Cách nào để doanh nghiệp Việt tiến vào CMCN 4.0?
Cách mạng công nghiệp 4.0: Cơ hội song hành cùng thách thức | |
Để không lỡ “chuyến tàu” Cách mạng Công nghiệp 4.0 |
Trước khi tiến tới đẳng cấp
Theo ông Trương Gia Bình – Chủ tịch FPT, nói đến DN 4.0 là nói đến DN thời gian thực. Theo đó, nếu ở một đẳng cấp cực kỳ cao thì có thể hình dung qua hình ảnh như sau: Giả sử tôi đang có cuộc họp mà nhỡ có ai đó ăn cắp kính ô tô, hoặc là làm bể kính xe ô tô của tôi thì lập tức xe sẽ báo cho tôi biết, báo cho công ty bảo hiểm biết và đồng thời cũng báo cho các nhà thầu dịch vụ biết. Và lập tức, các nhà thầu sẽ làm việc với nhà bảo hiểm, triển khai các hạng mục sửa chữa và đến khi tôi kết thúc cuộc họp, ra khỏi phòng thì cũng là lúc chiếc xe của tôi đã trở về nguyên trạng ban đầu – tức là như chưa từng có vấn đề gì xảy ra.
Còn theo ông Đặng Việt Dũng, Giám đốc Điều hành Uber Việt Nam – một công ty hoạt động kinh doanh dựa trên sự giao thoa giữa kỹ thuật số và thế giới thực, cho rằng có 3 yếu tố để cấu thành một DN 4.0: Dữ liệu khách hàng (nhờ kết nối thông suốt của Internet vạn vật); Khả năng xử lý dữ liệu theo thời gian thực và Khả năng phát huy được trí tuệ nhân tạo.
Nhưng như trên đã nói, nếu “hình dung” trên được xem là đẳng cấp cực kỳ cao và còn cần một tương lai không ngắn nữa để hiện thực hóa trên diện rộng thì với các DN Việt – không quan trọng lớn hay nhỏ - có thể tự tin tiến lên DN 4.0 theo cách của mình. Còn nhớ vào tháng 8/2016, nhà tương lai học Australia, TS. Stefan Hajkowicz - Nhà khoa học chủ chốt về Chiến lược và Tầm nhìn của Cơ quan nghiên cứu Công nghiệp và Khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO) đã có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam để trao đổi những nhận định của ông về xác xu thế lớn trên toàn cầu và tác động của chúng đến các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo TS. Stefan Hajkowicz, dù có rất nhiều thách thức nhưng các cơ hội mở ra cũng rất lớn và cơ hội này là mở cho tất cả các quốc gia. Do đó, dù là nước đi sau nhưng nếu Việt Nam tận dụng “nhảy cóc” tốt thì khả năng nắm bắt và vượt lên là hoàn toàn có thể. “Đơn cử, với tốc độ phát triển như vũ bão của công nghệ hiện nay, một DN không cần lớn vẫn có thể thành công nếu sáng tạo và nắm đúng thời cơ khi những thỏa thuận kinh doanh có thể được thực hiện chỉ bằng những cú bấm chuột máy tính” - TS. Stefan Hajkowicz nhận định.
Ảnh minh họa |
Hãy vươn lên bằng chính thế mạnh và sáng tạo của mình
Tạm chưa nói về các thách thức, cái mà mọi người nhìn thấy từ cuộc CMCN 4.0 là sẽ có rất nhiều cơ hội được tạo ra. Tuy nhiên cơ hội sẽ không chờ các DN - dù rất lớn nhưng chỉ khoanh tay đứng nhìn – và cũng không chối từ vòng tay của các DN khác - dù rất nhỏ nếu họ nhanh nhạy và biết tận dụng.
TS. Thanh Mỹ tại Trà Vinh (ông Nguyễn Thanh Mỹ - một doanh nhân Việt kiều tái khởi nghiệp ở tuổi 60 trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao với công ty Rynan AgriFoods thành lập năm 2015 tại Trà Vinh) đã lắp đặt phao quan trắc có cảm biến đo độ mặn và cài đặt chế độ bơm nước tự động qua ứng dụng dùng trên smartphone. Nếu độ mặn giảm xuống ở một mức độ nhất định thì cảm biến đó bắt các bơm hoạt động bơm nước ngay vào ruộng. Ngược lại, khi độ mặn cao lên hơn, cảm biến đó sẽ lệnh cho các bơm ngừng ngay lập tức. Dẫn lại câu chuyện này, TS. Lê Đăng Doanh cho rằng, một chủ cửa hàng điện tử, hay thậm chí một quán phở cũng có thể vận dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ để kết nối với khách hàng.
“Cho nên chúng ta không nên nghĩ cách mạng 4.0 là cái gì đó cao siêu ở trên trời mà từ nông nghiệp cho đến người bán hàng, cho đến NH hoàn toàn có thể thực hiện cách mạng 4.0. Tôi tin các DN Việt Nam sẽ năng động, sáng tạo đáp ứng được các nhu cầu của xã hội và tiến lên DN 4.0 theo cách của mình” – ông Doanh nói.
Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hưng – TGĐ của TPBank cho rằng khi cơ hội là bình đẳng thì ngay cả những người đi sau, hay những DN nhỏ cũng có thể đón đầu. “Không nên lo sợ rằng cuộc CMCN 4.0 ghê gớm hay đòi hỏi rất nhiều nguồn lực. Chúng ta hoàn toàn có thể ứng dụng nó ở từng phần, từng việc một chứ không nhất thiết phải đầu tư một nguồn lực lớn, tài chính lớn. Hơn nữa, giá thành các sản phẩm, giải pháp công nghệ thì đang ngày càng rẻ hơn. Cơ hội đang dành cho mọi người, từ DN nhỏ đến DN lớn và cho mỗi cá nhân” - TGĐ của TPBank nhận định.
Vị này cũng thông tin, theo các số liệu quản trị của NH này cho thấy hiện đã có tới 2/3 giao dịch tại TPBank là các giao dịch số, với chi phí giảm vài chục lần so với giao dịch truyền thống. “Như vậy rõ ràng là nhờ những tiến bộ công nghệ, nhờ những ứng dụng mà đâu đó chúng ta đang tiệm cận dần đến chuẩn 4.0 và giúp chúng cải thiện được rất nhiều. Và việc NH giảm bớt được chi phí như vậy giúp khách hàng sử dụng các dịch vụ với thời gian nhanh hơn, lãi suất thấp hơn cũng như có nhiều cơ hội tiếp cận các dịch vụ tài chính hơn” – ông Hưng nói.
Nhìn nhận đơn giản hơn, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Tổng giám đốc Viettel cho rằng, nếu DN cứ làm tốt được những gì bình thường đang làm, cộng với đó là khả năng phát hiện vấn đề và nhu cầu thì sẽ tiến đến 4.0 rất nhanh.
“Ví dụ như chúng ta phải mua cái máy điều hòa để dùng nhưng bản chất thì không phải chúng ta muốn cái máy điều hòa đó. Cái mà ta muốn là không khí lạnh kia cơ. Thế nên, nếu bây giờ có một ai đó bán cho tôi không khí lạnh thì tôi sẽ mua ngay, chứ tôi sẽ không cần mua máy điều hòa. Vì mua máy điều hòa thì một năm có 12 tháng nhưng tôi chỉ dùng được 3 tháng, 9 tháng còn lại không dùng mà vẫn phải trả tiền, vì vẫn phải sửa chữa bảo dưỡng. Hay như với Internet, giờ mang một câu hỏi lên Google thì chỉ trong tích tắc nhận được cả vạn câu trả lời nhưng không có xác thực về tính chính xác nên khó dùng được. Nhưng nếu giờ chúng ta có thể đưa ra được một cái Internet mới mà khi hỏi một câu thì sẽ được các nhà chuyên môn đưa ra một câu trả lời thôi nhưng có xác thực là thông tin trả lời chính xác để người hỏi có thể yên tâm sử dụng thì đấy cũng chính là một cuộc cách mạng” – ông Hùng đưa ra những ví dụ về khả năng phát hiện vấn đề và nhu cầu.
Và đây là một thông tin nữa đáng chú ý: Nếu như cho đến tháng 3 vừa qua tại Hàn Quốc mới đưa vào ứng dụng một NH trực tuyến (LiveBank) không có nhân viên thì từ tháng 9 năm ngoái, các mô hình điểm giao dịch NH trực tuyến 24/7 LiveBank tại Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh đã được TPBank triển khai. “Dự kiến đến cuối năm nay, chúng tôi sẽ có khoảng 50 điểm giao dịch tương tự như vậy. Đến các điểm giao dịch này, khách hàng có thể thực hiện tất cả các giao dịch của NH truyền thống mà không cần phải có nhân viên. Ví dụ, khách hàng có thể tương tác như gửi tiền, nộp đơn vay và rất nhiều dịch vụ khác. Như thế thì tôi tin Việt Nam mình có thể làm như thế giới, bắt kịp cuộc CMCN 4.0 này” – ông Nguyễn Hưng kỳ vọng.
Nhưng tất nhiên, trong công cuộc tiến lên 4.0 này, ngoài nỗ lực của tự thân DN thì sự hỗ trợ, đồng hành của các nhà quản lý cũng rất quan trọng. Bởi nhiều khi, khó khăn có thể đến từ chính các quy định vốn được xây dựng để quản lý, thúc đẩy thị trường nhưng chậm được bổ sung. Trong những trường hợp như vậy, việc sửa đổi hoặc thậm chí phải thay thế bằng những quy định mới là cần thiết để tránh tình trạng "trói tay" DN.