Bất động sản nghỉ dưỡng: Cung chưa thể vượt cầu
Nhận định trên được nhiều chuyên gia đề cập tại hội thảo "Xu hướng mới và cơ hội đầu tư bất động sản nghỉ dưỡng nửa cuối 2019", vừa diễn ra hôm nay, 15/5, tại Hà Nội.
Bất động sản nghỉ dưỡng vẫn còn dư địa để tiếp tục phát triển |
“Năm 2018, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng phát triển kém sôi động hơn với việc nguồn cung và tiêu thụ đều sụt giảm khá mạnh so với năm trước đó. Tuy nhiên, bước vào những tháng đầu năm 2019 bất động sản nghỉ dưỡng có nhiều dấu hiệu khởi sắc, nhiều dự án được mở bán tại Phú Quốc, Phan Thiết, Đà Nẵng được tiêu thụ khá tốt”, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Biên tập Tạp chí Nhà đầu tư đại diện cho đơn vị chủ trì tổ chức hội thảo đề dẫn.
Còn nhiều dư địa tăng trưởng
Việt Nam là một trong những quốc gia có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh ngành du lịch. Thời gian qua, tăng trưởng doanh thu ngành du lịch ở mức rất cao và đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế.
Năm 2018, khách quốc tế đến Việt Nam đạt 15,5 triệu lượt người, tăng 20% so với năm trước và khách du lịch nội địa đạt khoảng 80 triệu lượt người, tăng 10% so với năm trước.
Cùng với đó, Nhà nước cũng đã có chủ trương đưa kinh tế du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn với nhiều chính sách khuyến khích như đổi mới thủ tục cấp visa du lịch, khuyến khích tổ chức các sự kiện quốc tế, phát triển nhanh hạ tầng giao thông, khuyến khích phát triển các dự án đầu tư hạ tầng du lịch khiến triển vọng ngành được đánh giá là sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng cao hiện nay.
Nắm bắt được cơ hội đó, hiện nay, rất nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đang mạnh tay rót vốn phát triển các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Điển hình trong số đó là Tập đoàn Novaland đã đầu tư vào một số dự án bất động sản nghỉ dưỡng khá lớn tại Phan Thiết, Cam Ranh. Nhiều doanh nghiệp lớn khác như Vingroup, Sun Group, BIM Group, CEO Group cũng tiếp tục đầu tư mạnh vào phân khúc này.
Theo ghi nhận của Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, nhờ khả năng tăng trưởng du lịch của Việt Nam rất ấn tượng, bất động sản du lịch đã có một quá trình phát triển khá nhanh từ 2014 tới nay.
Nguồn cung các sản phẩm bất động sản du lịch như biệt thự nghỉ dưỡng, shophouse, condotel đã tăng lên khá cao, trước hết tại các địa phương có tiềm năng du lịch lớn như Hạ Long, Đà Nẵng - Hội An, Nha Trang - Cam Ranh, Phú Quốc, sau đó đã chuyển sang các địa phương như Vân Đồn, Sầm Sơn, Hà Tĩnh, Quy Nhơn, Tuy Hòa, Phan Thiết…
Các dự án bất động sản du lịch đã áp dụng cơ chế bán bất động sản hình thành trong tương lai để thu hút vốn đầu tư từ cá nhân sau khi đã hoàn thành hạ tầng dự án. Hơn nữa, các nhà đầu tư dự án bất động sản còn đưa ra nhiều chính sách riêng để thu hút đầu tư như cam kết lợi nhuận từ kinh doanh…
Đánh giá về tương quan cung cầu của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, Giáo sư Đặng Hùng Võ lưu ý, nếu so sánh tổng các bất động sản du lịch tại Việt Nam với một số nước mạnh về du lịch ở Đông Nam Á như Thái Lan chẳng hạn, thì số lượng của Việt Nam vẫn còn thấp. Trong khi đó, tăng trưởng du lịch của Việt Nam vẫn đang ở mức rất cao, thuộc nhóm đứng đầu thế giới.
“Do đó, tôi cho rằng, trên tầm nhìn dài hạn thì cung về condotel ở Việt Nam chưa thể vượt cầu”, Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận định.
Rào cản lớn nhất là pháp lý
Đánh giá về triển vọng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng trong những tháng cuối năm 2019, PGS-TS. Trần Đình Thiên dự báo năm nay du lịch sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt, tác động tích cực lên thị trường bất động sản du lịch.
Thị trường bất động sản Việt Nam tại các đô thị lớn và các thị trường nghỉ dưỡng sẽ trở thành nơi được nhận được nhiều sự quan tâm. Đặc biệt, thời gian gần đây khi các nhà đầu tư Nhật đang dịch chuyển từ công nghiệp sang bất động sản du lịch mạnh hơn.
Ở điểm này, Giáo sư Đặng Hùng Võ lưu ý: “Tình trạng giảm giao dịch condotel vừa qua chỉ mang tính địa phương và tức thời. Có thể lý do chính làm giảm giao dịch là những nhược điểm về chính sách, pháp luật…”.
Đồng quan điểm, một số chuyên gia khác cũng cho rằng thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang tồn tại những rủi ro nhất định mà trong đó nổi cộm là vấn đề pháp lý đối với loại hình condotel, như đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, về mặt pháp lý, sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng hiện nay còn chưa được quy định rõ ràng loại hình condotel là bất động sản để ở hay kinh doanh.
“Trong những ngày tôi đến ở thì đó là nhà của tôi, nhưng thời gian còn lại đem đi kinh doanh thì không phải. Nên, theo tôi, condotel là bất động sản kinh doanh và do đó tất cả các luật về đất, thuế… cần xem đây là bất động sản kinh doanh”, ông Hiếu nói.
Cũng theo chuyên gia này, Chính phủ, Quốc hội cần nhanh chóng giải quyết vấn đề pháp lý còn lấn cấn để ngân hàng yên tâm khi nhận thế chấp, người mua an tâm về quyền sở hữu.
“Hiện nay, một số địa phương đã cấp sổ cho condotel, nhưng tương lai như thế nào thì không ai rõ”, ông Hiếu lưu ý thêm.
Chia sẻ thêm về vấn đề pháp lý, bà Nguyễn Thị Thùy Dương, Giám đốc cấp cao Truyền thông và Hỗ trợ cộng đồng Tập đoàn Novaland cho biết, ở mỗi tỉnh thành, các chủ đầu tư đều tuân theo quy định, tình hình thực tế và nhận được sự tin tưởng thấu đáo từ chính quyền địa phương.
“Đối với những dự án mà chúng tôi đang đầu tư như ở Phan Thiết với quy mô 1.000 ha, xây dựng một đại đô thị, thì không những địa phương đó mà còn phải trình lên Chính phủ xem lại về vấn đề cơ cấu sử dụng đất, đất thương mại, đất ở phục vụ cho việc hình thành dự án”, bà Nguyễn Thị Thùy Dương cho hay.