Ba ngành dịch vụ có cơ hội phát triển từ CPTPP
Cơ hội rộng mở
Theo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phân phối - thương mại điện tử - logistics là các dịch vụ quan trọng trong nền kinh tế, phục vụ sản xuất hàng hóa. Đây cũng là những lĩnh vực có nhiều cam kết đáng chú ý trong CPTPP theo hướng mở cửa thị trường của Việt Nam cao hơn cam kết Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), đặt ra giới hạn đối với quản lý Nhà nước, bảo đảm cạnh tranh và minh bạch của thị trường.
Toàn cảnh hội thảo |
Với việc CPTPP chính thức có hiệu lực từ ngày 14/1/2019, theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI, ngành phân phối, đặc biệt là thị trường bán lẻ đang đứng trước nhiều cơ hội để phát triển nhờ các cam kết trong CPTPP nói riêng và hội nhập nói chung. Vì thế, cơ hội của ngành này là gia tăng quy mô thị trường nhờ tăng trưởng GDP và thu nhập của người dân.
Ngân hàng Thế giới (WB) tính toán rằng CPTPP sẽ giúp tăng GDP của Việt Nam thêm 1,1-3,5%. Ngoài ra, CPTPP còn giúp tăng nguồn cung hàng hóa cho ngành phân phối, bán lẻ từ các cam kết về thương mại hàng hóa.
Bên cạnh đó, CPTPP còn là cơ hội gia tăng hoạt động thương mại điện tử, đặc biệt là thương mại điện tử qua biên giới. Bởi các cam kết tại đây sẽ tạo ra khung khổ pháp lý an toàn, ổn định và có thể dự đoán được, làm tiền đề thúc đẩy thương mại điện tử.
Điểm đáng chú ý, nhóm cam kết trong CPTPP sẽ giúp 3 phân ngành phân phối, thương mại điện tử và logistics phát triển. Đơn cử như cam kết về loại bỏ thuế quan và hàng rào phi thuế quan sẽ tạo điều kiện gia tăng nguồn cung hàng hóa cho phân phối, thương mại và tăng cầu cho dịch vụ logistics.
Cam kết về hải quan sẽ tạo thuận lợi thương mại, các biện pháp phi thuế tạo cơ hội giảm chi phí kinh doanh. Còn cam kết về mở cửa thị trường các dịch vụ phục vụ sản xuất (như tài chính, viễn thông...) tạo cơ hội giảm chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp
Độ mở không quá nhiều
Dù khẳng định mức độ mở cửa thị trường đối với các lĩnh vực phân phối, thương mại điện tử và logistics cao hơn so với WTO, tuy nhiên bà Trang cho rằng, độ mở cũng không phải quá nhiều.
Đơn cử như đối với ngành phân phối, trong WTO, hầu như Việt Nam đã mở cửa thị trường gần hết, chỉ còn lại 2 loại hàng hóa nhà đầu tư nước ngoài không được phép phân phối và vấn đề đánh giá nhu cầu kinh tế.
Ngành thương mại điện tử được đánh giá có cơ hội lớn từ CPTPP |
Tương tự, đối với thương mại điện tử, các cam kết mở cửa thị trường trong CPTPP cũng không cao hơn bao nhiêu so với WTO, mức độ cạnh tranh đối với lĩnh vực này cũng sẽ không quá lớn. Tác động tích cực từ CPTPP thông qua mở cửa thị trường hàng hóa, thuận lợi hóa thương mại… sẽ giúp cho thương mại điện tử, bán lẻ hoạt động đa dạng, sôi động hơn nhiều, bởi có nguồn hàng hóa lớn và đa dạng.
Đánh giá về những tác động của CPTPP đối với ngành phân phối, bán lẻ, bà bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam khẳng định, CPTPP sẽ có những tác động đến ngành phân phối, bán lẻ Việt Nam do mức độ mở cửa thị trường cao hơn, rộng hơn so với trong WTO.
“Dù vậy, trong hơn 10 năm qua, sau khi gia nhập WTO, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đã được tôi luyện, thử thách qua những thăng trầm, nên về cơ bản họ đã chuẩn bị tinh thần và chấp nhận mở cửa, cạnh tranh cao. Cam kết CPTPP cũng sẽ không làm thay đổi cục diện của thị trường, các doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam hoàn toàn tự tin cạnh tranh trong môi trường này”, bà Loan tin tưởng.
Trong ngành logistics, đại diện VCCI cho biết, về tiếp cận thị trường CPTPP không có nhiều thay đổi so với WTO, cho nên cạnh tranh không nhiều, do đó không ảnh hưởng đến các nhà logistics nội địa. Tuy nhiên, tác động khác của CPTPP làm tăng hoạt động xuất nhập khẩu nên tăng nguồn khách hàng lớn cho nghành logistics
“Cũng phải nói đến một phần rất quan trọng làm cho logistics ở Việt Nam bị đội lên đó là một phần chi phí phải xử lý những vấn đề liên quan đến việc luân chuyển hàng hóa, hải quan, vấn đề xuất nhập khẩu, điều kiện thủ tục thuế quan”, bà Trang cho hay.
Điểm nổi bật trong CPTPP đó là những cam kết về hàng rào phi thuế quan phải giảm, và cam kết về tạo điều kiện thương mại, chính những điều kiện quan trọng đó góp phần làm giảm chi phí logistics và nhìn một góc xa hơn thì sẽ giúp làm giảm chi phí sản xuất có lợi cho doanh nghiệp. “Ngoài ra, cần cho cái nhìn rộng hơn về các cam kết mở cửa để chúng ta có nhiều cái mới, có nhiều cơ hội cạnh tranh và học hỏi”, bà Trang nói thêm.