Xuất khẩu phục hồi khiến giá cổ phiếu logistics tăng vọt
Xuất khẩu bắt đầu phục hồi từ giữa năm 2023 dẫn đến việc các cảng ở Việt Nam tăng công suất. |
Công suất tăng mạnh
Ông Michael Kokalari - Giám đốc phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường của VinaCapital cho biết, hoạt động xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ làm cho khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không và đường biển của Việt Nam tăng lên (ước tính) lần lượt 40% và 30% so với cùng kỳ năm trước trong quý I/2024.
Kết quả là, giá cổ phiếu của các công ty logistics hàng đầu trong nước như Gemadept (GMD), Cảng Sài Gòn (SGP) và CTCP Dịch vụ Hàng hóa Sài Gòn tập trung vào thương mại quốc tế đã tăng 50% so với cùng kỳ năm trước, vượt xa mức tăng 20% của chỉ số VN-Index.
Đầu năm 2023, các doanh nghiệp ở Mỹ và các nước phát triển khác đã cắt giảm đơn đặt hàng tại các nhà máy ở châu Á để giải quyết lượng hàng tồn kho tăng cao. Nhưng đến cuối năm ngoái, sự phục hồi xuất khẩu của Việt Nam đã bắt đầu khi quá trình giảm tồn kho kết thúc.
Đến đầu năm 2024, tổng kim ngạch thương mại của Việt Nam (tức là cả xuất khẩu và nhập khẩu) tăng trưởng với tốc độ 15%, và doanh thu từ dịch vụ xếp dỡ hàng hóa đường hàng không và đường biển đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Đó là một lý do khiến cổ phiếu của các công ty logistics tăng vọt trong năm nay.
"Xuất khẩu bắt đầu phục hồi từ giữa năm 2023 dẫn đến việc các cảng ở Việt Nam tăng công suất. Sự phục hồi này cùng với việc chi phí xếp dỡ tại cảng được Chính phủ điều chỉnh tăng khoảng 10% trong năm nay là những yếu tố ban đầu thúc đẩy cổ phiếu ngành logistics tăng giá trong năm qua", ông Michael Kokalari chia sẻ.
Doanh thu từ dịch vụ xếp dỡ hàng hóa đường hàng không và đường biển của các công ty logistics Việt Nam cũng kiếm được doanh thu đáng kể từ vận chuyển hàng hóa, bên cạnh nguồn doanh thu từ dịch vụ xếp dỡ.
Công suất tại khu phức hợp cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải, cách TP Hồ Chí Minh 60km, bao gồm các bến do Gemadept, Công ty CP Cảng Sài gòn và các công ty Logistics khác sở hữu và vận hành, dự kiến sẽ tăng hơn 10% vào năm tới, trong đó Gemadept sẽ tăng gấp đôi số bến mà họ vận hành tại Cái Mép-Thị Vải.
Công suất tại khu phức hợp cảng nước sâu Lạch Huyện gần Hải Phòng do một số doanh nghiệp nhà nước sở hữu và vận hành dự kiến sẽ tăng gấp 1,5 lần vào năm tới, bao gồm việc dự kiến tăng công suất 80% vào cuối năm 2024.
Chính phủ cũng đang xem xét xây dựng một cảng trung chuyển chuyên dụng tại Cần Giờ, gần Cái Mép-Thị Vải. Điều này có thể giúp Việt Nam cạnh tranh với Singapore và Hồng Kông về kinh doanh trung chuyển vì phí xử lý cảng của Việt Nam vẫn thấp hơn khoảng một nửa so với Singapore ngay cả sau khi tăng khoảng 10% phí xử lý cảng đã có hiệu lực vào đầu năm nay.
Phục hồi xuất khẩu hỗ trợ các khu công nghiệp
Giá cổ phiếu của các công ty vận hành khu công nghiệp đã tăng khoảng 50% so với cùng kỳ năm trước mặc dù mối liên hệ giữa việc phục hồi xuất khẩu của Việt Nam không ảnh hưởng trực tiếp đến sự tăng giá của cổ phiếu khu công nghiệp như với các công ty Logistics.
Nói ngắn gọn, xuất khẩu cao hơn đang khuyến khích dòng vốn FDI nhiều hơn FDI đăng ký mới đã tăng hơn 50% trong 5 tháng đầu năm 2024 lên gần 8 tỷ USD, tương đương 4% GDP và hầu hết các doanh nghiệp sản xuất đa quốc gia đều xây dựng nhà máy trong các khu công nghiệp.
Ngoài ra, các doanh nghiệp đa quốc gia sản xuất các sản phẩm công nghệ cao đang đẩy giá thuê khu công nghiệp lên cao, vì họ thường ít bị ảnh hưởng bởi giá thuê khu công nghiệp hơn so với các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm giá trị gia tăng thấp như hàng may mặc hay nội thất.
Theo ông Michael Kokalari, việc phục hồi xuất khẩu của Việt Nam được thúc đẩy bởi việc gia tăng xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao thường được vận chuyển bằng đường hàng không, tăng trưởng khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không của Việt Nam (tăng khoảng 40% so với cùng kỳ năm trước) đang vượt xa tăng trưởng khối lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển (tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm trước).
Xuất khẩu máy tính xách tay và các sản phẩm điện tử gia dụng khác đã tăng hơn 30% so với cùng kỳ năm trước trong 5 tháng đầu năm 2024, gấp đôi mức tăng trưởng xuất khẩu tổng thể 15% của cả nước, đang hỗ trợ dòng vốn FDI hiện tại từ các nhà sản xuất sản phẩm công nghệ cao.
Nguồn cung đất khu công nghiệp sẵn có còn hạn chế. Tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp ở phía Bắc, nơi thu hút phần lớn dòng vốn đầu tư FDI công nghệ cao mới, hiện đang ở mức trung bình trên 80% và tỷ lệ lấp đầy tại các khu công nghiệp ở khu vực TP Hồ Chí Minh là trên 90%.
Sự kết hợp giữa việc ít bị ảnh hưởng bởi giá của các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao và tỷ lệ lấp đầy cao đã đẩy giá thuê khu công nghiệp ở phía Bắc và phía Nam tăng lần lượt 35% và 15% vào năm ngoái. VinaCapital dự kiến mức giá này sẽ tăng thêm 7-10% trên toàn quốc trong năm nay.
Việc phục hồi xuất khẩu cũng giúp cổ phiếu ngành khu công nghiệp tăng giá. Điều này một phần do sự gia tăng xuất khẩu công nghệ cao đang thúc đẩy việc phục hồi xuất khẩu và khuyến khích dòng vốn FDI nhiều hơn từ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ cao – và các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm giá trị gia tăng cao có thể trả mức giá thuê khu công nghiệp cao hơn.