Cải thiện môi trường kinh doanh: Nhìn từ tâm thế của ngành Ngân hàng
Tầm nhìn và chính sách tốt giúp Việt Nam thành công | |
Cải thiện môi trường kinh doanh: Chờ những đột phá chiến lược |
Cải cách thủ tục, giảm phí dịch vụ và lãi suất của ngân hàng giờ không còn là câu chuyện mới trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN. Bởi công cuộc cải cách hành chính của NHNN và các TCTD nhiều năm qua đã tới giới hạn. Thay vào đó là một động lực mới bắt nguồn từ một tâm thế khác của ngành Ngân hàng với DN, từ quan hệ “xin cho” thời bao cấp chuyển sang quan hệ “cộng sinh”. Ở đó, ngân hàng đặt khách hàng vào trung tâm của mọi hoạt động nhằm cộng hưởng các giá trị gia tăng cho DN.
Các ngân hàng cũng rất tích cực cắt giảm thủ tục, tăng khả năng tiếp cận vốn cho người dân, doanh nghiệp |
Thời của quan hệ cộng sinh
195.000 DN đã được tháo gỡ khó khăn qua 1.500 hội nghị đối thoại giữa ngân hàng và các cấp chính quyền với DN được tổ chức trên cả nước. Dư nợ cho vay thông qua chương trình đạt trên 2,5 triệu tỷ đồng giai đoạn 2014-2018, chưa kể 150.000 dư nợ của DN đã được gia hạn, nâng mức tín dụng, điều chỉnh giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn với DN. Riêng năm 2019, với 420 buổi gặp gỡ đã giải ngân được trên 900.000 tỷ đồng cho trên 50.000 DN; giảm lãi gần 60.000 tỷ đồng đối với các khoản vay cũ cho gần 3.300 DN và khách hàng khác.
Đây mới chỉ là những con số mang tính bề nổi trong hoạt động hỗ trợ DN của ngành Ngân hàng. Từ chủ trương “đặt khách hàng vào vị trí trung tâm” mà NHNN chỉ đạo trên toàn hệ thống, các ngân hàng đã và đang từng ngày đổi mới cùng NHNN thực hiện tốt chủ trương cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN của Đảng, Nhà nước.
Giám đốc Công ty TNHH Lexim Nguyễn Thu Hà chia sẻ, ngân hàng hiện đã trở thành đối tác “cộng sinh”, đồng cam cộng khổ cùng DN. Bằng chứng là thay vì trước đây DN vất vả gõ cửa ngân hàng, thì nay ngân hàng trực tiếp xin hẹn gặp DN. Ngay cả với những ngân hàng có vị thế lớn như Vietcombank cũng cắt cử đoàn cán bộ đến DN cùng nhau trao đổi về cơ hội cũng như thực lực của DN để từ đó đề xuất cho DN các giải pháp tài chính, dịch vụ, lãi suất hữu hiệu.
Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Nguyễn Văn Thân cũng nhìn nhận: Hiện các ngân hàng, kể cả NHTM Nhà nước đều tiếp cận chúng tôi, muốn ký kết hợp tác, đồng hành cùng chúng tôi đến với DN. Ngân hàng nào cũng có gói cho vay dành cho DNNVV kể cả NHTMCP.
Ông Mai Quốc Anh - Phó chủ tịch Hiệp hội DNNVV Hà Nội minh chứng thêm: “Sự gần gũi giữa ngân hàng và DN không chỉ ở góc độ tín dụng tăng dư nợ, hạ lãi suất mà còn phối hợp sở ngành, hiệp hội, cập nhật các chương trình tài trợ. Bộ phận kế toán, nhân sự DN đều được hướng dẫn tư vấn từ lúc khởi thảo làm hồ sơ để sử dụng dịch vụ nhanh chóng. Đây là việc vô cùng tốt, vì năng lực DNNVV hạn chế”.
Ở một góc độ khác, ngành Ngân hàng đã và đang trở thành đòn bẩy hỗ trợ cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh của nhiều bộ ngành khác. Ông Lưu Văn Quân - Giám đốc Trung tâm hỗ trợ DN Hà Nội cho biết, để hỗ trợ DN đăng ký kinh doanh thuận lợi, 8 ngân hàng đã thực hiện kết nối với các Sở Kế hoạch - Đầu tư cung cấp tài khoản cho DN đồng thời với thành lập mới DN hoặc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh mục đích nhằm khắc phục hạn chế lâu nay là DN phải hoàn tất thủ tục thành lập, rồi mới đến ngân hàng mở tài khoản, sau đó lại quay về Phòng Đăng ký kinh doanh để đăng ký cập nhật bổ sung thông tin số tài khoản ngân hàng. Việc này sẽ giảm đi một thủ tục hành chính là việc đăng ký xác nhận và thông báo về tài khoản ngân hàng của DN.
Chia sẻ và đồng cam cộng khổ
Sự “cộng sinh” của ngân hàng với DN đã vươn lên một tầm cao mới với việc chia sẻ tài nguyên của chính mình hỗ trợ cho DN phát triển với phương châm “DN có lợi nhuận, ngân hàng có lãi”. Ông Đinh Như Tuynh - Giám đốc khối khách hàng DNNVV của MBBank cho biết, dựa trên nền tảng ngân hàng số, MB đã đưa ra một phương thức tiếp cận mới cho DN là SME CARE. Tham gia hệ thống này, các DN được miễn phí quảng cáo với trên 200 tòa văn phòng và hình ảnh ngoài trời do ngân hàng tự thiết kế và tự quảng bá.
Lợi ích lớn hơn, MB đã tạo ra môi trường liên kết kinh doanh cho hàng trăm DN và hàng triệu khách hàng cá nhân thông qua forum. Không chỉ vậy MB còn kết nối, đào tạo DN theo chuyên ngành, cung cấp miễn phí dịch vụ trả lương qua MB, ưu đãi về sản phẩm tín chấp vay trả lương, miễn phí sử dụng dịch vụ Ngân hàng điện tử, các dịch vụ thẻ…
Tuy nhiên, điều được đông đảo cộng đồng DN ghi nhận và đánh giá cao vẫn là sự hỗ trợ vốn với lãi suất ưu đãi của các ngân hàng thông qua các chương trình kết nối. Giám đốc NHNN chi nhánh Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn cho biết, chỉ riêng với các Chương trình kết nối lãi suất cho vay đối với DN đã thấp hơn mặt bằng chung từ 1%-1-5%. Đặc biệt với một số DN thuộc lĩnh vực ưu tiên và có xếp hạng tín dụng tốt còn được cho vay với lãi suất thấp hơn nữa.
Tuy nhiên, những chia sẻ từ phía DN cho thấy vẫn còn một số DN chưa tiếp cận và chưa được đáp ứng đủ nhu vầu vốn. Thế nhưng bản thân vị Chủ tịch Hiệp hội DNNVV cũng như các nhà quản lý đều thừa nhận, nguyên nhân dẫn tới thực tế này chủ yếu là do năng lực tài chính, quản trị của DN còn nhiều bất cập, chưa khiến các ngân hàng tin tưởng để giải ngân.
Những chia sẻ của Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú một lần nữa cho thấy những quyết tâm của ngành Ngân hàng trong việc thực hiện Nghị quyết 02, cải thiện môi trường kinh doanh, hỗ trợ DN thời gian tới. Trong đó, điều quan trọng đầu tiên mà NHNN hướng đến đó chính là tạo một môi trường kinh tế vĩ mô ổn định với việc tiếp tục điều hành linh hoạt và ổn định chính sách lãi suất, tỷ giá phục vụ mục tiêu kinh doanh cũng như đảm bảo lợi ích cho DN. Bên cạnh đó ngân hàng sẽ đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho DN.
“Trong điều kiện vĩ mô không thuận lợi cho kiểm soát lạm phát mà phải thắt chặt tín dụng thì cũng chỉ dành cho đối tượng không khuyến khích. Với lĩnh vực khuyến khích ưu tiên ngân hàng đảm bảo đủ vốn”, Phó Thống đốc khẳng định.
Trên góc độ của cơ quan quản lý, NHNN sẽ tiếp tục cải thiện cơ chế chính sách, như tới đây sẽ sửa đổi Thông tư 39 theo hướng mạnh dạn trao thẩm quyền cao hơn cho lãnh đạo các NHTM tự quyết và chịu trách nhiệm về hoạt động kinh doanh của mình. Trong đó nâng cao trách nhiệm quản lý rủi ro, hạn mức rủi ro gắn thẩm quyền cho vay, đối tượng cho vay, trích lập dự phòng rủi ro từ đó giúp TCTD quyết định lãi phù hợp hỗ trợ DN song vẫn đảm bảo an toàn rủi ro và ổn định hệ thống.
Bên cạnh đó, cải cách thủ tục hành chính sẽ tiếp tục được NHNN chỉ đạo quyết liệt và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, yêu cầu các TCTD tích cực tham gia. NHNN cũng sẽ chủ động phối hợp cùng bộ, ngành triển khai làm tốt nhất các chính sách hỗ trợ DN.
Một điểm nhấn khác được NHNN triển khai trong thời gian tới đó là hướng các chính sách hỗ trợ vào địa phương, DN đang có hiệu quả hiện nay. Coi đó là trọng tâm trọng điểm giúp DN tham gia chuỗi liên kết, công nghệ cao, hỗ trợ địa phương gói sản phẩm bình ổn giá, phát triển sản phẩm chủ lực của địa phương vùng…