ADB sẽ tăng cường cho vay khu vực tư nhân Việt Nam
Trong chuyến thăm hai ngày tới Việt Nam để thảo luận về việc tăng cường quan hệ đối tác giữa ADB với Việt Nam và các ưu tiên hợp tác trong tương lai, Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) Takehiko Nakao đã hội kiến Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Ông Nakao cũng gặp gỡ Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Chủ tịch ADB Takehiko Nakao |
Tại các cuộc gặp, ông Nakao đã ca ngợi những cải cách kinh tế và thành công trong điều hành kinh tế vĩ mô gần đây của Việt Nam. Ông cũng tái khẳng định rằng ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho Chính phủ thông qua các khoản cho vay Chính phủ trị giá khoảng 1 tỷ USD mỗi năm cùng lúc ADB đang xây dựng chiến lược Đối tác quốc gia mới cho giai đoạn 2016-2020.
Mục tiêu trọng tâm của chiến lược này là giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng đều và bền vững với môi trường hơn, phù hợp với Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 của Việt Nam cũng như quan hệ hợp tác với các đối tác phát triển.
“Vấn đề mấu chốt là Việt Nam cần tiếp tục thực thi những chính sách kinh tế phù hợp và cải cách cơ cấu theo chiều sâu. Đặc biệt quan trọng là cải cách các doanh nghiệp Nhà nước thông qua giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, nâng cao quản trị doanh nghiệp và tăng cường hiệu quả tài chính. Chính phủ cũng cần xử lý những khoản nợ xấu, gia tăng nguồn thu từ thuế và nâng cao hiệu quả chi tiêu công” - ông Nakao cho biết tại cuộc họp báo vừa diễn ra nhân kết thúc chuyến thăm.
ADB kỳ vọng Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, bằng với mức của năm 2015, và lạm phát ở mức 3% dù có nguy cơ suy giảm do tình trạng hạn hán nghiêm trọng đang tiếp diễn. Tăng trưởng được dự báo ở mức 6,5% trong năm 2017.
Việt Nam đã đạt được hầu hết các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ trước thời hạn. ADB sẽ hỗ trợ Việt Nam trong các nỗ lực nhằm đạt được nhiều Mục tiêu Phát triển bền vững. Trong lĩnh vực y tế, ADB sẽ hỗ trợ để mở rộng các trung tâm y tế cộng đồng và tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế so với mức 76% hiện nay.
Trong lĩnh vực giáo dục, ADB sẽ tăng cường hỗ trợ theo chiều sâu để cải thiện chất lượng giáo dục trung học và mở rộng hỗ trợ cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo kỹ thuật và dạy nghề.
ADB sẽ hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, gồm đường bộ và các hệ thống vận chuyển hành khách công cộng số lượng lớn, truyền tải và phân phối điện năng, năng lượng tái tạo, điện khí hóa nông thôn, cơ sở hạ tầng đô thị, thủy lợi và quản lý tài nguyên nước. ADB cũng sẽ tiếp tục tăng cường tính kết nối trong khuôn khổ Chương trình hợp tác Tiểu vùng sông Mê-kông, gồm cả Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Đồng thời, giúp Việt Nam thích nghi và giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu cũng là những lĩnh vực quan trọng mà ADB sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và các khoản vay. ADB sẽ giúp Chính phủ xây dựng các chính sách rõ ràng và nhất quán về mức phân bổ năng lượng hợp lý để bảo đảm đáp ứng các cam kết của Việt Nam ở COP21, dựa trên phân tích kỹ lưỡng về lợi ích - chi phí của các nguồn năng lượng khác nhau, gồm cả giảm dần chi phí của năng lượng tái tạo theo thời gian.
Ông Nakao cho biết, với các dự án cơ sở hạ tầng, ADB sẽ hợp lý hóa các quá trình phê duyệt, hỗ trợ thực hiện và phân quyền nhiều hơn cho các cơ quan đại diện thường trú. ADB cũng đang điều chỉnh các thiết kế dự án và thủ tục đấu thầu để thúc đẩy việc sử dụng những công nghệ sạch hơn và tiên tiến hơn trong các dự án của mình nhằm chống biến đổi khí hậu, phát huy những tác động phát triển và giảm bớt chi phí vòng đời - gồm cả chi phí bảo trì và duy trì bền vững - của các tài sản hạ tầng.
ADB sẽ tăng cường cho vay và đầu tư cổ phần trong khu vực tư nhân, nhất là trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. ADB cũng sẽ hỗ trợ chuẩn bị các dự án trọng điểm theo mô hình đối tác công tư (PPP), phù hợp với khung pháp lý thống nhất về PPP đã được ADB hỗ trợ.