Bắt kịp CMCN 4.0 không thể thiếu DNTN
Cần khai thác hiệu quả tài nguyên số | |
Đổi mới sáng tạo - động lực của tăng trưởng | |
Cách nào để doanh nghiệp Việt tiến vào CMCN 4.0? |
Phát triển Chính phủ điện tử, xây dựng thành phố thông minh, phát triển nền kinh tế số được xem là những điều kiện hết sức căn bản để tạo đà giúp Việt Nam có thể bắt kịp CMCN 4.0.
“Xây dựng Chính phủ điện tử và thành phố thông minh giúp, xây dựng nền kinh tế số chính là công cụ chính để thực hiện cải cách hành chính, là nền tảng cốt yếu để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo giảm chi phí trong quản lý của bộ máy chính quyền, đặc biệt giảm chi phí của DN”, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết.
Chính phủ và DN đẩy mạnh hợp tác, đổi mới sáng tạo để phát triển kinh tế số |
Hiện 98% các thủ tục thông quan và 100% biên lai thuế của các DN trên địa bàn đã được thực hiện trên môi trường mạng, đến hết năm nay, 100% các thủ tục đăng ký kinh doanh được thực hiện qua mạng và đã có dữ liệu về hơn 230.000 DN và 300.000 hộ kinh doanh. Hà Nội đã phát triển dịch vụ công trực tuyến đến tận xã, phường và đã xây dựng xong cơ sở dữ liệu dân cư cho hơn 7,5 triệu người dân Hà Nội.
Với cơ sở dữ liệu của 1,7 triệu học sinh trong 2 năm 2016-2017, đã áp dụng việc đăng ký tuyển sinh đầu cấp các lớp 6 lớp 10. Hà Nội đã ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để kết nối toàn bộ 41 cơ sở bệnh viện và toàn bộ 584 các trạm y tế phường, xã của thành phố để phục vụ mạng lưới BHXH Việt Nam. Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước kết nối việc giám định bảo hiểm với BHXH Việt Nam. Hà Nội đang tập trung vào xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, đến tháng 10/2018 sẽ hoàn thành toàn bộ cơ sở dữ liệu về đất đai của thành phố…
Chia sẻ kinh nghiệm, ông Chung cho biết “đã kêu gọi được sự tham gia của DNTN. Nhiều hạng mục, nhiều nội dung thành phố đã đặt hàng DNTN, giao họ đảm nhiệm và phát huy những kết quả hết sức tích cực”. Hà Nội đã đặt hàng một nhóm phát triển phầm mềm, thí điểm mô hình trông giữ xe thông minh iParking trên 2 tuyến phố Trần Hưng Đạo và Lý Thường Kiệt. Chỉ trong 1 tháng số tiền trông giữ xe thu được đạt trên 590 triệu đồng, tăng 270% so với trước đó khi thu bằng tiền mặt. Trong đó, 92% số tiền này đã được các chủ xe trả qua smartphone, 8% trả qua thẻ.
“Phát triển đô thị thông minh và kinh tế số là xu hướng tất yếu của thế giới. Hiện Việt Nam có khoảng 800 đô thị và tốc độ đô thị hóa trên 37%, khoảng 60 triệu người dùng điện thoại thông minh; thương mại điện tử đang phát triển nhanh chóng… và đó đang là những tiền đề rất quan trọng cho kinh tế số. Kinh tế số cũng đặt ra những thách thức không hề nhỏ và nếu như không có những đổi mới sáng tạo thì sẽ bị tụt lại, bỏ lỡ CMCN 4.0”, theo ông Nguyễn Trung Chínhk, Tổng giám đốc CMC.
Trường hợp của Hà Nội là một sự khẳng định trong lĩnh vực phát triển kinh tế số, phát triển Chính phủ điện tử, xây dựng thành phố thông minh không thể thiếu DNTN và thực tế cho thấy DNTN đang đi đầu trong lĩnh vực này.
Tuy nhiên, nếu nhìn trên tầm quốc gia thì còn nhiều vấn đề phải tháo gỡ, đặc biệt là mở ra cơ hội cạnh tranh lành mạnh và tiếp cận bình đẳng cho khu vực DNTN. Như trong Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm chỉ đạo các DN lớn có vốn nhà nước là chủ đạo để tiến hành. “Nghị quyết 36a quy định như vậy khiến chúng tôi thấy hơi chạnh lòng khi nghĩ liệu như vậy thì DNTN có tham gia được không? Cần giao cho tư nhân tham gia vào các dự án về Chính phủ điện tử, thành phố thông minh”, ông Chính khuyến nghị. Gần đây, Chính phủ liên tục đưa ra tín hiệu cho thấy, các DNTN có thể tham gia tất cả các lĩnh vực mà pháp luật không cấm nên có thể kỳ vọng, Nghị quyết 36a sẽ được sửa đổi theo hướng này trong thời gian tới đây.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng cho rằng đã tới lúc cần phải xây dựng các tiêu chuẩn của một thành phố thông minh trên cơ sở tham khảo và áp dụng các tiêu chuẩn ISO mà rất nhiều các thành phố thông minh trên thế giới đã áp dụng. Đồng thời chú trọng tới xây dựng nguồn nhân lực CNTT, khuyến khích khởi nghiệp sáng tạo, tăng cường vốn ngân sách trong ứng dụng CNTT… Được biết phía cơ quan quản lý cũng đang tích cực triển khai xây dựng những tiêu chuẩn trong lĩnh vực đô thị thông minh trên cơ sở phù hợp với thực tiễn của Việt Nam và trong quá trình này, sự tham gia đóng góp, hợp tác và phối hợp hành động của các DN là vô cùng quan trọng.