Bán lẻ hiện đại: Loay hoay tìm lối đi
Chọn đúng “khẩu vị” người tiêu dùng
Đây là lời khuyên của các chuyên gia dành cho các DN bán lẻ trong nước. Từ kinh nghiệm kinh doanh của mình, ông Phan Thành Duy - đại diện Trung tâm thương mại SC Vivo City, chia sẻ, một điều tưởng chừng như đơn giản nhưng lại được rất nhiều khách hàng quan tâm khi đến các trung tâm mua sắm hiện nay đó là tiện ích wifi miễn phí dành cho khách hàng.
“Với xu hướng sử dụng smartphone như hiện nay, việc đầu tiên khi khách hàng đặt chân tới một địa điểm là “tìm wifi”. Các nhà bán lẻ cần quan tâm tới các ứng dụng công nghệ như một cách thức tiện lợi nhất đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng”, ông Duy cho biết.
Người tiêu dùng vẫn thích “sờ tận tay” |
Trên thực tế, người tiêu dùng hiện nay đang ngày càng thích mua sắm theo mô hình đặt hàng trực tuyến và nhận hàng tại nhà. Theo đó, khách hàng đề cao sự tiện lợi và kết nối thông qua thế giới số, do đó đơn vị bán lẻ nào có thể đáp ứng được những yêu cầu này thì sẽ có lợi thế thị trường.
Bên cạnh đó, theo Nielsen Việt Nam, sức hút của các trung tâm mua sắm không mất đi nhờ khả năng giúp khách hàng tương tác với các thương hiệu yêu thích của họ trong một không gian rộng mở, thiết kế đẹp đẽ, môi trường thú vị và đậm chất văn hóa.
Về điều này, bà Châu Ngọc Hạnh, Trưởng phòng dịch vụ tư vấn nhà bán lẻ Nielsen cho biết, người tiêu dùng vẫn thích “sờ tận tay” và vẫn có thói quen “nhìn, cảm và thử sản phẩm” hơn là chỉ nhìn hình và rồi đặt niềm tin mơ hồ vào một nhà cung ứng nào đó.
Đồng thời, theo báo cáo của Google Shopper Marketing Council, gần một nửa số người tiêu dùng sử dụng điện thoại thông minh của họ trên 15 phút để tìm thông tin sản phẩm và so sánh giá cả.
Do vậy, theo thống kê về thói quen tiêu dùng gần đây, 90% người tiêu dùng tìm hiểu về sản phẩm hoặc cửa hàng trước khi đi mua hàng, 70% số đó sẽ có hành động tiếp theo hoặc là tìm địa chỉ, tìm website hoặc gọi điện, và hơn 20 triệu người dùng smartphone với thói quen: kiểm tra ngay có wifi trong cửa hàng, siêu thị hay không. Hay nói cách khác, “wifi như lời chào đầu tiên mà cửa hàng gửi đến vị khách của mình”, đại diện Nielsen khuyến cáo.
Chọn mặt gửi vàng
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, sự đổ bộ của các tập đoàn nước ngoài vào Việt Nam cũng là điều khó tránh khỏi. Do vậy, các chuyên gia cũng đưa ra khuyến cáo dành cho DN bán lẻ trong nước, đó là hãy chọn cho mình một cách đi khôn ngoan để không trở thành kẻ tụt hậu so với các tập đoàn nước ngoài.
Và một trong những cách để các DN bán lẻ nội chuyển mình là hợp nhất và sáp nhập (M&A). Theo ông Vaughan Ryan - Giám đốc điều hành Nielsen Việt Nam, việc các nhà bán lẻ sẽ tập trung tham gia thị trường Việt Nam là điều không tránh khỏi, vì thị trường đang rất nhiều tiềm năng, mức đóng góp của các kênh bán lẻ hiện đại vẫn còn thấp so với các nước trong khu vực.
“M&A là cơ hội để học hỏi kinh nghiệm quản lý của các nhà bán lẻ nước ngoài, từ đó phát triển hơn nữa”, ông Vaughan Ryan đánh giá.
Tuy nhiên, ông Vaughan Ryan cũng cho rằng, các DN bán lẻ nội cần phải cẩn trọng, tránh bị các tập đoàn bán lẻ nước ngoài thâu tóm và nuốt trọn.
Về vấn đề này, bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam cũng cho rằng, M&A là cần thiết, là cơ hội để các DN bán lẻ trong nước học hỏi và phát triển, nhưng các nhà bán lẻ nội cũng cần phải hiểu rằng, liên kết không phải bao giờ cũng mang lại một kết quả tốt. Bởi vậy từng DN phải có một cách làm riêng.