Bất cập quản lý xuất khẩu gỗ nguyên liệu
Hạn chế nhưng vẫn… gia tăng
Chiến lược Phát triển lâm nghiệp của quốc gia đến năm 2020 nêu rõ, “giảm dần chế biến dăm giấy xuất khẩu”. Tương tự, đề án tái cơ cấu ngành lâm nghiệp cũng từng nhấn mạnh, hạn chế tối đa xuất khẩu sản phẩm thô, bao gồm cả dăm gỗ.
Cụ thể hơn, để hạn chế tình trạng xuất khẩu gỗ dăm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có kiến nghị Chính phủ tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ từ 0% lên 5 - 10%. Đồng thời, áp mức thuế giá trị gia tăng 10%, thuế thu nhập DN lên đến 25% đối với DN sản xuất dăm gỗ…
Việc quản lý xuất khẩu gỗ dăm còn nhiều bất cập |
Tuy nhiên, trong thực tế trái với chủ trương của các cơ quan chức năng, việc xuất khẩu gỗ dăm vẫn có chiều hướng gia tăng. Tại khu vực miền Trung, nhiều địa phương như Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Nam hay Quảng Ngãi… có điều kiện thuận lợi cho việc chế biến, xuất khẩu gỗ dăm.
Thời gian gần đây, tình hình xuất khẩu dăm gỗ vẫn tăng trưởng ở một số địa phương mặc dù đã có chủ trương hạn chế. Điển hình như tại Quảng Ngãi, một trong những “thủ phủ” xuất khẩu gỗ dăm của cả nước. Trên địa bàn tỉnh những năm gần đây, gỗ dăm vẫn là mặt hàng xuất khẩu tăng mạnh.
Theo đó, kim ngạch xuất khẩu năm 2015 của Quảng Ngãi ước giảm 34%, nhưng mặt hàng gỗ dăm lại tăng 9% so với năm 2014. Hiện, toàn tỉnh có đến 21 nhà máy chế biến dăm gỗ, tập trung nhiều tại Khu Kinh tế Dung Quất, với công suất chế biến của các nhà máy đạt khoảng 1,5 triệu tấn gỗ tươi/năm.
Thực tế, không chỉ riêng tại Quảng Ngãi, ở nhiều địa phương khác, có rất nhiều DN chế biến lâm sản khi đăng ký kinh doanh với cơ quan chức năng thường sản xuất các sản phẩm như gỗ dăm, gỗ xẻ… Tuy nhiên, trong thực tế các DN này hầu như chủ yếu sản xuất một mặt hàng duy nhất là gỗ dăm để xuất khẩu…
Có thể nói, trong một thời gian dài ngành chế biến, xuất khẩu gỗ dăm của Việt Nam liên tục phát triển quá nhanh. Từ năm 2011, Việt Nam đã trở thành một trong những quốc gia có lượng dăm gỗ xuất khẩu lớn nhất trên thế giới. Hiện, thị trường nhập khẩu dăm gỗ lớn nhất của Việt Nam vẫn là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan. Trong đó, tại thị trường Trung Quốc vẫn luôn tiềm ẩn nhiều biến động về giá, khiến không ít lần các DN xuất khẩu trong nước phải lao đao.
Tại hội thảo “Vai trò của gỗ nguyên liệu nhập khẩu trong ngành chế biến gỗ Việt Nam, hướng đi nào cho ngành chế biến dăm gỗ xuất khẩu”, do Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Bình Định và Tổ chức Forest Trends… tổ chức, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Forest Trends đã cho rằng, ngành chế biến và xuất khẩu gỗ dăm của Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển nóng do số lượng các nhà máy chế biến tiếp tục tăng. Điều này dẫn đến việc cạnh tranh giữa các DN về nguồn cung nguyên liệu, thậm chí cạnh tranh không lành mạnh.
Hạn chế hay không?
Gỗ dăm là nguyên liệu thô, do vậy nhiều người lo ngại về việc phát triển quá nhanh của ngành dăm gỗ sẽ làm tăng tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ trong nước.
Bởi, hiện nguyên liệu từ trong nước mới chỉ cung cấp khoảng 10% nhu cầu về nguyên liệu cho chế biến xuất khẩu, còn lại phải nhập khẩu. Chưa kể đến tình trạng khai thác quá nhiều các cánh rừng keo lá tràm, bạch đàn… phục vụ cho nguyên liệu gỗ dăm sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái…
Tiếp tục những chủ trương hạn chế xuất khẩu dăm gỗ, hạn chế tình trạng “chảy máu” nguyên liệu thô, tháng 4/2015, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản hướng dẫn UBND các tỉnh, thành phố thẩm định điều kiện hình thành các dự án mới về sản xuất gỗ dăm.
Việc cho phép thành lập đối với các DN sẽ được kiểm soát chặt chẽ, theo hướng tỉnh cho phép, nhưng phải có ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước khi cấp phép. Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu giảm lượng dăm gỗ sản xuất theo lộ trình đã đề ra là đến năm 2020 chế biến dăm xuất khẩu chỉ còn 3 triệu tấn/năm.
Tuy nhiên, như đã nói ở trên mặc dù chủ trương của cơ quan chức năng là hạn chế, song tình trạng xuất khẩu gỗ dăm vẫn chưa có dấu hiệu chững lại ở nhiều địa phương. Thực tế cũng đã có những ý kiến của các chuyên gia về việc có nên hạn chế hay không hạn chế xuất khẩu dăm gỗ. Vấn đề này cần được xem xét kỹ lưỡng và có những bước đi thận trọng.
Theo lý giải của những chuyên gia này, thực chất đối tượng bị tác động từ việc tăng thuế xuất khẩu dăm gỗ sẽ là những người trồng rừng. Sự phát triển của ngành chế biến, xuất khẩu dăm gỗ đã góp phần xóa đói, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, đồng thời giúp nguồn lực đất đai được sử dụng hiệu quả hơn, phủ xanh đất và đồi núi trọc, mang lại lợi ích cho nhiều ngành khác như vận tải, cảng biển…
Đại diện một DN chuyên sản xuất dăm gỗ xuất khẩu ở huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) từng bức xúc, nhiều người cho rằng xuất khẩu nguyên liệu thô, làm cạn kiệt tài nguyên, ảnh hưởng môi trường. Tuy nhiên, trong thực tế nguyên liệu gỗ dăm thường được trồng trên những vùng đất xa xôi, cằn cỗi và được tái tạo liên tục, không những không ảnh hưởng đến môi trường mà còn làm môi trường tốt hơn...
Do vậy, đối với vấn đề dăm gỗ các cơ quan chức năng nên có nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, chế biến sâu mang lại hàm lượng giá trị gia tăng cao ngay từ trong nước. Thay vì việc hạn chế, xây dựng rào cản đối với việc xuất khẩu gỗ dăm như hiện nay...
Tại miền Trung, Bình Định địa phương đầu tiên quyết định dừng xuất khẩu dăm gỗ thô từ năm 2015, chuyển sang chế biến sâu như phục vụ ngành dệt may, chế biến bột giấy để sản xuất ván ép, gỗ ép tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tỉnh đã quy hoạch xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, khi phối hợp với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) để triển khai dự án trồng rừng nguyên liệu, sản xuất sợi, dệt, may mặc theo chu trình khép kín để phát triển kinh tế rừng bền vững ngay từ trong nước.