Áp lực trả nợ đang tăng gấp đôi
Đến 7/2017, Ngân hàng Thế giới có thể chấm dứt ODA cho Việt Nam. Ngân hàng Phát triển châu Á và các tổ chức đa phương cũng sẽ giảm dần ODA ưu đãi… Như vậy, các khoản vay còn lại sẽ phải tăng áp lực trả nợ lên gấp đôi đồng nghĩa tốc độ trả nợ tăng lên, chi phí cũng tăng lên. Hiện ODA ưu đãi lãi suất chỉ 1% nhưng tới đây lãi suất có thể tăng lên 2%-3,5%.
Đây là những thông tin được ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) đưa ra tại cuộc họp báo ngày 22/3/2016 của Bộ Tài chính.
Ảnh minh họa |
Buổi họp báo công bố việc thực hiện cơ chế cho vay lại vốn ODA theo Chỉ thị 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc: tăng cường cho vay lại chính quyền địa phương và cho vay lại chịu rủi ro tín dụng thông qua cơ quan cho vay lại đối với nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ.
Đây là cơ chế chia sẻ trách nhiệm gánh nợ giữa Trung ương và địa phương, gắn trách nhiệm giữa vay nợ với trả nợ.
Tổng số vốn ODA, vay ưu đãi được ký kết từ năm 2005 đến 2015 khoảng 45 tỷ USD được phân bổ làm 3 phần: 1/3 số vốn cho ngân sách trung ương để cấp phát cho các chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của Ngân sách trung ương, 1/3 dành cho các chương trình, dự án của địa phương và 1/3 để cho vay lại các dự án trọng điểm của Nhà nước.
Trong tổng số vốn dành cho chương trình, dự án của địa phương, tỷ trọng vốn cấp phát chiếm 92,2%; cho vay lại chỉ chiếm 7,8%.
Đối với phần vốn để cho vay lại các dự án đầu tư trọng điểm của Nhà nước (khoảng 15 tỷ USD) cho đến nay Chính phủ vẫn chịu toàn bộ các rủi ro tín dụng. Cơ quan cho vay lại chỉ có vai trò là ngân hàng phục vụ và hưởng phí dịch vụ.
“Cơ chế áp dụng bấy lâu nay có tính bao cấp theo cách vốn ODA được cấp phát ngân sách hay cho vay lại mà Nhà nước chịu toàn bộ rủi ro (ví như rủi ro tỷ giá) trong thời gian kéo dài khiến tạo ra sức ỳ. Với dự án của ngành, của địa phương được vay dài hạn tới 30, 40 năm, chi phí thấp và rủi ro không phải gánh thì “trách nhiệm trả nợ cũng thế thôi”, theo ông Long.
Hơn nữa, bên cạnh những lợi ích ODA mang lại, chính sự ưu đãi khiến xảy ra tình trạng đầu tư dàn trải, sử dụng vốn kém hiệu quả và sự phân bổ nguồn lực thiếu hợp lý, mức độ tiếp cận nguồn vốn của các địa phương miền núi, khó khăn thường hạn chế hơn các tỉnh, thành phố lớn.
Đã đến lúc phải xóa bao cấp và phải tạo sức ép xóa sức ỳ, gắn trách nhiệm vay nợ với trả nợ.
Nhà nước chỉ nên tập trung nguồn vốn ODA ưu đãi vào những lĩnh vực then chốt, các dự án công trình trọng điểm, các tỉnh khó khăn và thu hẹp phạm vi cấp phát từ ngân sách Nhà nước và giảm tính bao cấp của Nhà nước trong cơ chế sử dụng vốn vay nước ngoài.
Đối với cho vay lại chính quyền địa phương, tỷ lệ cho vay lại được xác định theo điều kiện của nguồn vốn (vay ODA và vay ưu đãi). Tỷ lệ cho vay lại vốn ODA dự kiến chia làm 5 nhóm bao gồm 3 nhóm đối với các tỉnh nhận trợ cấp từ ngân sách trung ương (theo mức độ trợ cấp) và 2 nhóm đối với các tỉnh điều tiết về ngân sách trung ương. Đối với vốn vay ưu đãi, tỷ lệ cho vay lại chia làm 2 nhóm gồm nhóm các tỉnh nhận trợ cấp và nhóm các tỉnh có điều tiết về trung ương.
Các địa phương có tiềm lực tài chính khá và đặc biệt các địa phương có khả năng điều tiết ngân sách về trung ương thì phải chia sẻ gánh nặng nợ với ngân sách trung ương thông qua cơ chế cho vay lại chính quyền địa phương.
Đối với các lĩnh vực, các dự án có khả năng hoàn vốn và có khả năng huy động từ các thành phần kinh tế thì phải chuyển dần sang cơ chế thị trường thông qua cơ chế cho vay chịu rủi ro. Về lâu dài sẽ thực hiện đúng theo cơ chế thị trường.
Theo ông Long, các tỉnh khó khăn nhất sẽ được áp dụng tỷ lệ vay lại vốn ODA chỉ là 10% và vẫn cấp phát khoảng 90%. Một số địa phương khác "khá hơn" sẽ có tỷ lệ vay lại khoảng 20%-30%. Với địa phương ngân sách dồi dào hơn thì có thể áp dụng cơ chế 50-50, tức là Nhà nước hỗ trợ 50%, địa phương tự vay lại 50%. Riêng với Hà Nội, Sài Gòn dự kiến sẽ áp dụng tỷ lệ 80-20, đồng nghĩa Nhà nước hỗ trợ 20%, địa phương tự vay lại 80%.
Đối với cơ chế cho vay lại nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro tín dụng, ông Long cho biết, trước đây, các tổ chức tín dụng chỉ có trách nhiệm “giải ngân hộ và thu nợ hộ” các khoản ODA cho vay lại theo các địa chỉ dự án được định sẵn. Nay, theo cơ chế mới, đặt cao vai trò và trách nhiệm của các tổ chức tín dụng.
Căn cứ tính chất nguồn vốn và mức độ ưu đãi về điều kiện cho vay lại hiện hành, tỷ lệ chịu rủi ro tín dụng của Cơ quan cho vay lại như sau: Đối với cho vay lại vốn ODA, trường hợp dự án thuộc Danh mục ngành, lĩnh vực hưởng mức lãi suất ưu đãi khi vay lại nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Quyết định số 29/2011/QĐ-TTg ngày 1/6/2011 tối đa 30%, trường hợp dự án không thuộc Danh mục này tối thiểu 30%; đối với cho vay lại vốn ưu đãi, tối thiểu 50%. Mức chênh lệch lãi suất mà các Cơ quan cho vay lại hưởng tương ứng các tỉ lệ chịu rủi ro tín dụng nêu trên là tối đa 0,3%/năm, 0,5%/năm, 1%/năm.
Việc thực hiện 2 cơ chế mới nhằm tăng tính công khai minh bạch trong quản lý, sử dụng nguồn vốn vay, đồng thời tăng trách nhiệm của tất cả các chủ thể liên quan đến quản lý và sử dụng nguồn vốn vay.
“Sức ép tương lai gần đang buộc chúng ta phải chuyển nhanh”, ông Long nói.
Từ năm 2010, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình. Mức độ ưu đãi của các khoản cho vay của các đối tác phát triển dành cho Việt Nam đang giảm rõ rệt. Giai đoạn trước năm 2010, thời hạn vay bình quân khoảng từ 30-40 năm, với chi phí vay khoảng 0,7-0,8%/năm, bao gồm thời gian ân hạn. Giai đoạn từ 2011-2015, thời hạn vay bình quân chỉ còn từ 10-25 năm, tùy theo từng đối tác và từng loại vay; với chi phí vay khoảng 2%/năm trở lên. Nhiều nhà tài trợ đã chuyển từ nguồn vốn ODA sang nguồn vốn vay hỗn hợp. Dự kiến đến tháng 7/2017, Việt Nam có thể không còn được vay theo điều kiện ODA, phải chuyển chủ yếu sang sử dụng nguồn vay ưu đãi và tiến tới vay theo điều kiện thị trường. Nguồn vốn ODA đã vay chuyển sang điều khoản trả nợ nhanh gấp đôi hoặc tăng lãi suất lên từ 2% - 3,5%. |