay, xuất khẩu rau quả sẽ đạt trên 5 tỷ USD. Nếu làm tốt công tác giống, chế biến sâu, mở rộng thị trường, thì trong tương lai, con số 10 tỷ USD xuất khẩu rau quả khẳng định sẽ đạt được.
Hạt điều trong nửa đầu năm 2023 cũng tăng trưởng ấn tượng, đạt 1,6 tỷ USD, tăng 7,7% về giá trị so với 6 tháng đầu năm 2022. Giá xuất khẩu bình quân hạt điều của Việt Nam trong quý 2 của năm 2023 ước đạt mức 5.805 USD/tấn, giảm 2,3% so quý I và giảm 5% so với tháng 6/2022.
Ông Triệu Văn Lực - Phó Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm mạnh trong nửa đầu năm 2023. Giá trị xuất khẩu lâm sản nửa đầu năm 2023 đạt khoảng 6,42 tỷ, giảm 28%. Giá trị xuất siêu 5,32 tỷ USD, bằng 70% so với cùng kỳ.
Ông Lực lý giải, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sang 5 thị trường lớn là Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều sụt giảm mạnh do người tiêu dùng EU, Mỹ thắt chặt chi tiêu, cũng như việc ký kết và mở thêm đơn hàng mới không được phát triển thêm.
Bên cạnh đó, chi phí nguyên liệu, vật tư sản xuất đầu vào gỗ và sản phẩm gỗ tăng cao do ảnh hưởng xung đột Nga - Ukraina. Cùng với đó là tác động tức thì do điều tra chống lẩn tránh thuế, chống bán phá giá ván dán, tủ bếp, bàn trang điểm, hoàn thuế giá trị gia tăng.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, do chịu ảnh tác động của biến động kinh tế từ nhiều quốc gia, đặc biệt những quốc gia vốn là thị trường chính xuất khẩu sản phẩm nông lâm thủy sản của Việt Nam như là Mỹ khiến xuất khẩu một số mặt hàng bị sụt giảm đã tác động đến tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, vẫn có nhiều mặt hàng lại tăng mạnh về kim ngạch xuất khẩu như gạo, đặc biệt kim ngạch xuất mặt hàng rau quả và trái cây tăng kỷ lục.
Dự báo, thị trường các tháng cuối năm 2023 đã có những tín hiệu tích cực, Việt Nam vẫn có thể đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đã đề ra 55 tỷ USD.
“Để đạt mục tiêu kế hoạch này từ nay đến cuối năm 2023 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh sản xuất, đồng thời có các giải pháp xúc tiến mở rộng thị trường xuất khẩu”, ông Tiến cho hay.