Cần có luật về cổ phần hóa?
Tồn tại, hạn chế ở “đầu tàu dẫn dắt” | |
Tạo điều kiện cho tư nhân có thể tham gia vào cổ phần hóa DNNN | |
Xử lý nghiêm các vi phạm trong quản lý, sử dụng vốn của DN Nhà nước |
Tại Hội thảo “Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) và thoái vốn Nhà nước tại doanh nghiệp - Góc nhìn chuyên gia” diễn ra ngày 12/6, các chuyên gia bày tỏ sự quan ngại rằng quá trình cổ phần hóa, thoái vốn còn diễn ra chậm chạp. Chính điều này đã làm không ít nhà đầu tư nản lòng, mất niềm tin vào lộ trình, kế hoạch mà Chính phủ đặt ra.
Phát biểu tại hội thảo do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng) tổ chức trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam (ViEF) này, TS. Nguyễn Quang Trung - Giảng viên cao cấp Trường RMIT nhận xét về quá trình và xu hướng cổ phần hóa, thoái vốn DNNN như sau: “Vẫn còn có sự do dự, chần chừ từ một số người ảnh hưởng lớn đến các nhà hoạch định chính sách”.
Nghiên cứu của TS. Trung cho thấy nhiều DNNN chưa được chuẩn bị tốt cho việc chào bán cổ phần lần đầu (IPO). Đã vậy, "chủ nghĩa thân hữu" còn phổ biến trong việc lựa chọn nhà cung ứng. Định giá tài sản đất đai còn phức tạp… Đó cũng là những nguyên nhân làm cổ phần hóa, thoái vốn chậm chạm.
Đồng thời với đó, một nguyên nhân quan trọng là quy định về cổ phần hóa tuy được cho là rất nhiều. Chính phủ cũng chủ trương “khó đâu gỡ đó”. Tuy nhiên, quy định chồng chéo, mới dừng lại ở các quy định khung mà thiếu cụ thể nên trong quá trình thực hiện DN thường phải hỏi ý kiến cơ quan quản lý chuyên ngành.
Ông Lê Song Lai - Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (SCIC), cho biết quy định không rõ và cụ thể, không quy định phương pháp giá khởi điểm… lại bị áp lực “không được làm thất thoát vốn và tài sản nhà nước…” gây rủi ro rất lớn cho người ra quyết định thoái vốn.
Đề cập đến định hướng cho cổ phần hóa DNNN thời gian tới, một vấn đề quan trọng được nhiều ý kiến nhấn mạnh tại Hội thảo là Nhà nước cần quan tâm đảm bảo sự phát triển bền vững sau khi cổ phần hóa, thoái vốn tại DNNN, thay vì chỉ chú trọng tới yếu tố kinh tế.
Với vai trò là chủ thể kiến tạo sự phát triển của quốc gia, Nhà nước cần có một tầm nhìn dài hạn và toàn diện hơn trong quá trình tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược có khả năng bảo vệ thương hiệu Việt và duy trì ngành nghề kinh doanh chính, dày dạn kinh nghiệm ở thị trường Việt Nam, đảm bảo có thể kế thừa và phát triển tốt các sản phẩm của doanh nghiệp sau cổ phần hóa, thoái vốn.
Một số chuyên gia góp ý, cần đảm bảo tiến độ và minh bạch thông tin về quá trình cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp. Thực tế cho thấy, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn sau cổ phần hóa, đã đóng góp tốt hơn cho nền kinh tế và cả ngân sách Nhà nước. Khi doanh nghiệp hoạt động hiệu quả thì các đợt thoái vốn Nhà nước tiếp theo sẽ có giá trị cao hơn, giúp đem lại nguồn thu lớn hơn cho ngân sách.
Theo ông Vương Tuấn Dương - Phó Giám đốc điều hành Tập đoàn VinaCapital, cổ phần hóa cũng giúp thị trường vốn có thêm nhiều công ty niêm yết, từ đó phát triển cả chiều rộng và chiều sâu. Các doanh nghiệp trên thị trường nhờ đó có thể gọi vốn thuận lợi hơn thông qua phát hành cổ phiếu, giảm phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, giúp cơ cấu vốn tổng thể của nền kinh tế cân bằng hơn.
Chính vì vậy, dù điều kiện thị trường có thay đổi, Chính phủ vẫn cần có biện pháp đảm bảo tiến độ chương trình cổ phần hóa, tránh để các biến động tăng, giảm của thị trường làm ảnh hưởng quá lớn đến số lượng các doanh nghiệp được cổ phần hóa. Đặc biệt, đối với các thương vụ lớn thì Chính phủ cần lên kế hoạch kỹ càng từ trước và thực hiện dần từng bước, tránh gây ra tình trạng thị trường không hấp thu kịp.
Nhấn mạnh đến một trong những vấn đề cần được cải thiện hiện nay là minh bạch thông tin, ông Dương đề xuất: Theo định kỳ 6 tháng, hoặc ít nhất là hàng năm, Chính phủ nên cung cấp cho báo chí, cộng đồng nhà đầu tư những thông tin cơ bản về: kế hoạch cổ phần hóa/thoái vốn cho giai đoạn vừa qua; những thành quả đạt được và các biện pháp khắc phục khi không đạt kế hoạch.
Để thúc đẩy tốc độ cổ phần hóa, nhiều kiến nghị đã được nêu lên và kiến nghị đầu tiên là tạo lập một khuôn khổ pháp lý chặt chẽ, bảo đảm quy trình bán vốn công khai, minh bạch, cần ban hành luật cổ phần hóa.
Bên cạnh đó, những bài học thành công của SCIC thời gian vừa qua được ông Lai chia sẻ: “Tổ chức hoạt động bán vốn một cách chuyên nghiệp, lựa chọn thời điểm bán vốn phù hợp, theo sát diễn biến thị trường và thực trạng hoạt động của doanh nghiệp”. Bên cạnh đó, cần tiên phong trong việc áp dụng các cơ chế bán vốn đặc thù như bán cả lô, bán cho nhà đầu tư chiến lược, bán dưới mệnh giá.