Các quốc gia khu vực Đông Nam Á: Chuẩn bị đánh thuế với lĩnh vực thương mại điện tử
Luật Quản lý thuế: Gia tăng kiểm soát với thương mại điện tử | |
Doanh nghiệp tận dụng thương mại điện tử | |
Quy mô thị trường thương mại điện tử Việt Nam lớn thứ hai ASEAN |
Hiện nay, Indonesia, Thái Lan và Malaysia là những quốc gia đầu tiên thuộc khu vực đang cân nhắc các loại thuế trên. Động thái đánh thuế ngành bán hàng trực tuyến tại Đông Nam Á trùng khớp với những biện pháp đang được thực hiện tại châu Âu và Mỹ. Bên cạnh đó, nó còn đặt các nhà bán lẻ trực tuyến vào một sân chơi công bằng cùng các hãng bán lẻ khác.
Steven Sieker, trưởng nhóm thuế khu vực châu Á - Thái Bình Dương thuộc Baker McKenzie, cho biết hiện nay tại khu vực Đông Nam Á, các công ty phải tuân thủ các chế độ thuế thương mại điện tử khác nhau, hoặc không chịu thuế ở một vài trường hợp. Việc tồn tại một môi trường pháp lý không chắc chắn và không đồng bộ của khu vực vẫn là một thách thức lớn đối với các công ty địa phương và nước ngoài hoạt động tại khu vực Đông Nam Á.
Nhiều trang thương mại điện tử tại Đông Nam Á sẽ phải đóng thuế khá cao |
Indonesia là quốc gia đầu tiên trong khu vực đang đưa ra các quy định về đánh thuế thương mại điện tử. Từ đầu năm 2018, Indonesia đã yêu cầu các nhà bán hàng trực tuyến phải ghi mã số thuế của họ. Chính phủ nước này tin rằng cách làm như vậy sẽ thúc đẩy doanh thu và giúp cải thiện việc tuân thủ thuế đối với ngành thương mại điện tử đang tăng trưởng rất nhanh. Trong số những công ty thương mại điện tử Indonesia thì PT Tokopedia và PT Bukalapak.com đã yêu cầu những người bán hàng trên đó công bố mã số thuế và đây sẽ là điều kiện để những người bán hàng trên mạng được phép hoạt động trên các nền tảng công nghệ số.
Để khuyến khích các doanh nghiệp thương mại điện tử tự động nộp thuế, Indonesia cũng đưa ra các quy định giảm thuế đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Theo đó, từ cuối năm 2018, Chính phủ Indonesia đã hạ mức thuế đối với các hộ kinh doanh, công ty nhỏ và vừa xuống còn 0,5% so với 1% của các công ty lớn, và thời gian ưu ái thuế cho mỗi doanh nghiệp như thế sẽ kéo dài đến bảy năm.
Thái Lan cũng đang trong quá trình chuẩn bị áp dụng thuế thương mại điện tử. Vào cuối tháng 8 vừa qua, Hội đồng Quốc gia Thái Lan đã xem xét việc ban hành Luật thuế thương mại điện tử để tăng thêm nguồn thu cho Cục Ngân sách và mở rộng nền tảng thuế.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Thái Lan Uttama Savanayana cho biết, bộ này đã thành lập một ủy ban cải cách cấu trúc thuế, do Thư ký thường trực Bộ Tài chính Prasong Poontaneat làm Chủ tịch, với các thành viên bao gồm đại diện từ Cục Ngân sách, Cục Thuế, Cục Hải quan và Văn phòng Chính sách tài khóa.
Ông Prasong cho biết, luật thuế thương mại điện tử, hiện đang được Hội đồng Quốc gia xem xét, sẽ tăng thêm nguồn thu cho Cục Ngân sách và mở rộng nền tảng thuế. Trong khi đó, Cục trưởng Cục Ngân sách Ekniti Nitithanprapas khẳng định cơ quan này thúc đẩy dự luật thương mại điện tử để Quốc hội xem xét trong năm nay và dự luật sẽ có hiệu lực vào năm tới.
Cục Ngân sách dự kiến sẽ tăng thuế giá trị gia tăng khoảng 3-4 tỷ baht (100-130 triệu USD), áp dụng đối với các nền tảng điện tử của người nước ngoài không có sự hiện diện vật chất tại Thái Lan. Để phòng chống tình trạng trốn thuế, cơ quan này đang tăng cường trao đổi thông tin thuế với các nước khác. Việc không thể thu thuế đối với các doanh nghiệp vận hành trên nền tảng điện tử có trụ sở ở nước ngoài là một vấn đề toàn cầu và một số quốc gia đã áp dụng mức thuế bằng 3% giá trị giao dịch. Thái Lan vẫn cần thời gian để nghiên cứu về loại thuế này.
Trong khi đó, Malaysia cũng đang khởi động một kế hoạch đánh thuế tương tự đối với lĩnh vực thương mại điện tử. Subromaniam Tholasy, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết quốc gia này đang chỉnh sửa một số điều luật thuế, đặc biệt liên quan tới GTS, nhằm thu thuế các công ty nước ngoài cung cấp các dịch vụ số tại Malaysia.
Động thái đánh thuế ngành bán hàng trực tuyến tại Đông Nam Á trùng khớp với những biện pháp đang được thực hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Trung Quốc, Bắc Kinh cũng đang đưa ra các quy định thu thuế đối với các đơn vị bán lẻ hoạt động trên nền tảng Taobao của Alibaba.
Tương tự như vậy, các trang thương mại điện tử tại EU cũng chịu mức thu thuế giá trị gia tăng giống như các cửa hàng thông thường. Tại Mỹ, trước đây, các doanh nghiệp chỉ phải thu thuế khi các hoạt động bán hàng vẫn có sự hiện diện của nhân viên. Tuy nhiên, kể từ năm 2017, nhiều bang đã tiến hành thu thuế với hàng hóa tại các gian trưng bày điện tử mà không có sự tham gia của nhân viên bán hàng, trong đó Amazon hiện là công ty phải chịu mức thuế nhiều nhất khi các quy định này đi vào hiệu lực.