Hỗ trợ nền kinh tế bằng hành động
Cần ưu tiên tăng trưởng bền vững | |
Mặt bằng lãi suất, tỷ giá ổn định | |
Nhất quán điều hành |
Ngày 12/8/2016, Hội nghị trực tuyến triển khai kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ đã diễn ra dưới sự chủ trì của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú.
Với sự tham dự của lãnh đạo, cán bộ chủ chốt các phòng ban trụ sở chính, đơn vị trực thuộc, các NHTM và 63 điểm cầu tại chi nhánh NHNN các tỉnh, thành phố trên cả nước có mặt đông đủ, cho thấy quyết tâm rất cao của toàn Ngành trong việc triển khai hiệu quả chương trình.
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị |
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhấn mạnh, việc tổ chức hội nghị trực tuyến có vai trò rất lớn trong việc quán triệt, chỉ đạo các giải pháp của Chính phủ. Một trong những nội dung quyết liệt, quan trọng nhất là Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 với các giải pháp tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ và phát triển DN.
Vì vậy, NHNN xác định việc triển khai hai nghị quyết của Chính phủ đối với ngành NH là hết sức quan trọng. Do đó ngành NH đã xây dựng kế hoạch hành động, kịp thời cả về thời gian cũng như nội dung chỉ đạo với 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp lớn, có lộ trình và giải pháp thực hiện rất cụ thể giao cho từng đơn vị, trong từng giai đoạn. Ngay cả kết quả thực hiện cũng được lượng hóa theo từng năm và cả giai đoạn từ nay đến hết năm 2020.
Nhìn lại chặng đường đã qua, không phải đến khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35, ngành NH mới có chương trình hành động để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Mà thời gian qua ngành NH luôn chú trọng đến nhiệm vụ trên đạt được nhiều kết quả tích cực, như xây dựng thể chế văn bản pháp luật theo hướng tiếp cận thị trường, hội nhập, tạo sự chủ động cho DN trong tiếp cận dịch vụ NH, cải thiện đáng kể quan hệ tín dụng DN, người dân với NH...
Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc NHNN: Triển khai quyết liệt, đồng bộ chính sách Đây là chương trình hành động quan trọng, nhiệm vụ chính trong giai đoạn từ nay tới 2020. Chương trình này cũng là nội dung bổ sung thêm trong triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2016 của ngành NH. Vì vậy, cần quán triệt vai trò ý nghĩa của việc thực hiện hai nghị quyết này tới công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị về đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp, chống quan liêu, tham nhũng, tạo sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức về tinh thần phục vụ người dân và DN, đặc biệt trong vấn đề CCHC. Đây là nền tảng để chúng ta thực hiện thành công chương trình này… Đối với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, đề nghị phổ biến, quán triệt đến tất cả cán bộ của chi nhánh và các chi nhánh TCTD trên địa bàn. Đặc biệt là phối hợp với kế hoạch ở địa phương. Qua đó, làm sao để hài hoà, vừa thực hiện hiệu quả nhiệm vụ của Ngành vừa thực hiện tốt chỉ đạo của địa phương. Có chế độ báo cáo kết quả thực hiện về TW. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh các chương trình đối thoại DN, kết nối DN. NHNN chi nhánh các tỉnh có thể chủ động tổ chức hoặc phối hợp với các sở, ban, ngành, phối hợp với lãnh đạo UBND tỉnh để có những hội nghị kết nối nhằm tháo gỡ cho DN một cách thiết thực. Riêng về thủ tục hành chính, từ nay tới cuối năm, các TCTD, NHTM cần công bố công khai, minh bạch được một số điểm: số lượng hồ sơ, điều kiện cho vay, thời hạn xử lý hồ sơ, phí. Văn phòng NHNN cũng như các đơn vị đầu mối xây dựng chương trình cùng với việc kiểm tra thực tế. Với các NHTM, TCTD, ngay trong tháng 9 sẽ có đoàn kiểm tra trực tiếp một số NHTM và một số chi nhánh NHNN tại địa phương về tình hình triển khai chương trình. |
Trong điều hành chính sách tiền tệ, NHNN sử dụng công cụ linh hoạt nhạy bén, sử dụng công nghệ hiện đại giảm thiểu thủ tục hành chính. Mỗi năm NHNN tiết giảm 10% chi phí thủ tục hành chính theo mục tiêu cải cách hành chính chung.
Không chỉ NHNN, các NHTM cũng đạt rất nhiều kết quả, trong cải cách hoạt động nói chung, đặc biệt trong CCTTHC tạo thuận lợi cho người dân, DN trong tiếp cận vốn. Phó Tổng giám đốc BIDV Lê Ngọc Lâm cho biết, thời gian qua, BIDV tích cực triển khai các giải pháp CCTTHC. NH này đặt mục tiêu rút ngắn quy trình xử lý công việc, giảm 30% thời gian xử lý công việc, tăng cường phân cấp, phân quyền, hướng tới chuyên biệt hóa dịch vụ chăm sóc khách hàng.
Hay như tại Bắc Giang cũng là một trong những điểm sáng của ngành NH trong CCTTHC, cải thiện môi trường kinh doanh. Giám đốc NHNN chi nhánh tỉnh Bắc Giang Tô Thị Hậu chia sẻ: sau khi NHNN ban hành kế hoạch hành động, chi nhánh Bắc Giang đã xác định tập trung hai chỉ tiêu quan trọng là hỗ trợ DN và giảm thời gian, chi phí. NHNN chi nhánh tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các NHTM tiếp tục giảm thời gian xử lý các thủ tục hành chính, hồ sơ vay vốn giảm từ 5 - 7 ngày xuống còn 1 - 2 ngày; yêu cầu các TCTD tiết giảm chi phí tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN vay vốn với mức lãi suất hợp lý.
Mỗi năm NHNN tiết giảm 10% chi phí TTHC theo mục tiêu cải cách hành chính chung |
Vụ trưởng Vụ Pháp chế NHNN Đoàn Thái Sơn chia sẻ: thời gian vừa qua, Vụ Pháp chế đã phối hợp với các vụ, cục rà soát hơn 1.300 văn bản ban hành từ 1990 đến nay. Trên cơ sở rà soát, NHNN đã công bố 3 danh mục: danh mục còn hiệu lực có hơn 450 văn bản; danh mục hết hiệu lực 859 văn bản; và danh mục hết hiệu lực một phần còn 105 văn bản. Đây là kết quả rất quan trọng khi đây là lần đầu tiên trong lịch sử NHNN đã thống kê được tất cả những văn bản đã ban hành và phân loại văn bản nào còn, hết hiệu lực. Nó cho thấy NHNN đã CCTTHC rất quyết liệt trong thời gian vừa qua.
Tuy đã đạt kết quả tích cực nhưng theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, thời gian tới yêu cầu của Chính phủ mới cũng như thực tiễn đặt ra đòi hỏi cao hơn. Vì vậy, chương trình hành động mới của Ngành sẽ triển khai ở mức độ cao hơn, hành động thiết thực hơn. Đây cũng là cơ hội để các NH hành động tái cơ cấu các nội dung một cách hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, lãnh đạo NHNN cũng lưu ý việc xây dựng chương trình hành động trên cơ sở các vấn đề đặt ra phải cụ thể, thực tiễn nhất không xa vời, hoặc mang tính chất phong trào. Những nội dung thực sự quan trọng và là những vấn đề mà ngành NH đang cần phải hành động.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM: Triển khai nghị quyết bằng hành động cụ thể Để hỗ trợ DN trong chương trình hành động của Chính phủ, chúng tôi sẽ nâng cao hơn nữa hiệu quả chương trình kết nối NH - DN trên địa bàn. Theo đó, sau mỗi cuộc ký kết các NHTM giải ngân mà không cần phải thẩm định lại dự án của DN. Đồng thời DN cũng cam kết trong chương trình sử dụng vốn đúng mục đích và đến nay sau hơn 4 năm thực hiện kết nối NH - DN ở TP.HCM chưa phát sinh nợ xấu từ những khoản vay này. Nếu cộng gần 100.000 tỷ đồng giải ngân từ đầu năm 2016 đến nay thì hơn 4 năm qua chương trình kết nối NH - DN ở TP.HCM đã giải ngân được khoảng 360.000 tỷ đồng. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND hiện nay ở mức 7%/năm, 9%/năm cho vay trung dài hạn. TP.HCM hiện đã mở rộng kết nối NH – DN ra mọi thành phần kinh tế, hộ gia đình, tiểu thương, HTX, trang trại trong nông nghiệp đô thị… Hiện chương trình kết nối NH-DN đã nâng lên 9 đầu mối là các quận huyện, khu công viên phần mềm, khu công nghệ cao, khu chế xuất, Sở Công thương, hiệp hội DN… Hoạt động kết nối đã tạo mối quan hệ tốt giữa NH, chính quyền sở tại và người dân địa phương. Tuy nhiên nhiều DN mong muốn các NHTM tham gia chương trình kết nối NH-DN khi cho vay vốn trung dài hạn nên cố định lãi suất trong suốt thời gian vay để hỗ trợ DN khởi nghiệp. Không nên áp dụng mấy tháng hoặc một năm đầu, sau đó lấy lãi suất tiết kiệm 12 tháng cộng với 3 - 4% thành lãi suất cho vay những năm tiếp theo. |
Ông Trương Ngọc Anh, Phó Tổng giám đốc Agribank: Tiếp tục hoàn thiện mô hình điều hành hoạt động tín dụng Với việc triển khai Nghị quyết 19 và Nghị quyết 35 của Chính phủ, Agribank đã triển khai cho vay các chương trình chính sách tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN như đầu tư tín dụng cho vay DNNVV, DN phục vụ nông nghiệp nông thôn (NNNT), cho vay chuỗi liên kết; cho vay theo Nghị định 55, cho vay hỗ trợ tổn thất trong nông nghiệp... Ngay từ đầu năm, Agribank đã ban hành nghị quyết về chỉ đạo thực hiện trong toàn hệ thống về cơ cấu lại hoạt động tín dụng theo hướng tăng dần tỷ trọng cho vay khách hàng DN, đặc biệt ưu tiên cho vay DN hoạt động trong lĩnh vực NNNT. Agribank cũng đã nỗ lực giảm thiểu các quy trình, thủ tục tiếp cận, thời gian giải quyết hồ sơ vay vốn tạo điều kiện tối đa cho các DN tiếp cận vốn vay. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện tốt mô hình quản lý điều hành hoạt động tín dụng, phê duyệt cấp tín dụng, tổ chức quản lý rủi ro, quản lý khách hàng nhằm phục vụ nhanh chóng hơn, tốt hơn cho khách hàng nhưng vẫn đảm bảo an toàn, tuân thủ pháp luật. Nghiên cứu xây dựng các chương trình cho vay, gói sản phẩm ưu đãi với khách hàng truyền thống, DN kinh doanh có hiệu quả uy tín thuộc lĩnh vực NNNT, xây dựng triển khai các gói sản phẩm khép kín... Từng bước ứng dụng CNTT trong dịch vụ NH, kể cả việc phê duyệt trên internet với các sản phẩm tín dụng. Đồng thời thực hiện mô hình NH lưu động để phục vụ cho các khách hàng nói chung, đặc biệt với DN phục vụ lĩnh vực NNNT. |
Ông Đỗ Hoàng Phong, Tổng giám đốc CIC: Tăng cường kết nối với khách hàng qua cổng thông tin CIC đã thí điểm vận hành cổng thông tin kết nối khách hàng cá nhân tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và sẽ nhân rộng ra toàn quốc trong năm 2016 - 2017. Năm 2016 CIC sẽ hoàn thiện cổng kết nối với khách hàng DN, xây dựng hệ thống chấm điểm khách hàng vay làm sao bao phủ hết cả DN có vay vốn cũng như không vay vốn. Hiệu quả thông tin của cổng thông tin này rất quan trọng. Cụ thể, đối với khách hàng vay: thông qua cổng thông tin điện tử, có thể tự đăng ký thông tin, nhu cầu vay vốn; khai thác thông tin tín dụng, điểm tín dụng về bản thân, kịp thời khiếu nại khi phát hiện thông tin có sai sót. Thực tế, qua triển khai thí điểm đã phát hiện ra những trường hợp mượn tên, mượn giấy tờ để vay vốn… Còn đối với TCTD: có thể tra cứu danh sách khách hàng có nhu cầu tín dụng để mở rộng phạm vi khách hàng, từ đó có những biện pháp tiếp cận phù hợp để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng an toàn, bền vững… Một trong những giải pháp CIC thực hiện nữa là xây dựng cơ chế để chia sẻ, mở rộng nguồn thông tin để nâng cao độ phủ về thông tin tín dụng, đặc biệt từ các nguồn thông tin ngoài ngành. Đây là một yếu tố quan trọng để duy trì và nâng cao chỉ số chiều sâu về thông tin tín dụng (hiện nay là 7/8 điểm, hướng tới đạt điểm tối đa 8/8 vào năm 2020). Hiện cơ sở dữ liệu thông tin tín dụng quốc gia chủ yếu là thông tin do các TCTD báo cáo; CIC chưa được tiếp cận các nguồn thông tin khác từ các đơn vị khác ngoài ngành do thiếu cơ sở pháp lý về chia sẻ thông tin với các đơn vị ngoài ngành (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Toà án...). Về vấn đề này, CIC kiến nghị NHNN trao đổi với các bộ, ngành hỗ trợ CIC để xây dựng cơ chế chia sẻ thông tin ngoài ngành. |