Cần cải thiện môi trường pháp lý
Nỗ lực cải thiện
Thời gian qua, Đà Nẵng cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 6 dự án đầu tư trong nước, tổng vốn đầu tư 6.350,2 tỷ đồng; thu hút được 122 dự án FDI với tổng vốn đầu tư khoảng 153,7 triệu USD, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2017. Cùng với đó, triển khai hàng loạt giải pháp tạo một nền tảng vững chắc trong hoạt động xúc tiến, thu hút đầu tư...
Đà Nẵng vẫn gặp khó trong thu hút đầu tư |
Tính riêng trong tháng 1/2019, Đà Nẵng cấp mới 12 dự án đầu tư FDI, với tổng vốn cấp mới 8,708 triệu USD, tăng hơn 13,37 lần so với cùng kỳ năm 2018; 1 dự án tăng vốn thêm 30 triệu USD, tăng hơn 17,117 lần so với cùng kỳ; có 18 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong các tổ chức kinh tế với tổng vốn đăng ký mua 8,410 triệu USD, tăng hơn 17,23 lần so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế đến nay, Đà Nẵng có 700 dự án FDI với tổng vốn đầu tư trên 3,02 tỷ USD.
Để có được kết quả khả quan này, Đà Nẵng tập trung vào các giải pháp tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước. Cùng với đó là tổ chức thường xuyên các chương trình đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo địa phương với DN, nhà đầu tư; chủ động thông tin đến các nhà đầu tư, DN thông qua 26 bản tin đầu tư tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Nhật. Đồng thời, biên soạn và phát hành bộ tài liệu quảng bá tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch phục vụ công tác xúc tiến đầu tư bằng 4 ngôn ngữ (Anh, Nhật, Hàn, Trung).
Năm 2018, Đà Nẵng đã tổ chức, tham gia hơn 20 hội thảo trong và ngoài nước về xúc tiến đầu tư, thu hút nhiều nhà đầu tư, DN quan tâm đến các lĩnh vực mà địa phương này đang kêu gọi…
Thực tế cho thấy, với chiến lược phát triển dài hạn, Đà Nẵng kiên trì chọn lựa ưu tiên thu hút các dự án dự án công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ và dịch vụ có giá trị gia tăng cao, nhất là các dự án sạch... Trên cơ sở đó, Đà Nẵng triển khai căn cơ các giải pháp nhằm phục vụ tốt công tác xúc tiến đầu tư vào các thị trường trọng điểm. Đồng thời, tổ chức cập nhật, hoàn thiện cơ sở dữ liệu đầu tư của các thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc. Tiến hành phân tích xu hướng đầu tư; lập danh sách tổ chức xúc tiến đầu tư.
Đà Nẵng cũng đã ký kết bản ghi nhớ với Công ty Sake Corporate Holdings (Singapore) để phối hợp với Liên đoàn Sản xuất Singapore (SMF) triển khai thiết kế Quy hoạch chung Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 và nghiên cứu đề xuất đầu tư một số dự án tại Đà Nẵng.
Còn nhiều thách thức
Song song với đó, Đà Nẵng luôn tổ chức kết nối, giữ mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế như Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), Cơ quan Xúc tiến thương mại Hàn Quốc (KOTRA), Hiệp hội DN Hàn Quốc tại Việt Nam (KORCHAM), Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EUROCHAM)... để đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại các thị trường tiềm năng. Qua đó, tiếp cận các nhà đầu tư chiến lược để giới thiệu các cơ hội đầu tư trong các lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục, y tế, dự án phát triển cảng Liên Chiểu...
Để thu hút nhà đầu tư, Đà Nẵng còn tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng cơ sở. Đến nay, Đà Nẵng đã phê duyệt đầu tư 3 Khu công nghiệp mới, với gần 950ha và 2 cụm công nghiệp Cẩm Lệ và Hòa Khánh Nam, với gần 50ha để phục vụ cho DN sản xuất đang hoạt động trong các khu dân cư.
Một trung tâm logistics cấp vùng (Cảng Liên Chiểu) và các trung tâm logistics cấp tỉnh như Hòa Nhơn, Ga hàng hóa Kim Liên mới, Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng, Khu Công nghệ cao; cùng các trung tâm logistics nhỏ lẻ và các kho bãi khác… cũng được UBND TP. Đà Nẵng phê duyệt thông qua trong quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng logistics đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đồng thời, thành phố cũng đẩy mạnh thực hiện cơ chế phối hợp và một cửa liên thông giữa các sở, ban, ngành thuộc UBND thành phố và các cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn. UBND TP. Đà Nẵng đã ban hành và triển khai thực hiện quy định thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong đăng ký đầu tư và đăng ký DN tại Đà Nẵng đối với cả dự án trong và ngoài các khu công nghiệp, khu công nghệ cao.
Phó chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Hồ Kỳ Minh cho rằng, mặc dù Đà Nẵng có vị trí thuận lợi, hạ tầng đồng bộ nhưng điều DN cần nhất là chính sách ưu đãi, thì hiện thành phố còn những hạn chế hơn các địa phương lân cận, do vậy chưa thực sự tạo hấp dẫn, cạnh tranh để thu hút đầu tư.