Bộ Công Thương lấy ý kiến về thủ tục hành chính
Hỗ trợ nền kinh tế bằng hành động | |
Thủ tướng yêu cầu cắt giảm tối thiểu 50% số giờ thực hiện TTHC thuế |
Với việc việc chiếm hơn 8% ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện (22/267), kiểm soát 447 thủ tục hành chính, ngành Công Thương được coi là một lĩnh vực quan trọng đối với quản lý Nhà nước về kinh tế. Do đó, các quy định và TTHC trong ngành Công Thương có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nói chung.
Quang cảnh Hội nghị |
Những tiêu chí được hướng tới cho công tác cải cách TTHC trong ngành đó là: đơn giản hóa, minh bạch hóa, hiện đại hóa và chuẩn hóa TTHC. Để thực hiện các tiêu chí trên, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều biện pháp kiểm soát thủ tục hành chính, trong đó có việc thường xuyên tiếp thu ý kiến của người dân, DN về các quy định và thủ tục hành chính.
Mặc dù đánh giá công tác kiểm soát thủ tục hành chính trong ngành đã đạt được những kết quả nhất định, Bộ Công Thương cũng cho rằng, hiện vẫn còn những khó khăn, vướng mắc hiện hữu trong các quy định, đặc biệt là quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh và TTHC.
Trong nỗ lực chung của Chính phủ về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục lắng nghe, tiếp thu ý kiến của cộng đồng DN để kiến nghị sửa đổi các quy định của pháp luật trong quản lý Nhà nước ngành Công Thương.
Thống kê cho thấy, trong năm 2016, Bộ Công Thương đã bãi bỏ 6 TTHC và đơn giản hóa 33 thủ tục trong nhóm thương mại điện tử, hóa chất, rượu, năng lượng, an toàn thực phẩm… Riêng trong lĩnh vực điện năng, Bộ Công Thương thực hiện đề xuất giảm tiết kiệm điện năng từ 132 xuống từ 33-41 ngày. Nếu so sánh với thời gian tiếp cận điện năng trung bình của 6 nước đứng đầu ASEAN là 50,3 ngày thì Việt Nam thấp hơn nhiều.
Hội nghị cũng đề cập lại những vướng mắc, kiến nghị của cộng đồng DN trên phương tiện thông tin đại chúng trong thời gian trước đó. Trước hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã yêu cầu tổng hợp, rà soát và lên phương án giải quyết; coi việc giải quyết khó khăn, vướng mắc của DN là một nhiệm vụ quan trọng cấp bách.
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ Công Thương chỉ thị đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương lắng nghe, tiếp thu, đối thoại một cách cầu thị đối với các phản ánh, kiến nghị của cộng đồng DN và tổng hợp ý kiến và báo cáo Lãnh đạo Bộ phương án giải quyết.
Trong thời gian trước mắt, Bộ sẽ kiến nghị Chính phủ các giải pháp nhằm tháo gỡ và sửa đổi hoặc bãi bỏ những vướng mắc tại nghị định 19 cho DN kinh doanh khí; cân nhắc bãi bỏ quy định về giấy xác nhận trong kinh doanh hóa chất, nhập khẩu ô tô theo thông tư 20; đồng thời phối hợp với Hiệp hội Dệt may tháo gỡ những bất cập trong việc kiểm tra mẫu vải quy định tại thông tư 37…
Bộ sẽ tiếp tục rà soát kiến nghị Chính phủ các giải pháp hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường đồng bộ trên cơ sở tuân thủ các quy luật kinh tế, loại bỏ các nút thắt thể chế đang làm sai lệnh méo mó thị trường.