Bình ổn thị trường trong dịp Tết
Đảm bảo nguồn cung hàng hóa Tết | |
Thủ tướng chỉ thị bình ổn giá, bảo đảm an toàn xã hội dịp Tết |
Bảo đảm nguồn hàng
Khác với những năm trước, năm nay thị trường mua sắm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018 tại TP. Đà Nẵng có những khó khăn nhất định. Nguyên nhân, do trong khoảng tháng 10 đến tháng 11/2017, trên địa bàn thành phố cũng như một số địa phương lân cận liên tiếp gánh chịu những đợt mưa lũ kéo dài. Kéo theo nguồn cung các mặt hàng đặc biệt là rau xanh từ các địa phương đổ về Đà Nẵng đã giảm đáng kể, do bị ngập úng, hư hỏng. Trên thị trường, thời gian qua một số thực phẩm thiết yếu, đã liên tục tăng giá.
Đà Nẵng tăng cường nguồn hàng, phục vụ nhu cầu mua sắm trong dịp Tết |
Trước những khó khăn trên, để bình ổn thị trường trong dịp Tết cổ truyền của dân tộc, tránh tình trạng đầu cơ, găm giá... các cơ quan chức năng ở TP. Đà Nẵng đã triển khai nhiều giải pháp. Với vai trò chủ lực của mình, Sở Công thương thành phố tích cực phối hợp các doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh, phân phối chuẩn bị đủ nguồn hàng dự trữ phục vụ trước, trong và sau Tết Mậu Tuất 2018.
Cụ thể, ngành Công thương đã chủ động phối hợp với 10 DN sản xuất, kinh doanh, phân phối dự trữ hơn 200 tấn gạo nếp các loại, gần 750 tấn thịt, 145 tấn rau, củ, quả, 450 tấn thực phẩm chế biến đóng hộp, thực phẩm khô… trị giá gần 180 tỷ đồng.
Bên cạnh, thương nhân kinh doanh tại một số chợ lớn trên địa bàn như, chợ Hàn, chợ Cồn, chợ đầu mối nông sản Hòa Cường, chợ Hòa Khánh hay chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang cũng đã chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết ước khoảng 150 tỷ đồng. Hệ thống cửa hàng ở các tuyến phố chuyên doanh như Lê Duẩn... cũng tham gia dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu với giá trị ước khoảng 500 tỷ đồng.
Đặc biệt, tại các siêu thị lớn trên địa bàn đã tăng cường chủ động đủ nguồn hàng sẵn sàng phục vụ nhu cầu mua sắm của các “thượng đế” trong dịp Tết. Đơn cử như tại siêu thị Co.opMart Đà Nẵng, nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của các khách hàng siêu thị đã lên kế hoạch chuẩn bị phục vụ Tết từ rất sớm với số lượng hàng thiết yếu, khoảng 600 tấn hàng hóa trị giá 60 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước.
Trong đó, chủ yếu tập trung vào các mặt hàng thiết yếu, sử dụng nhiều trong dịp Tết như, bánh, mứt, kẹo, nước giải khát, bia, rượu, lương thực, rau củ quả, đồ dùng gia đình... Đặc biệt, dự kiến trong những ngày cận Tết, Co.opMart Đà Nẵng sẽ cùng với một số nhà cung cấp giảm giá trên hàng nghìn sản phẩm đặc trưng Tết với mức khuyến mãi từ 10% đến 50%.
Kiểm soát thị trường
Ngoài việc chủ động của các DN, Sở Công thương TP. Đà Nẵng cũng đã đề xuất chọn Co.opmart Đà Nẵng tổ chức bán hàng tại 2 xã miền núi thuộc huyện Hòa Vang. Đồng thời, Trung tâm Xúc tiến thương mại TP. Đà Nẵng cũng sẽ phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố tổ chức một phiên chợ Tết tại KCN Hòa Khánh với khoảng 40 gian hàng, nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người lao động trong các nhà máy, xí nghiệp.
Đến thời điểm này có thể khẳng định, hàng hóa dự trữ phục vụ Tết Mậu Tuất 2018 tại TP. Đà Nẵng khá đa dạng, phong phú về chủng loại. Nhiều DN cam kết bảo đảm đủ nguồn hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng trong dịp Tết. Ông Nguyễn Hà Bắc, Phó giám đốc Sở Công thương TP. Đà Nẵng, cho biết lượng hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán năm nay dồi dào, phong phú.
Đặc biệt, song song với việc bảo đảm đầy đủ hàng hóa, lực lượng quản lý thị trường cũng sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phối hợp với các cơ quan liên quan để kiểm tra hàng hóa trên khâu lưu thông, kiểm tra việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2018.
Được biết, Sở Công thương TP. Đà Nẵng đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và các hành vi gian lận thương mại, đặc biệt trong công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, tập trung mở đợt cao điểm tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường nhằm bình ổn giá cả thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Trên thực tế, vào dịp Tết do nhu cầu mua sắm tăng cao, các đối tượng cũng thường lợi dụng để tuồn các mặt hàng kém chất lượng ra thị trường. Trong số đó chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như, bánh kẹo, thuốc lá, thực phẩm... Bởi vậy, các lực lượng chức năng ở địa phương phải tăng cường kiểm soát chặt trên thị trường. Theo đó, chỉ trong một thời gian ngắn lực lượng quản lý thị trường ở Đà Nẵng đã xử lý gần 4 nghìn vụ, xử phạt hơn 11,2 tỷ đồng.
Trong đó, có thể kể đến việc lực lượng chức năng phát hiện một DN đóng trên địa bàn quận Cẩm Lệ kinh doanh rượu bia không dán tem, tịch thu hơn 3,2 nghìn chai rượu Bầu Đá. Lực lượng thị trường cũng xử phạt, tịch thu hơn 1,1 nghìn chai rượu mang nhãn hiệu Tràn An Kim Sơn của một cá nhân trú trên địa bàn quận Cẩm Lệ...
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Nho Hậu, Phó chi cục trưởng, Chi cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng, do thị trường thành phố phần lớn nhập hàng từ các địa phương khác về nên các đối tượng vận chuyển thường lợi dụng thủ đoạn xé lẻ hàng hóa để dễ bề qua các điểm kiểm soát. Sau đó, tập trung tại các điểm tập kết bí mật trong thành phố rồi âm thầm tung ra thị trường.
Bởi vậy, để kiểm soát chặt thị trường, đấu tranh hiệu quả với hàng giả, hàng nhái cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng quản lý thị trường và công an, đặc biệt là nguồn tin từ nhân dân, nhằm kịp thời phát giác các hành vi gian lận thương mại.