Cải cách thể chế: Không thể chần chừ thêm nữa
Cải cách thể chế là chủ đề liên tục được “xới xáo” lên tại các diễn đàn kinh tế lớn nhỏ tại Việt Nam trong mấy năm vừa qua. Tuy nhiên, cải cách như thế nào và phải bắt đầu từ đâu thì có vẻ vẫn còn rất mông lung.
Trọng tâm của cải cách phải nằm ở phía Nhà nước |
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh, trong một hội thảo tổ chức mới đây thừa nhận, hiện nay nhiều người vẫn ngại nói về cải cách, né tránh đổi mới, bởi vẫn còn tâm lý muốn giữ lại quyền lợi của mình. Tuy nhiên, cải cách giờ đây đã là nhu cầu cấp bách hơn bao giờ hết và không thể chần chừ thêm nữa. Bởi hiện nay, các yếu tố tác động tích cực đã “lạc hậu”, dư địa phát triển đã hết.
Kết quả phát triển kinh tế - xã hội của 30 năm đổi mới vừa qua, khi chuyển từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung quan liêu sang kinh tế thị trường (dù chưa đầy đủ), có thể coi là những thành tựu lớn. Những nhân tố tích cực được phát huy, khi chúng ta chuyển từ tư duy “cho phép” sang tự do, cởi trói, làm khơi dậy động lực của mọi thành phần kinh tế. Nhưng, nhân tố đổi mới của thời kỳ đó đến nay đã tới hạn, nếu không thay đổi thì không thể duy trì tốc độ phát triển, thậm chí rối loạn. Vì vậy, đây là thời điểm cần có đổi mới phiên bản hai.
TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng nhấn mạnh, cuộc cải cách lần này là tất yếu, bởi “chúng ta không có đường lùi, cũng không có con đường khác”.
Theo ông Cung, bản chất của đổi mới phiên bản hai lần này là nâng cấp, nâng chất lượng của nền kinh tế Việt Nam theo hướng kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại và hội nhập. Trong đó, nội dung của cải cách nằm ở cả thị trường và Nhà nước. Song, trọng tâm của cải cách phải nằm ở phía Nhà nước, vì đây là điều kiện cần để thúc đẩy cải cách ở phía thị trường, rồi dần lan tỏa ra cả nền kinh tế.
Cụ thể, không chỉ thu hẹp lại quy mô và phạm vi mà còn đổi mới toàn diện khu vực Nhà nước, nhất là quản trị quốc gia. Theo hướng đó, vai trò, chức năng của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường là bổ sung cho thị trường, kết hợp với thị trường để hướng tới hình thành thị trường hoàn hảo. Hướng đến duy trì kỷ cương, trật tự xã hội, thiết lập và duy trì cạnh tranh thị trường công bằng, khắc phục khiếm khuyết của thị trường. Đổi mới cơ cấu tổ chức Nhà nước, nhất là tổ chức Chính phủ, cơ cấu tổ chức các bộ, các cơ quan thuộc Chính phủ…
TS. Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ KH&ĐT cũng đồng tình và bổ sung, vừa qua chúng ta chủ yếu huy động thêm nguồn lực vào sản xuất, giờ phải hoàn thành chuyển đổi sang kinh tế thị trường, các yếu tố sản xuất phải dựa trên quy mô kinh tế, tăng năng suất lao động, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo sự công bằng của tất cả mọi người trong quá trình phát triển.
Cụ thể hoá mô hình kinh tế của Việt Nam, ông Thắng đặt vấn đề, đó là cơ cấu quyền lực theo hướng Nhà nước kiến tạo phát triển, hỗ trợ thị trường. Sở hữu Nhà nước trước đây phải chuyển sang sở hữu tư nhân. Cơ chế điều phối phân bổ nguồn lực phải do thị trường quyết định. Phải có ràng buộc ngân sách cứng. Có cơ chế mà giá cả được phản ứng nhanh nhạy, song song với chính sách hỗ trợ các đối tượng xã hội riêng…
Ông Thắng lạc quan, xây dựng mô hình mới có thể kiên trì với mục tiêu phát triển nhanh và bền vững. Khả năng này là hoàn toàn đạt được. Bởi các quốc gia phát triển có thời kỳ dài đều tăng trưởng 8-9%/năm. Việt Nam trong giai đoạn vừa qua có được 2 năm tăng trưởng 9%, 7 năm ở mức 8%, còn lại đều dưới mức này.
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh thêm vào việc nâng cao vai trò của người đứng đầu. “Hệ thống quản trị dựa trên nguyên tắc tập trung dân chủ, dường như nó gắn với chế độ vô trách nhiệm nhiều hơn”, ông nói. Với nguyên tắc này, bóng dáng cá nhân không có, không làm cho ai phải chịu trách nhiệm. Vận hành bộ máy không dựa trên trách nhiệm cá nhân thì không thể thành công được. Vấn đề này gần đây đã bước đầu có chuyển biến tích cực ở một số bộ, ngành và cần được nhân rộng.
Mặc dù vậy, các chuyên gia cũng nhìn nhận cải cách thể chế là quá trình dài hơi, không thể hoàn thành một sớm một chiều. Về giải pháp cho thời gian tới, TS. Nguyễn Đình Cung nêu ra dư địa có thể của cải cách thể chế trong giai đoạn 2016-2020. Theo đó, thay đổi vai trò của kinh tế Nhà nước là chưa thể, nhưng thay đổi vai trò của DNNN thì có thể và nếu làm được thì đó sẽ là bước tiến lớn...