Cải cách thể chế mở cơ hội kinh doanh
Phát biểu tại Hội thảo thường niên Kịch bản kinh tế Việt Nam năm 2015 diễn ra tuần qua ở TP. Hồ Chí Minh, TS. Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng: “Chỉ có cải cách thể chế kinh tế hội nhập sâu rộng cơ hội mới mới thực sự mở ra cho DN”.
Ảnh minh họa |
Ông Lịch nêu quan điểm trên trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang trên đà phục hồi, nhưng những thách thức về dài hạn vẫn đang hiện hữu trước mặt: nền sản xuất mang nặng tính gia công, giá trị gia tăng thấp, khả năng tự chủ và năng lực cạnh tranh yếu… Trong khi đó, thách thức từ việc hội nhập sâu rộng hơn với thế giới đặt ra ở thời điểm nhiều hiệp định thương mại tự do đã ký kết và được áp dụng, cũng như đang đi đến giai đoạn cuối của đàm phán…
Đi cùng quá trình mở rộng giao thương quốc tế, độ mở nền kinh tế lớn dần nhưng thực chất, đóng góp vào kim ngạch xuất nhập khẩu chủ yếu có vai trò của khối DN FDI. Phía DN trong nước, năng lực bị bào mòn qua các giai đoạn lạm phát tăng tốc trước đây, khiến chi phí vốn bị đẩy lên và tiền công tiền lương cũng phải chạy theo, khiến giá thành sản xuất liên tục tăng cao. Trong khi, đa số các cơ xưởng chủ yếu được đầu tư công nghệ lạc hậu để sản xuất sản phẩm và xuất khẩu “thô”, giá trị gia tăng thấp, chưa thực sự đặt vào khuôn khổ cạnh tranh toàn cầu.
TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nêu lên thực trạng năng suất lao động chưa hiệu quả. Tăng trưởng kinh tế suốt 10 năm qua vẫn chủ yếu dựa vào vốn đầu tư. Hệ số sử dụng vốn trên một đơn vị sản phẩm làm ra vẫn ở mức cao, gây mất cân đối nghiêm trọng giữa tích lũy và đầu tư, gây sức ép lên nhập siêu, thâm hụt ngân sách và gia tăng nợ công... Theo TS. Thành, năng suất và hiệu quả đang thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Việt Nam trong quá trình cạnh tranh và hội nhập.
Để xử lý tận gốc những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế, đồng quan điểm phải cải cách thể chế kinh tế theo hướng có chất lượng và hiệu quả, các chuyên gia cho rằng: Kinh tế vĩ mô ổn định, môi trường pháp lý tốt, một nền hành chính phục vụ chính là 3 yếu tố hỗ trợ lớn nhất cho DN hội nhập và phát triển.
Và đó là những vấn đề dài hạn cần khắc phục. Nhất là khi hội nhập ẩn chứa những thách thức nhưng luôn là cơ hội cho DN vượt qua để phát triển bền vững. Với nền tảng trước mắt, lãi suất đã giảm và vốn ngân hàng luôn sẵn sàng giải ngân cho những ý tưởng kinh doanh tốt. Vấn đề là những dự án của DN có chứng minh đủ khả năng cạnh tranh để tồn tại và phát triển hay không, nhất là đối với các ngành được xác định là lĩnh vực ưu tiên phát triển.
Trong Nghị quyết 01 ban hành ngày 2/1/2015, Chính phủ đặt mục tiêu hàng đầu tập trung phục hồi khu vực kinh tế trong nước, trong đó giải quyết đồng thời nhiều vấn đề: sức mua trên của thị trường; xử lý nợ xấu hệ thống NHTM gắn với chính sách tiền tệ linh hoạt; làm ấm thị trường BĐS; hỗ trợ cho 5 lĩnh vực ưu tiên là nông nghiệp, xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp phụ trợ, sản phẩm công nghệ cao. Đây chính là những chính sách “nắn dòng” để nền sản xuất từng bước thích nghi với tình hình kinh doanh hiện nay và trong giai đoạn hội nhập sắp tới.
Tại Hội thảo trên, Phó thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cũng lưu ý: “Sức hấp thụ vốn của nền kinh tế đang dần cải thiện. Với độ mở lớn của nền kinh tế Việt Nam, trong điều hành lãnh đạo các NHTM và DN nên theo dõi sát diễn biến thị trường về giá dầu thô giảm trên thị trường quốc tế, xu hướng đồng rúp của Nga, các gói nới lỏng định lượng trong chính sách tiền tệ của Mỹ”.