5 lý do để đồng yên Nhật có thể vượt ngưỡng 100 (JPY/USD)
Ảnh minh họa |
Các yếu tố thuận lợi đang hội tự để đồng yên Nhật có thể vượt qua ngưỡng 100 (JPY/USD) lần đầu tiên kể từ năm 2016, nhờ vào sự kết hợp của các luồng thương mại, vị trí của nhà đầu tư và sự phân kỳ của chính sách tiền tệ. Bộ trưởng Tài chính Nhật Taro Aso cũng đang chịu áp lực lớn bởi một thỏa thuận về đất đai gây tranh cãi...
“Chủ đề của năm 2018 là nguy cơ đồng đôla Mỹ phá vỡ ngưỡng 100 JPY/USD”, Masashi Murata - một nhà chiến lược tiền tệ của Brown Brothers Harriman ở Tokyo nói. Việc đồng yên Nhật ở trên mức đó sẽ là “không quá đáng nếu xét từ góc độ cơ bản của nó”.
Đồng yên Nhật đã tăng lên mức cao nhất trong 16 tháng là 105,25 JPY/USD trong tháng này, trước khi quay trở lại mức 106,55 JPY/USD trong phiên hôm thứ Hai, và các nhà đầu tư đang theo dõi sát mức 105 chính.
Dưới đây là 5 lý do cho thấy đồng yên Nhật có thể tiếp tục tăng lên và vượt qua mức 100 (JPY/USD), mức cao nhất kể từ tháng 8/2016.
Việc thoát khỏi kích thích của NHTW Nhật
NHTW Nhật (BOJ) đã giảm khối lượng mua trái phiếu hàng tháng của mình, một phần của chương trình nới lỏng định lượng của họ đã níu giữ sức mạnh của đồng yên. Lượng trái phiếu mà BOJ nắm giữ chỉ tăng khoảng 54 nghìn tỷ yên trong tháng 2 so với năm ngoái, mức tăng chậm nhất kể từ tháng 7/2013 và thấp hơn so với quy mô mà BOJ đưa ra khoảng 80 nghìn tỷ yên. Việc cắt giảm nhiều hơn có thể dẫn tới sự tăng giá của đồng yên.
Thống đốc BOJ Haruhiko Kuroda đã tuyên bố rõ ràng vào tuần trước rằng, chương trình kích thích hiện tại sẽ vẫn giữ nguyên trong một thời gian. Cũng có lo ngại rằng bất cứ khi nào đồng yên vượt qua ngưỡng 100 có thể thúc đẩy phản ứng chính sách nếu nó bị coi là gây tổn thương tới nỗ lực thúc đẩy nền kinh tế. Tuy nhiên, nhận xét của ông Kuroda vào ngày 2/3 rằng BOJ sẽ bắt đầu suy nghĩ về việc thoát khỏi chính sách kích thích trong năm tài chính 2019 ít nhất đã thúc đẩy kỳ vọng của thị trường về thời điểm bình thường hóa có thể xảy ra.
Kuroda đề cập đến vấn đề thoát khỏi khích thích là để các thị trường chuẩn bị cho việc cuối cùng BOJ cũng phải thoái lui, Daisuke Uno - chiến lược gia của tập đoàn Sumitomo Mitsui Banking ở Tokyo nói. “Với việc giảm mua trái phiếu, BOJ đã đặt nền tảng cho việc thoát khỏi kích thích. Nó chỉ không nói như vậy”.
Thặng dư tài khoản vãng lai
Sự gia tăng thặng dư tài khoản vãng lai của Nhật Bản là một yếu tố gây áp lực tăng giá đối với đồng yên. Đồng tiền này có khuynh hướng theo sát thước đo rộng nhất của thương mại quốc tế với độ trễ 12 tháng. Dữ liệu của chính phủ cho thấy thặng dư thương mại của Nhật đã tăng lên cao nhất trong gần 1 thập niên vào tháng 1.
Vị thế nắm giữ của các quỹ phòng hộ
Các quỹ đòn bẩy đang cắt giảm dẫn các khoản đặt cược vào sự giảm giá của đồng nội tệ của Nhật kể từ ngày 9/1, theo dữ liệu do Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai của Mỹ công bố. Tuy nhiên, khi các quỹ vẫn giữ vị thế bán ròng ngắn hạn, việc bán thêm các vị thế này có thể dẫn tới việc tăng giá trị đồng yên. Công ty Nader Naeimi của tập đoàn AMP Capital Investor Ltd. và Kit Trading Fund Ltd. cho biết tháng trước rằng họ đang đánh cược sức mạnh của đồng yên.
Chỉ báo kỹ thuật
Tỷ giá đôla Mỹ/yên đã có xu hướng giảm kể từ đầu năm nay và tiếp cận ngưỡng hỗ trợ chính là 105 vào ngày 2/3. “Không có sự hỗ trợ mạnh mẽ dưới mức 105, do đó khi đồng đôla Mỹ bắt đầu giảm, nó sẽ giảm khá nhanh”, Murata của BBH nói.
Chính trị
Cuối cùng, Bộ trưởng Tài chính Nhật Taro Aso đang chịu áp lực phải từ chức vì một vụ bê bối về những lời cáo buộc ủng hộ cho một trường học có quan hệ với Thủ tướng Nhật Shinzo Abe. Vụ scandal này có thể sẽ không làm ảnh hưởng đến sự cầm quyền của Đảng Dân chủ Tự do sau thắng lợi vang dội tại cuộc tổng tuyển cử vào mùa thu năm ngoái. Tuy nhiên, nó có thể ảnh hưởng đến khả năng Abe, chính quyền của ông đã ủng hộ một đồng yên yếu, sẽ trở thành lãnh đạo lâu nhất của Nhật Bản.
Như Murata đã nói: “thời kỳ đồng yên yếu sẽ chấm dứt khi Abenomics kết thúc”.