Bất cập thuế kinh doanh
Tăng thuế suất, tăng đối tượng chịu thuế không chắc ngân sách đã tăng thu | |
Thu đúng, thu đủ để chống thất thu | |
Cơ cấu nguồn thu ngân sách |
Theo kế hoạch, cuối tuần này Tổng cục Thống kê sẽ tổ chức họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm. Thông tin sơ bộ Thời báo Ngân hàng nhận được là tăng trưởng có sự cải thiện đáng kể với đóng góp của ngành chế biến chế tạo, nông nghiệp, khu vực FDI…
Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đang cho thấy sự hồi phục đáng kể, sau các quyết sách về tháo gỡ khó khăn cho DN, đẩy mạnh cải cách hành chính mà điểm nổi bật là xóa bỏ điều kiện kinh doanh và đầu tư, khơi vốn tín dụng lãi suất thấp vào các lĩnh vực ưu tiên… Tuy vậy, thu ngân sách từ khu vực sản xuất không cho thấy sự cải thiện tương ứng.
Ảnh minh họa |
Phía Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính thấy rõ việc thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách đang chịu tác động không mấy tích cực từ sản xuất. Ông Bùi Văn Nam, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế thậm chí còn cho biết nguồn thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều ngành đang có dấu hiệu giảm, nên việc thực hiện dự toán ngân sách năm nay đang còn là thách thức lớn.
Cụ thể là trong 9 tháng đầu năm nay, nguồn thu ngân sách từ hoạt động sản xuất, kinh doanh được cơ quan này ước tính thực hiện chỉ tăng 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi dự toán giao phải đạt mức tăng trưởng 31,1% (giao 237.175 tỷ đồng). “Kết quả đạt được trong 9 tháng chưa phải là cao”, ông Nam nói.
Bối cảnh trên cho thấy cho dù tăng trưởng kinh tế đang có sự cải thiện nhất định, hoạt động sản xuất phục hồi, nhưng thu thuế kinh doanh vẫn còn xa mới đạt kỳ vọng. Tuy nhiên, đó không hẳn là lỗi của ngành thuế.
Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam tại buổi công bố Báo cáo cập nhật triển vọng Kinh tế châu Á (ADOU) 2017 mới đây chỉ ra rằng cơ cấu thuế ở Việt Nam chủ yếu là phù hợp. Nhưng, miễn thuế thì quá nhiều. Các DN FDI được hưởng quá nhiều ưu đãi thuế, hay được cắt giảm nhiều khoản thuế. Chính sách cũng không rõ ràng là các DN này được miễn giảm thuế trong bao nhiêu lâu.
Một số chuyên gia khẳng định, khi xem xét cơ chế thu hút đầu tư của nhiều địa phương thì thấy rõ, DN FDI quy mô càng lớn thì các ưu đãi về thuế càng nhiều, mức độ miễn giảm càng lớn, ân hạn càng kéo dài.
Với cơ chế thu hút đầu tư “ưu tiên người khổng lồ” như vậy, các DN FDI có nhiều ưu đãi hơn DN trong nước. Bởi theo số liệu thống kê của 9 tháng đầu năm nay, với 6.464 DN, lượt dự án tăng vốn hoặc mua cổ phần thuộc khối FDI có số vốn cam kết đầu tư xấp xỉ 25,5 tỷ USD, tương đương 4 triệu USD/DN, dự án; hoặc tương đương 90 tỷ đồng/DN, dự án. Con số này gấp 9,3 lần quy mô vốn của một DN đăng ký thành lập mới, tính bình quân trên phạm vi cả nước.
Quy mô lớn hơn, được ưu đãi nhiều hơn, các DN FDI rõ ràng có lợi thế hơn trong cạnh tranh. Các chuỗi số liệu về tỷ trọng trong GDP, trong giá trị sản xuất công nghiệp, trong tổng kim ngạch xuất khẩu của khối FDI ngày càng lớn hơn, đẩy tỷ trọng khối DN trong nước nhỏ lại.
Nhưng không chỉ có vậy, việc ưu đãi “không đều” về thuế giữa các loại hình DN cũng khiến cho môi trường kinh doanh trở nên méo mó. Mà chừng nào còn như vậy, những nỗ lực phát triển DN mới trong nước, thúc đẩy các DNNVV tăng khả năng cạnh tranh, để các DNNVV làm nòng cốt phát triển kinh tế sẽ còn vướng nhiều rào cản.
Để tăng trưởng kinh tế năm nay đạt mục tiêu, xa hơn nữa là quỹ đạo tăng trưởng trở lại đúng tiềm năng thì bên cạnh những nỗ lực xóa bỏ rào cản trong sản xuất kinh doanh, khơi thông nguồn tài chính vào nền kinh tế, hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn… còn cần xây dựng môi trường kinh doanh bình đẳng, nhất là về trách nhiệm với nồi cơm chung - ngân sách.