Nhiều mô hình hướng tới một mục tiêu
Đà Nẵng dẫn đầu bảng xếp hạng PCI năm thứ 4 liên tiếp | |
Thể chế đang “mở cửa” cho đầu tư kinh doanh | |
Ngành Ngân hàng: Không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh |
Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố Việt Nam tiếp tục duy trì xu hướng cải thiện. Tuy nhiên, nếu thứ hạng PCI tăng là điều tỉnh nào cũng mong muốn thì việc mỗi tỉnh, thành phố đã và sẽ có những cách làm sáng tạo và hiệu quả thế nào để “vượt lên chính mình” còn là điều quan trọng hơn.
Chất lượng điều hành kinh tế của các tỉnh, thành phố tiếp tục xu hướng cải thiện |
Nhiều mô hình sáng tạo và hiệu quả để nâng cao năng lực cạnh tranh ở các địa phương như: Ngày thứ Hai dành cho doanh nhân; Café Doanh nhân; Tổ công tác PCI; Chỉ số cạnh tranh cấp sở ban ngành và địa phương xếp hạng cạnh tranh (DDCI); Trung tâm xúc tiến đầu tư IPA; Nụ cười công chức; Chính quyền thân thiện… đã được đại diện các tỉnh, thành phố đưa ra trao đổi tại hội thảo chia sẻ thực tiễn tốt trong cải thiện môi trường kinh doanh cấp tỉnh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tổ chức.
Có lẽ, tất cả những sáng kiến, mô hình mới và hiệu quả mà các tỉnh, thành phố đang triển khai chính là để mở thêm các kênh nhằm hỗ trợ, kết nối tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho DN và lớn hơn là để tương tác tốt nhất giữa chính quyền với DN theo đúng tinh thần Chính phủ kiến tạo phát triển và hành động phục vụ.
Ngày thứ Hai cho doanh nhân
Đây là một trong những mô hình kết nối DN với chính quyền địa phương được đánh giá cao tại Cần Thơ được áp dụng bắt đầu từ tháng 3/2016. Lúc đó, Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ đã ban hành một chỉ thị, trong đó nêu rõ vào mỗi ngày thứ Hai hàng tuần, thay vì tổ chức các cuộc họp (trừ các cuộc họp đột xuất hoặc có chỉ đạo từ trước) thì từ UBND thành phố tới sở, ban, ngành sẽ dành trọn ngày này để tiếp các DN, qua đó nắm bắt và hỗ trợ giải quyết vướng mắc cho DN. Điều này được các DN trên địa bàn phấn khởi, hưởng ứng mãnh liệt.
Theo ông Võ Hùng Dũng - Giám đốc VCCI Cần Thơ, mô hình “Ngày thứ Hai dành cho doanh nhân” lúc đầu do chưa có sự kết nối tốt nên việc tham gia của các doanh nhân chưa nhiều. Nhưng sau đó, qua một vài tuần thực hiện, các doanh nhân đã kết nối, thông báo cho nhau để cùng tham gia. Và đến nay, mô hình này đã thu hút đông đảo DN tham gia, trở thành câu chuyện điển hình trong cả nước.
Bên cạnh đó, Cần Thơ cũng thành lập đường dây nóng để tiếp nhận ý kiến, phản ánh và đề xuất của các DN để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh (MTKD). Đồng thời hàng tháng, UBND TP. Cần Thơ cũng tổ chức đối thoại với DN, qua đó tháo gỡ ngay tại chỗ, cũng như triển khai nhiều đoàn xuống làm việc với DN để lắng nghe phản hồi từ DN.
Cũng trong năm 2016, địa phương này đã thành lập Trung tâm hỗ trợ DN TP. Cần Thơ. Khi đến trung tâm tâm này, các DN và nhà đầu tư (NĐT) sẽ được hỗ trợ tất cả các thủ tục qua bộ phận một cửa. Ngoài hỗ trợ về mặt thủ tục và giải quyết các vướng mắc trước và trong quá trình đầu tư kinh doanh, Cần Thơ cũng hỗ trợ DN nhiều vấn đề khác.
Như gần đây, sau khi tiếp nhận ý kiến của một số DN cho biết cần lao động tay nghề cao nhưng nếu phải gửi đi TP. Hồ Chí Minh đào tạo sẽ tốn kém nhiều thời gian và chi phí, vì vậy, lãnh đạo Cần Thơ đã làm việc với các cơ sở đào tạo nghề lớn ở TP. Hồ Chí Minh để tới đây mở các lớp đào tạo ngay tại địa bàn.
Ông Nguyễn Thanh Liêm - Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Cần Thơ nhận định: “Qua một chuỗi hoạt động như vậy thì Cần Thơ muốn gửi đi thông điệp rằng: DN đến với Cần Thơ sẽ được hỗ trợ hết sức. Chúng tôi sẽ luôn đồng hành cùng DN”.
Mô hình Café Doanh nhân
Trong khi đó, xuất hiện từ khoảng 2-3 năm trở lại đây, mô hình Café Doanh nhân - nơi gặp gỡ trao đổi giữa lãnh đạo các tỉnh với các doanh nhân hoạt động trên địa bàn đang xuất hiện ngày càng nhiều ở các tỉnh thành và cho thấy rõ những hiệu quả. Đáng chú ý là nếu trong thời gian đầu đi vào hoạt động, nội dung trao đổi chủ yếu tập trung vào những khó khăn, vướng mắc và hướng giải quyết thì càng về sau này, những trao đổi hướng nhiều hơn đến những sáng kiến, tương tác để phát triển.
Được triển khai từ cuối năm 2015 ngay tại tại khuôn viên UBND tỉnh, mô hình Café Doanh nhân tại Đồng Tháp không chỉ là nơi để giải quyết bức xúc, khó khăn cho DN mà quan trọng hơn là nơi gặp gỡ, trao đổi thông tin hai chiều.
Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Môi trường Café Doanh nhân đã tạo sự tương tác hai chiều cho DN và chính quyền, chia sẻ thông tin. Ban đầu có thể chỉ là nơi để DN bày tỏ những khó khăn, nhưng sau đó là những hiến kế, sáng kiến cho địa phương. Ngược lại, lãnh đạo địa phương có thể qua đó thăm dò ý kiến DN, để bồi dưỡng về kinh tế thị trường, tư duy cho lãnh đạo tỉnh, bởi DN chính là người sát thị trường nhất, giúp lãnh đạo tiếp cận được tư duy thị trường và vận dụng vào việc quản lý của địa phương”.
Mô hình này thậm chí đã được tỉnh Thái Nguyên triển khai sớm hơn, từ năm 2014. Nếu trước đây, việc gặp gỡ được đầy đủ các lãnh đạo của tỉnh hay các sở, ban, ngành là một việc không dễ dàng thì với mô hình Café Doanh nhân, những khoảng cách giữa chính quyền và DN như vậy đã được loại bỏ. Đây được xem là một diễn đàn mở mang lại nhiều lợi ích mà qua đó, mọi khó khăn của DN đều có thể trao đổi để tìm hiểu, tháo gỡ. Hơn thế nữa, sự lan tỏa của Café Doanh nhân đã góp phần dần làm thay đổi tư duy “hành là chính” của một bộ phận công chức sang tư duy đồng hành, tự nguyện phục vụ DN. Chính vì những tác động tích cực đó, Café Doanh nhân tại Tuyên Quang hiện đã được tổ chức hàng ngày.
Ông Nguyễn Hữu Thập - Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tuyên Quang: “Mô hình này thực sự đã giúp rút ngắn khoảng cách giữa các DN với lãnh đạo tỉnh, là một “cơ chế mềm” giải quyết có hiệu quả những khó khăn vướng mắc của DN. Đặc biệt, sự chụm đầu lại của DN và lãnh đạo tỉnh đã giúp tìm ra hướng phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương”.
Đến “Bác sĩ doanh nghiệp”
Để giải quyết các kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của DN, thông thường các tỉnh, thành phố sẽ thông qua các hình thức như: Gặp mặt DN; Đối thoại với DN; Thu thập và giải quyết kiến nghị thông qua Hiệp hội DN; Nắm bắt ý kiến của DN trong các đợt khảo sát, nắm tình hình của các cơ quan Nhà nước cấp Trung ương, tỉnh; Quy định trách nhiệm người đứng đầu trong giải quyết kiến nghị của DN… Tuy nhiên, các hình thức và cơ chế như trên trong nhiều trường hợp vẫn chưa giải quyết được những vướng mắc cho DN, đặc biệt là đối tượng DNNVV.
Đơn cử tại Bắc Ninh, một khảo sát do Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh tiến hành cho thấy, vẫn có tới 68% DN có vướng mắc và 43,8% DN khi vướng mắc thì đã gặp chính những cơ quan công quyền để giải quyết. Và viện này đã đề xuất thành lập mô hình “Bác sĩ DN” để trợ giúp DN.
Mô hình này ban đầu được tổ chức với mục đích là để hỗ trợ các DNNVV trong Hiệp hội DNNVV Bắc Ninh. Thông qua việc trực tiếp đến DN tìm hiểu ngọn ngành các khó khăn, vướng mắc của DN; Tư vấn, hỗ trợ DN về quản trị kinh doanh; Phối hợp với các sở, ban, ngành để giải quyết vướng mắc trên tinh thần minh bạch, không làm phát sinh chi phí không chính thức … “Bác sĩ DN” đã cho thấy những thành công bước đầu. Một số DN lớn, thậm chí cả các DN FDI cũng quan tâm đến mô hình này, bởi chỉ với chi phí rất thấp, thậm chí bằng 0 nhưng các chuyên gia (bác sĩ) sẽ giúp họ chẩn đoán, tư vấn và giải quyết được những khó khăn vướng mắc trong hoạt động.
Theo ông Nguyễn Phương Bắc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Bắc Ninh, mô hình này nên được mở rộng cho các tỉnh đã có trung tâm hoặc ban xúc tiến đầu tư, bởi đây là những bộ phận chuyên trách có thể hỗ trợ phát triển “Bác sĩ DN”. Các địa phương có tổ công tác và ban chỉ đạo PCI cũng nên thành lập mô hình này, bởi các đơn vị này sẽ giúp DN được truyền tải và giải quyết những vướng mắc đang gặp phải. “Mô hình “Bác sĩ DN” là một minh chứng để chúng ta thể hiện trách nhiệm và để các DN cảm nhận thấy họ được chăm sóc, ủng hộ và tạo điều kiện từ một chính quyền phục vụ”- ông Bắc nói.