Thể chế và con người: Nhân tố quyết định cho sự phát triển của đất nước
Những tác động tích cực từ chính sách đổi mới ngày đó đến nay đã hết. Và nếu không có một sự thay đổi mang tính bước ngoặt giống như 30 năm về trước, thì Việt Nam sẽ tụt hậu hơn so với các quốc gia khác trong khu vực rất nhiều. Ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhìn nhận như vậy trong buổi trò chuyện với báo giới mới đây.
Theo như ông nói, khả năng tụt hậu mà một số chuyên gia mới đây có khuyến cáo là có cơ sở. Vậy để chúng ta tiếp tục phát triển và tránh nguy cơ tụt hậu, theo Bộ trưởng thì đâu là giải pháp căn bản?
Ông Bùi Quang Vinh |
Chúng ta thấy rằng, nếu tiếp tục phát triển “bình bình” như hiện nay, chúng ta sẽ gặp khó khăn, sẽ tụt hậu rõ ràng. Vì chúng ta mới đi vào nền tảng, chưa xây dựng được đầy đủ các nhân tố thị trường.
Ví dụ, thị trường đất đai đang méo mó, do chúng ta chưa phân biệt được quyền sử dụng và quyền sở hữu. Đó chỉ là một ví dụ, trong khi nhiều vấn đề phân bố nguồn lực của đất nước hiện nay vẫn theo cơ chế hành chính, không phải cơ chế thị trường…
Nên theo tôi, để không tụt hậu, những giải pháp căn cơ nhất là tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế theo hướng xây dựng những nhân tố thị trường một cách đầy đủ hơn.
Xin được mượn lại câu hỏi mà Giám đốc Ngân hàng Thế giới đã hỏi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để phỏng vấn lại Bộ trưởng: Vậy Việt Nam lấy gì để phát triển trong thời gian tới?
Thể chế và con người là hai nhân tố quyết định cho đất nước Việt Nam phát triển. Việt Nam sẽ phát triển thông qua những thể chế phù hợp nhất với thế giới và điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam, để khơi dậy tất cả tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam, khơi dậy trí tuệ con người Việt Nam.
Con người phải được sử dụng thật sự, phải chọn được những người tài năng, tâm huyết nhất, có trách nhiệm nhất. Những người như vậy phải được trọng dụng trong tất cả các tầng nấc xã hội. Con người là nguồn năng lượng vô cùng lớn mà nhờ đó nhiều quốc gia không có tài nguyên gì đã trở thành một quốc gia phát triển mạnh.
Bên cạnh đó phải là thể chế tốt. Tôi hy vọng trong tương lai Việt Nam sẽ thúc đẩy được hai yếu tố này và phát triển nhờ hai yếu tố này.
Ông đã rất trăn trở với vấn đề đổi mới, cải cách thể chế. Ông có chịu sức ép, gặp khó khăn nhiều không?
Về cơ bản tôi không chịu nhiều sức ép lắm, bởi vì bên cạnh tôi có nhiều đồng chí cấp cao hơn tôi ủng hộ và khuyến khích sự đổi mới. Quốc hội là ví dụ, Chính phủ cũng ủng hộ. Tôi nghĩ rằng, đổi mới đã thực sự được kiểm chứng cho dân tộc, cho đất nước, nên sẽ được ủng hộ.
Tuy vậy, áp lực là có. Để đổi mới không tránh khỏi những đụng chạm lợi ích của ngành này, ngành kia, cá nhân này, cá nhân kia, và họ không đồng ý, họ phản đối. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phải chịu không ít áp lực này. Cá nhân tôi phải chịu nhiều hơn, đặc biệt trong quá trình soạn thảo các luật mới được ban hành gần đây như Luật Đầu tư công, Luật DN và Luật Đầu tư.
Để không tụt hậu, những giải pháp căn cơ nhất là tiếp tục đổi mới thể chế kinh tế theo hướng xây dựng những nhân tố thị trường một cách đầy đủ hơn |
Có một thực tại Chính phủ đã rất nỗ lực đổi mới thể chế để cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên sau một thời gian bị chặt, bị cắt bỏ, giờ nhiều giấy phép con lại xuất hiện. Vì sao vậy, thưa Bộ trưởng?
Cải thiện môi trường kinh doanh là một quá trình, và không thể chỉ một vài luật là dỡ bỏ được các rào cản. Đã vậy, tư duy “xin - cho” vẫn đang bám rễ trong một số người. Cho nên, đúng là vẫn còn có chuyện ban hành nhiều giấy phép con.
Chính vì vậy, Chính phủ mới đây đã thành lập tổ thi hành Luật DN để kiểm tra vấn đề trên. Đầu năm 2016, chúng ta sẽ tiến hành rà soát xem từ khi các luật ra đời có bao nhiêu giấy phép con ban hành, từ đó sẽ bàn với Chính phủ và các bộ, ngành giải quyết.
Tôi nghĩ rằng, điều căn bản nhất là chúng ta đã có được hệ thống pháp luật quy định minh bạch. Tư tưởng “chọn bỏ” của chúng ta cũng rất mới, mới hơn cả những cam kết tại hiệp định song phương và đa phương chúng ta ký. Với tinh thần như thế, triển khai một hai năm sẽ đi vào nề nếp.
Hiện chúng ta đã công bố công khai trên cổng thông tin DN quốc gia tất cả những ngành luật pháp cấm và tất cả những ngành nghề kinh doanh có điều kiện; quy định trong luật rằng chỉ có nghị định từ Chính phủ trở lên mới có quyền hạn chế quyền kinh doanh của người dân…
Việt Nam đã kết thúc đàm phát và ký kết một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng. Tuy nhiên, có nhiều ý kiến đã nói về sự chuẩn bị của Việt Nam cho những bước hội nhập mới này chưa tốt. Vậy ý kiến của Bộ trưởng thế nào?
Có thể nói, Việt Nam đang rất tích cực tham gia ký kết các FTA. Bước vào năm 2016, chúng ta đã bắt đầu bước chân vào hội nhập ở mức cao hơn.
Tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN, thực hiện FTA với Hàn Quốc, với Liên minh kinh tế Á-Âu… chúng ta phải đối mặt với nhiều thách thức lớn từ việc tự do về luân chuyển hàng hóa, tự do về luân chuyển đầu tư, và tự do luân chuyển về lao động có kỹ thuật cao. Có thể nói, đây là bước ngoặt trong nền kinh tế Việt Nam.
Hiện có hai luồng quan điểm. Một phía cho rằng chúng ta đã chuẩn bị tốt, Chính phủ chuẩn bị tốt, DN cũng được chuẩn bị. Nhưng một luồng quan điểm khác cho rằng chúng ta cần có một kế hoạch rõ ràng hơn, cụ thể hơn cho mỗi DN, người dân hiểu được cơ hội cũng như thách thức mà các FTA này đem lại… Vì mỗi ngành có thách thức khác nhau và cần đánh giá đúng đối thủ của mình. Đó là những vấn đề cơ bản.
Cái chúng ta đã làm được là thông tin với ngành hàng, nhưng chưa làm đủ. Nếu chỉ vậy thì không tận dụng được đầy đủ các cơ hội do FTA mang lại, thậm chí có thể chịu tác động ngược chiều không mong muốn... Tôi kỳ vọng các bộ, ngành làm nhiều hơn thế. Nhất là khi các FTA thế hệ mới như TPP, FTA với EU còn chưa được chính thức ký kết, chúng ta đang có thời gian để trang bị kiến thức, soạn thảo kế hoạch chi tiết để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức…
Xin cảm ơn ông!
Theo rà soát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, từ ngày 1/7/2015, sau khi Luật DN và Luật Đầu tư mới có hiệu lực thi hành, ít nhất 3.299 điều kiện kinh doanh được quy định tại 170 thông tư, quyết định của các bộ cần phải bãi bỏ. Song, đây chỉ là tính toán trên giấy. Bởi vì trong khi nhiều điều kiện trong số này chưa thực sự được gỡ bỏ thì hàng loạt điều kiện khác lại mọc lên. |