Áp lực đối với hàng nội
Thiếu cạnh tranh và liên kết: Hàng nội khó đặt chân vào siêu thị | |
Hàng nội lép vế ở thị trường nội |
Hàng ngoại xâm nhập
Sau một thời gian có mặt tại Việt Nam, từ năm 2002 Mettro (Đức) đã bắt đầu có những hợp đồng thương thảo về việc chuyển nhượng lại cho Tập đoàn Berli Jucker (Thái Lan). Cùng với đó, hệ thống các siêu thị lớn, nhỏ có mặt ở Việt Nam đang được chuyển nhượng, bàn giao cho người Thái tiếp quản. Việc chuyển nhượng như vậy không có gì là lạ trong bối cảnh nền kinh tế đang hội nhập.
DN bán lẻ trong nước đang chịu nhiều áp lực |
Với các điều khoản tuân thủ theo nguyên tắc chung, người tiêu dùng Việt Nam sẽ có cơ hội thoải mái lựa chọn chất lượng hàng hoá. Bởi hầu hết tâm lý chung là người tiêu dùng không quan tâm đến sản phẩm hàng hoá đến từ nước nào nhưng chất lượng luôn được xem như yếu tố hàng đầu để lựa chọn.
Mới đây nhất, khi thương vụ giữa Tập đoàn Central Group đến từ Thái Lan mua lại hệ thống BigC thì gần như hệ thống bán buôn, bán lẻ của Việt Nam đã bị ông chủ người Thái thâu tóm. Với quy luật cũng như lộ trình bài bản trong khâu đưa hàng Thái xâm nhập vào thị trường Việt Nam, các chuyên gia lo ngại, liệu hàng Việt có còn chỗ đứng ngay trên “sân nhà”?
Bởi trước đó, theo thống kê của Cục Hải quan Việt Nam, hàng Thái Lan đang ồ ạt tràn vào trong nước một cách mạnh mẽ. Từ rau, củ quả cho đến các mặt hàng thiết yếu trong cuộc sống, các DN Thái Lan đã đưa vào Việt Nam với số lượng rất lớn. Đơn cử, tại Nghệ An đến thời điểm hiện nay, BigC Vinh chưa áp dụng việc bày bán hàng hoá đến từ Thái Lan nhưng theo lộ trình, đây cũng là 1 trong 32 hệ thống bán buôn, bán lẻ sẽ thuộc sự quả lý, thâu tóm của Tập đoàn Berli Jucker.
Theo các chuyên gia, hiện nay không chỉ Thái Lan mà các mặt hàng của nước ngoài đã chiếm khoảng 50% thị phần trên thị trường bán buôn, bán lẻ trong nước. Điều này, đồng nghĩa với việc DN trong nước sẽ gặp không ít khó khăn để đứng vững trên thị trường.
Bởi, lộ trình mà các tập đoàn Thái Lan đưa ra là sau khi thương thảo việc mua lại hệ thống bán buôn, bán lẻ thành công, họ sẽ đầu tư tất cả các khâu từ sản xuất đến phân phối hàng hoá. Và, theo dự báo của các chuyên gia thì trong tương lại gần, những hàng hoá mang mác “Made in Thailand” sẽ tràn ngập khắp thị trường Việt Nam.
Cần chiến lược dài hơi
Có nhiều nguyên nhân được các chuyên gia đưa ra về việc vì sao những ông chủ Thái Lan lại có thể dễ dàng mua lại hệ thống bán buôn, bán lẻ lớn, có thương hiệu lâu nay đang tồn tại trong nước. Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, xu hướng liên kết, mở cửa để hội nhập sâu rộng là điều không thể tránh khỏi trong bối cảnh hiện nay.
Tuy nhiên, những tập đoàn lớn như Thái Lan đang thâu tóm thị phần bán hàng trên thị trường trong nước đang trở thành mối lo ngại cho DN trong nước. Nếu các ông chủ Việt Nam không có kế hoạch dài hơi trong chiến lược kinh doanh hàng hoá nội địa thì khó đứng vững được. Một mặt vì lợi tức sau khi xây dựng thành công thương hiệu rồi chuyển lại, mặt khác không đủ sức cân đối, nâng cao chất lượng hàng hoá đang đặt ra nhiều thách thức.
Trong những năm qua, các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương đang ra sức vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” để kích cầu trong nước. Nhiều kết quả đã đạt được trong thời gian qua như việc hàng Việt Nam đang được người dân tin tưởng, ưa chuộng. Tuy nhiên, một thực tế có thể dễ nhận thấy rằng, yêu cầu về chất lượng hàng hoá đang là thước đo để người tiêu dùng lựa chọn. Trong khi, hàng hoá nước ngoài lại coi trọng vấn đề này.
Mặc dù, giá cả có thể cao hơn từ 5-10% với cùng một loại sản phẩm được sản xuất như nhau nhưng người tiêu dùng trong nước vẫn thích “sính ngoại” hơn bởi chất lượng là điều quyết định cho việc lựa chọn của mình.
Ông Trần Anh Sơn, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội DN tiêu biểu Nghệ An cho rằng, trước yêu cầu hội nhập sâu rộng, các DN trong nước phải có chiến lược tốt, phải dài hơi mới mong đứng vững trên thị trường được. Trước động thái một số tập đoàn bán lẻ lớn của nước ngoài đang thâu tóm thị trường nội địa, hệ thống bán buôn, bán lẻ ở Việt Nam nói chung và trên địa bàn Nghệ An nói riêng sẽ bị ảnh hưởng rất lớn.
Đơn cử, không chỉ ở các siêu thị lớn hiện nay trên khắp các con phố chính của TP. Vinh như, Nguyễn Văn Cừ, Lê Hồng Phong, Nguyễn Sỹ Sách, Phong Định Cảng, Lê Duẩn, Nguyễn Duy… các cửa hàng Thái Lan, Nhật Bản đã len lỏi để chứng tỏ sức cạnh tranh của mình trên thị trường ở Việt Nam.
Còn theo cảnh báo của các chuyên gia kinh tế, việc DN nước ngoài đầu tư, mua lại hệ thống bán lẻ trong nước như hiện nay đang đặt ra nhiều thách thức cho thị trường nội địa. Ngoài ra, là quốc gia có dân số đứng thứ 14 thế giới, Việt Nam trở thành thị trường đầy tiềm năng với nhiều tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới.
Thực tế đã chứng minh là trong suốt thời gian qua, nhiều tập đoàn lớn nước ngoài đã chọn Việt Nam làm “bến đỗ” cho nhiều mặt hàng để từng bước xây dựng thị trường bán lẻ hùng mạnh. Chính vì vậy, để trụ vững và chiếm lĩnh thị trường nội địa, không bị thua thiệt ngay trên “sân nhà” là bài toán không đơn giản với các DN nội địa, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay.
Trước tình hình đó, nhiều người cho rằng DN bán lẻ trong nước cần phải đặt ra cho mình chiến lược kinh doanh dài hơi, đồng thời phải chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa. Bên cạnh đó, các cấp, ngành cũng cần có cơ chế quan tâm tới việc kích cầu trong nước, nhất là hỗ trợ các sản phẩm trong nước xây dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường.