Các DN đang mong chờ có được sự đột phá quyết định
Cam go nhất là cuộc đấu tranh giữa “cũ” và “mới” | |
Kỳ vọng ở lời nói thẳng | |
Nhiều mô hình hướng tới một mục tiêu |
“FPT thấy từ khi có Thông tư 18/TT- BTTTT/2015 của Bộ Thông tin và truyền thông thì thủ tục nhập khẩu hàng điện thoại còn nhiều hơn trước, thậm chí gây khó khăn nhiều hơn. Theo Thông tư 18, cứ mỗi một lô hàng nhập khẩu, DN lại phải xin phép 1 lần. Mỗi một năm FPT nhập 1000 lô hàng là 1000 lần xin phép, thời gian để nhận được giấy phép là 7 ngày, lâu hơn trước. Vì thế từ sau năm 2016, thời gian lưu kho tăng lên 1 tuần so với trước đây, và với giá trị hàng nhập khẩu khoảng 1 tỷ USD mà nằm lưu kho 1 tuần thì thiệt hại lớn thế nào”, ông Hoàng Việt Hà – Giám đốc điều hành FPT phát biểu tại Hội thảo Kiến tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại tại Việt Nam. Hội thảo do Diễn đàn kinh tế tư nhân tổ chức hôm 5/4/2017.
Ảnh minh họa |
Cũng tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Nguyệt, Giám đốc công ty HDH Việt Nam, phản ánh: “DN chúng tôi chủ yếu nhập khẩu thiết bị viễn thông. Bên anh Hà (FPT-PV) cần 7 ngày để xin giấy phép, còn chúng tôi thì mất tới 30 ngày, vậy là hàng của chúng tôi bị lưu kho 30 ngày. Để có được giấy phép phải qua nhiều khâu thủ tục, ở mỗi khâu DN phải nộp một bộ hồ sơ nặng vài kg giấy – mà các bộ hồ sơ này gồm các thứ giấy tờ y như nhau…”.
Và có những thực tế khác cũng được DN nêu lên tại hội thảo như thủ tục cấp Giấy xác nhận công bố phù hợp với quy định an toàn thực phẩm (ATTP). Để có giấy cho thực phẩm thông thường, theo quy định DN phải đợi ít nhất 15 ngày làm việc, với thực phẩm bổ sung phải đợi 30 ngày. Thực tế thì thời gian đợi chờ giấy xác nhận gấp nhiều lần quy định. Bởi nhiều trường hợp sau khi đã chờ đợi đến đủ 30 ngày, DN mới nhận được thông báo là “hồ sơ không đạt”, phải sửa, bổ sung, nộp lại – DN lại bắt đầu quy trình 30 ngày mới. Có những lô hàng phải sửa bộ hồ sơ nhiều lần, và mỗi lần là một quy trình 30 ngày...!
Ông Hà dẫn ra những quy định vừa “thừa” về mặt quản lý, vừa lãng phí cho thị trường. Đó là quy định về hợp chuẩn quản lý hiệu suất năng lượng tối thiểu và dán nhãn năng lượng áp cho máy in, màn hình laptop nhập khẩu từ châu Âu… trong khi quy định chuẩn của Việt Nam đang thấp hơn chuẩn của châu Âu. Cứ mỗi lần hàng về là một lần thực hiện thủ tục. Mỗi năm FPT có tới 500 lần làm thủ tục như thế với chi phí 1,6 triệu/lần.
Nguyên trong một ngày, đủ cả 2 buổi, hội thảo được nghe rất nhiều lời phản ánh thực tiễn khó khăn và nhiều khuyến nghị giải pháp được đưa ra. Không ít những bức xúc, những vướng mắc mà ngay cả đến cơ quan chức năng cũng cho biết “chúng tôi biết, chúng tôi đã nghe rất nhiều DN phản ánh, chúng tôi cũng đã kiến nghị sửa nhiều lần...” nhưng những cơ quan liên quan khác vẫn... chưa điều chỉnh được!
“Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Tết là sữa, kẹo, bánh nhập khẩu về để biếu tặng người thân rất nhiều, nhưng dù số lượng ít, giá trị ít… có khi chưa đến 1 triệu đồng mà vẫn phải được kiểm tra chuyên ngành. Chúng tôi cũng đã kiến nghị miễn kiểm tra chuyên ngành cho những mặt hàng này, vì thường đây là những hàng của những hãng sản xuất uy tín và họ cũng đã phải tuân thủ và đáp ứng những điều kiện nghiêm ngặt về tiêu chuẩn, chất lượng, an toàn thực phẩm”, ông Ngô Minh Hải - Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về Hải quan – Tổng cục Hải quan cho biết.
Liên quan đến khâu thông quan, ông Hải cho biết có tới 362 văn bản quy định khác nhau và “chúng tôi thấy có rất nhiều sự chồng chéo. Với số lượng hàng hóa qua cửa khẩu ngày một nhiều, mà vẫn thế này khiến thời gian thông quan quá lâu, ảnh hưởng nhiều tới DN”. Ông cho biết ngay trong đầu tháng 4 này cơ quan Hải quan sẽ mời 10 bộ ngành và các cơ quan liên quan rà soát lại 362 văn bản để xem những văn bản nào cần điều chỉnh, sửa đổi để sớm sửa đổi. Và thực tế DN đang mong chờ việc này.
Hội thảo đã ghi nhận sự nỗ lực và quyết liệt tạo điều kiện thuận lợi và môi trường kinh doanh thông thoáng của Chính phủ thể hiện qua loạt Nghị quyết 19 và các Nghị quyết "mạnh mẽ" khác của Chính phủ như Nghị quyết 35, Nghị quyết 100 và Nghị quyết 01/2017...
Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn rất nhiều rào cản, vướng mắc đã tồn tại lâu, đã được kiến nghị nhiều nhưng các cơ quan quản lý chưa có giải pháp điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa triệt để. Thậm chí không ít những quy định mới vừa ban hành đi ngược lại tinh thần Chính phủ kiến tạo, như vụ quy định phí cửa khẩu cảng biển Hải Phòng…. dẫn tới nguy cơ/dự báo sụt giảm hiệu quả kinh doanh do chính các quy định chính sách, pháp luật còn hạn chế, kém ổn định đó...
Cải thiện môi trường kinh doanh đã chuyển từ sự kỳ vọng mơ hồ trở thành nhận thức phổ biến, bộc lộ thành đòi hỏi bức xúc và nay đã là chương trình hành động trọng tâm, xuyên suốt của Chính phủ theo các tiêu chí cụ thể gắn với từng ngành, lĩnh vực. Và các DN đang mong chờ có được sự đột phá quyết định, hiệu ứng tích cực, mang tính hệ thống với tác động lâu bền để DN phát triển kinh doanh từ loạt Nghị quyết 19, ông Đào Huy Giám – Tổng thư ký Diễn đàn kinh tế tư nhân phát biểu.
Tại hội thảo, ông Ngô Hải Phan - Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ khẳng định quyết tâm xây dựng Chính phủ kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt và phục vụ nhân dân tốt hơn, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã tạo được dấu ấn. Thế nhưng, Việt Nam vẫn đứng thứ 82/190 quốc gia được xếp hạng về Chỉ số môi trường kinh doanh và đứng thứ 60/138 về Chỉ số năng lực cạnh tranh - chỉ đứng trên Lào và Campuchia và còn rất thấp so với các nước khác trong khu vực như Malaysia, Singapore…
Ông Phan đã cho biết về những giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ trọng tâm tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP. Trong đó, với vai trò điều phối, tham mưu thực hiện, Văn phòng Chính phủ sẽ đôn đốc, theo dõi, tổ chức kiểm tra, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết; kịp thời phát hiện, tổng hợp khó khăn, vướng mắc của các bộ, ngành, địa phương và đề xuất với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải pháp tháo gỡ. Thực hiện tốt nhiệm vụ kiểm soát TTHC, triển khai cơ chế một cửa, một cửa liên thông…, phát huy vai trò cơ quan thường trực Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ để điều phối, giải quyết khó khăn, vướng mắc, cắt giảm gánh nặng hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN trong hoạt động sản xuất kinh doanh; Ông đặc biệt lưu ý việc phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức đối thoại với DN bởi “đối thoại chân thành để hiểu nhau. Hiểu nhau sẽ giải quyết được vướng mắc. Không hiểu nhau, không thống nhất quan điểm sẽ không giải quyết được việc”.