Bước đệm tới mô hình đặc khu kinh tế
Mặc dù dự án Luật Đặc khu kinh tế đã được Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tư pháp trình Quốc hội tạm thời hoãn lại, song các điều kiện để chuẩn bị cho sự ra đời của mô hình này vẫn đang tiếp tục được bổ sung và hoàn thiện.
Ảnh minh họa |
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Quảng Ninh và Khu kinh tế (KKT) Vân Đồn thuộc tỉnh này. Cụ thể là UBND tỉnh được thành lập Công ty Đầu tư tài chính Nhà nước để huy động vốn xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng. Đối với KKT Vân Đồn, Thủ tướng Chính phủ quyết định bổ sung vào danh sách nhóm KKT ven biển để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách Nhà nước giai đoạn 2013 - 2015.
Ngoài các ưu đãi đầu tư theo quy định hiện hành, KKT Vân Đồn được áp dụng các cơ chế, chính sách tài chính đặc thù như ưu tiên huy động vốn ODA để đầu tư cho một số dự án kết cấu hạ tầng quan trọng trong KKT; được ngân sách Trung ương hỗ trợ tối đa không quá 50% vốn đối ứng cho một dự án ODA của Trung ương đầu tư trên địa bàn, nhưng địa phương cam kết bố trí vốn đối ứng…
Theo một chuyên gia của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đây là ý tưởng tốt trong bối cảnh ngân sách Trung ương gặp nhiều hạn chế, đồng thời hệ thống cơ sở hạ tầng chung vẫn thiếu vốn để phát triển. Vị này cho rằng, nếu thực sự muốn có đột phá tại các vùng nằm trong quy hoạch đặc khu như KKT Vân Đồn, rõ ràng phải tạo cơ chế thích hợp, thậm chí đặc biệt cho các vùng ấy để huy động nguồn lực vào phát triển.
Trước đó, Chính phủ cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án Khu du lịch, dịch vụ và vui chơi giải trí tổng hợp có casino tại huyện đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang. Theo quy hoạch trước đó, Việt Nam sẽ có 3 khu vực là Phú Quốc, Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Vân Đồn được lựa chọn để xây dựng Đề án thí điểm mô hình Đặc khu hành chính, kinh tế.
Như vậy, mặc dù việc hoàn thiện Luật Đặc KKT đã tạm hoãn lại, song các bước chuẩn bị cho mô hình này vẫn đang được tiến hành. Song, cũng theo nhận định của các chuyên gia, những bước đi hiện nay còn khá chậm chạp. Do đó, sự ra đời chính thức của mô hình đặc khu khó có thể diễn ra ở tương lai gần.
Đơn cử như tại KKT Vân Đồn, các cơ chế về tài chính chỉ là một phần, song song với đó cần có quy hoạch cụ thể. Hiện NĐT Hàn Quốc đã thực hiện nghiên cứu đánh giá khả thi để tiến hành xây dựng sân bay Vân Đồn. Cần nhìn nhận rằng, NĐT này rót vốn vào để đón đầu tổ hợp vui chơi, giải trí, thương mại tại KKT Vân Đồn. Tuy nhiên, dự án này hiện cũng chưa được quy hoạch rõ ràng.
Trong khi đó tại Phú Quốc, mặc dù chấp thuận chủ trương xây dựng casino, song các quy định pháp lý về việc cho phép người Việt Nam vào chơi casino cũng chưa hoàn thiện. Chính phủ mới chấp thuận cho phép người Việt Nam đủ 21 tuổi trở lên được vào chơi, trong khi chưa có các điều kiện cụ thể về người chơi. Đồng thời, quy hoạch các điểm cho phép người Việt Nam vào chơi cũng chưa có, khi trước đó chủ trương chỉ là cho thí điểm thực hiện tại Vân Đồn. Đây được xem là một trong những điểm mấu chốt để NĐT chấp thuận rót vốn vào xây casino tại Việt Nam. Còn KKT Vân Phong, tỉnh Khánh Hoà, mặc dù chủ trương xây dựng thành đặc KKT đã có từ khoảng 10 năm trước, song cho tới nay vẫn đang loay hoay ở khâu quy hoạch mô hình hoạt động.
Theo các chuyên gia, điểm nghẽn lớn nhất là những đề xuất trong các đề án thành lập đặc KKT đưa ra cơ chế “quá đặc biệt” so với quy định hiện hành tại luật, pháp lệnh của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nên cần phải được xem xét, cân nhắc. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, các đề xuất này là phù hợp với chủ trương của Nhà nước. Chưa tháo gỡ được điểm nghẽn về ý chí chính trị này thì mô hình đặc KKT sẽ còn ở rất xa. Trong khi, những bước tiến chậm rãi như hiện nay có thể làm nản lòng các NĐT mong muốn đến với Việt Nam.