Kỳ vọng ở lời nói thẳng
Nhiều mô hình hướng tới một mục tiêu | |
PCI và những việc phải làm |
Hai bản báo cáo quan trọng cùng được công bố hôm 14/3, cho thấy một khía cạnh đáng buồn của nền kinh tế hiện nay - chi phí không chính thức. Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2016 chỉ rõ, chi phí không chính thức giai đoạn 2014-2016 chưa có dấu hiệu cải thiện so với mốc năm 2006. Năm nay, trung bình có khoảng 66% DN tại tỉnh trung vị cho biết thường xuyên chi trả các khoản không chính thức, cao hơn 12-15 điểm phần trăm so với giai đoạn 2008-2013.
Ảnh minh họa |
Đáng báo động là chuyện này đang lây lan sang cả DN FDI. Theo PCI 2016 thì có khoảng 25% DN FDI thừa nhận trả tiền bôi trơn để có được giấy phép đầu tư; 13,6% trả hoa hồng khi cạnh tranh các hợp đồng của cơ quan Nhà nước; 49% DN đã chi trả chi phí không chính thức khi làm thủ tục thông quan; 45% DN đã đưa quà và các chi phí không chính thức trong đợt thanh, kiểm tra trong năm 2016…
Một báo cáo quan trọng khác công bố cùng ngày cũng cho thấy mức độ phải trả tiền bôi trơn là phổ biến, liên quan trực tiếp đến người dân.Khảo sát của Bộ Nội vụ về mức độ hài lòng của người dân đối với việc giải quyết thủ tục hành chính6 lĩnh vực gồm: cấp giấy chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép xây dựng nhà ở, giấy đăng ký kết hôn, giấy khai sinh và giấy chứng thực cho biết cả 6 lĩnh vực đều có tình trạng người dân phải trả thêm tiền ngoài phí, lệ phí được Nhà nước quy định. Tỷ lệ phải trả thêm chi phí “ngoài luồng” chiếm từ 4,9% đến hơn 28%.
Nhưng cũng theo cơ quan thực hiện khảo sát, kết quả trên có thể còn chưa phản ánh hết mức độ phổ biến của vấn đề, bởi mới lấy ý kiến người dân tại 108 xã của 3 thành phố trực thuộc Trung ương và 7 vùng trong cả nước. Kết quả được công bố cũng cho thấy có những dấu hiệu chưa phản ánh sát với thực tiễn. Ở một số địa phương xác định có tình trạng cố tình phát phiếu khảo sát không đúng đối tượng…
Hai báo cáo kể trên cho chúng ta mường tượng được chi phí xã hội của người dân, chi phí của DN phải bỏ ra là lớn và không hợp lý, trái quy định. Nhưng đáng buồn là tình trạng này khá phổ biến, phần nào cho thấy mức độ nhũng nhiễu của cán bộ thực thi công vụ. DN tăng chi phí không hợp lý thì đương nhiên ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh, mà ở giai đoạn hội nhập và cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì đây là một bất lợi cho cả nền kinh tế. Chi phí DN cao gây sức ép giảm lợi nhuận và khó cải thiện thu nhập cho người lao động.
Nó cho thấy chi phí không chính thức đang bào mòn đi sức khỏe DN. Với hàng trăm nghìn DN phá sản, ngừng hoạt động trong những năm vừa qua, không rõ bao nhiêu trong số đó chịu ảnh hưởng bởi các loại chi phí “ngoài luồng” như thế. Theo PCI 2016, 9-11% DN tham gia điều tra từ năm 2014-2016 cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ.
Riêng với người dân, ngoài tư cách là người lao động chịu sức ép khó tăng thu nhập thì họ còn phải chi phí không chính thức khi thực hiện các thủ tục hành chính như nêu trên, lại càng khó khăn hơn.
Về tổng thể, có thể thấy rằng, những lời nói thẳng từ báo cáo PCI hay khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với việc giải quyết thủ tục hành chính là đặc biệt quan trọng. Có thể ai đó cảm thấy phiền lòng về thực trạng đáng buồn như vậy được minh bạch hóa. Có thể những thông tin như vậy khiến các ý tưởng kinh doanh chưa kịp hình thành đã đóng lại một cách đầy thất vọng. Nhưng có nói thật như thế mới tiến tới giải quyết được thực trạng buồn này. Kết quả vừa qua là một minh chứng.
Những lời nói thẳng từ các báo cáo nêu trên cũng đang tạo nên một sức lan tỏa lớn, đặc biệt là hướng các địa phương - nơi thực thi chủ yếu các thủ tục hành chính liên quan đến DN và người dân - vào các hoạt động cải cách. Theo báo cáo PCI 2016, các DN FDI cảm nhận một số loại tham nhũng vặt có xu hướng giảm. Một số khoản chi không chính thức giảm đến 10 điểm phần trăm so với năm trước đó.
Trên thực tế, suốt 12 năm đều đặn công bố PCI, cơ quan thực hiện báo cáo này đã tạo nguồn cảm hứng cho nhiều chương trình hành động cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh ở các cấp; tạo hiệu ứng lan tỏa từ địa phương lên Trung ương. Ngay trong bản báo cáo PCI 2016 cũng cho thấy nhiều tín hiệu khởi sắc về môi trường kinh doanh. Gần một nửa số DN trong nước có dự định mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh trong 2 năm tới. Tương tự, hơn một nửa số DN FDI có ý định tăng quy mô hoạt động, mức cao nhất kể từ năm 2010.
Đó mới là thành tựu cao nhất của những lời nói thẳng từ PCI, hay từ khảo sát mức độ hài lòng của người dân đối với việc giải quyết thủ tục hành chínhvừa được công bố. Nó đem lại kỳ vọng cải cách hơn nữa từ địa phương cho tới Trung ương trong thời gian tới.